Hai cha con lương y Nguyễn Hữu Hiệp và TS. Dược học Nguyễn Thị Vinh Huê vừa cho ra mắt một tác phẩm được ví như “bản trường ca về các vị thuốc Việt Nam”.

Ảnh: MedInsight
Ảnh: MedInsight

Việt Nam có nguồn cây thuốc vô cùng phong phú (hơn 5.100 cây thuốc, theo Danh lục cây thuốc Việt Nam mới nhất xuất bản năm 2017), nhưng với những người theo đuổi ngành y học cổ truyền hay ngành dược, một trong những môn học “đáng sợ” nhất chính là môn dược liệu - PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, nguyên phó giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết. “Học về một dược liệu nghĩa là ngoài phải nhớ tên bằng tiếng Việt, còn phải nhớ tên khoa học bằng tiếng Latin gồm tên chi, tên họ, tên loài cùng nguồn gốc dược liệu, bộ phận sử dụng và tác dụng của nó.”

Để giúp cho người hành nghề đông y dễ thuộc và nhớ lâu, từ xa xưa, một số vị danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông... đã tìm cách diễn sách y dược văn xuôi sang văn vần. Cái hay của tác phẩm Toát yếu Đông dược diễn ca vừa ra mắt, theo PGS Nguyễn Duy Thuần, nằm ở chỗ đa phần các dược liệu trong đó là thuốc nam.


Toát yếu Đông dược diễn ca gồm hơn 6.000 câu thơ liên hoàn về gần 400 vị thuốc, được sắp xếp thành 16 nhóm lớn với 30 phân nhóm nhỏ theo tác dụng chữa bệnh. Mỗi vị thuốc được biên soạn đầy đủ thông tin từ tên gọi, tên khác, tính vị, quy kinh, công năng, chủ trị đến kiêng kỵ (nếu có). Các tác giả cũng biên soạn riêng một phần về nhóm thuốc cổ truyền có tương kỵ, thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai và những thức ăn tránh dùng khi uống thuốc. Ngoài ra, cuốn sách còn có bảng tra cứu tên các vị thuốc bằng tiếng Việt và tên khoa học cũng như hình ảnh đặc trưng của một số cây thuốc tiêu biểu.


“Chúng ta phải nhớ rằng các tài liệu hiện nay giới thiệu thuốc bắc nhiều hơn. Tất nhiên thuốc bắc là không thể thiếu, nhưng hiện có chủ trương là làm thế nào để nền y học của chúng ta có thể khai thác các dược liệu bản địa thay thế thuốc bắc,” ông Thuần cho biết và nêu ví dụ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đang thực hiện một đề tài do Bộ Y tế tài trợ về nội dung quy kết tính vị, quy kinh và chủ trị cho các vị thuốc nam để thay thế các vị thuốc bắc.

Hai tác giả trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội ngày 15/1/2021. Ảnh: MedInsight
Hai tác giả trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội ngày 15/1/2021. Ảnh: MedInsight

Một điểm nữa khiến tác phẩm của cha con lương y Nguyễn Hữu Hiệp khác với nhiều cuốn sách văn vần về đông dược là mỗi vị thuốc được dành cho 14-16 vần thơ, thay vì chỉ vài vần, “bắt đầu từ nguồn gốc vị thuốc ở đâu, tính vị ra sao, quy kinh, chủ trị, cả chủ trị cơ bản và những lưu ý khi dùng” - PGS Nguyễn Duy Thuần chỉ ra.

GS.TS.NGND Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội, người ví cuốn sách như “bản trường ca về các vị thuốc Việt Nam”, nói, ông cảm thấy vinh dự khi được mời viết Lời giới thiệu cho tác phẩm. “Đây là một công trình khoa học, hai tác giả dày công sưu tầm nhiều tài liệu và tập hợp, sắp xếp lại theo tác dụng chữa bệnh. Cái này rất cần chính xác và độ chính xác đó có được là do kinh nghiệm điều trị của người thầy thuốc, chứ đọc sách không thì chưa chắc,” ông giải thích. “Đặc biệt, công trình còn có giá trị thực tiễn ở chỗ giúp việc học tập của sinh viên [ngành y học cổ truyền] thuận lợi hơn.”

PGS Nguyễn Duy Thuần hoàn toàn đồng tình với nhận xét này và nói thêm, cuốn sách có sự tương đồng với nội dung đông dược mà sinh viên, cán bộ y học cổ truyền đang được học, “từ các vị thuốc thiết yếu đến cách chia nhóm theo tác dụng”.

“Đặc biệt, có những vị thuốc trong sách hầu như chưa được nói đến ở các tài liệu khác. Ví dụ, biển súc là vị thuốc trong dân gian mới được nghiên cứu thời gian gần đây. Một vị thuốc khác mà tôi hết sức tâm đắc là cây cao cẳng thuộc họ mạch môn được luận án tiến sĩ của chị Huê chứng minh tác dụng chống viêm và giảm đau trong điều trị các bệnh về khớp,” ông nói.

PGS Thuần tin rằng, với những điểm mạnh đó, cuốn sách là tài liệu bổ sung rất tốt cho các trường y dược, “thậm chí có thể tăng hứng khởi cho sinh viên trong quá trình học, nếu được lồng ghép vào chương trình”.

Tại buổi ra mắt sách mới đây, TS Nguyễn Thị Vinh Huê kể, cách đây dăm năm, bố chị bắt đầu viết những vần thơ đầu tiên về một vài vị thuốc và đăng trên tạp chí Cây thuốc quý - nơi ông là nhà báo và thành viên Ban biên tập. “Bao nhiêu năm học về dược liệu thấy khó nhớ đến vậy mà khi đọc những vần thơ ấy tôi thấy quá gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ.” Vì vậy, chị chia sẻ với bố ý tưởng chuyển thông tin của tất cả các vị thuốc thành những vần thơ. “Lúc đầu cũng chỉ nghĩ sẽ là những bài thơ riêng lẻ về từng vị thuốc, nhưng bố tôi cho rằng nếu là diễn ca liên hoàn thì sẽ có giá trị hơn,” chị nhớ lại.

Trong khi đó, lương y Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, sinh ra trong gia đình bốn đời làm nghề đông y nhưng với bản thân ông, việc nhớ tên và công dụng của dược liệu vẫn là cả một vấn đề. Ông cũng nhận thấy khó khăn tương tự ở các đồng nghiệp. “Có vị lương y 65 tuổi, xuất thân từ gia đình ba đời làm nghề y học cổ truyền còn phải viết thư nhờ tạp chí Cây thuốc quý giải đáp đặc tính và công dụng của vị thuốc nọ,” ông kể.

Bởi vậy, hai bố con ông bắt tay thu thập tư liệu để viết nên cuốn sách, từ tư liệu quý về Đông dược của các danh y đến nghiên cứu của các nhà khoa học dược liệu Việt Nam và trên thế giới. Mong muốn của ông trước hết là giúp các thế hệ sau này trong gia đình nhớ và vận dụng vốn y học cổ truyền sâu sắc hơn, đồng thời hỗ trợ những người làm Đông y – Đông dược ít vấp váp hơn trong quá trình hành nghề.

TS Huê cho biết, chị dự định, trong lần xuất bản tiếp theo sẽ bổ sung phần hình ảnh và liều dùng của các vị thuốc. “Liều dùng còn chưa được đề cập trong diễn ca, trong khi nội dung này rất cần cho người tra cứu”. Xa hơn, vị Tiến sĩ Dược học con nhà nòi còn muốn làm một cuốn sách khác về cây thuốc dưới dạng bản đồ trí nhớ mindmap.

Tác giả Nguyễn Hữu Hiệp đã có hơn 40 năm hành nghề đông y. Từ năm 1962, ông tiếp quản và phát triển các bài thuốc gia truyền điều trị các chứng bệnh phụ khoa; mồ hôi trộm; đái dầm; thối tai; viêm xoang; các chứng bệnh thận, xương khớp; vô sinh nam, nữ... Ông từng được trao Giải thưởng “Hải Thượng Lãn Ông” của Bộ Y tế.

Tác giả Nguyễn Thị Vinh Huê (Công ty cổ phần Traphaco) là Tiến sĩ Dược học, có thế mạnh về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ dược liệu. Chị từng được Hiệp Hội các nhà khoa học nữ Hàn Quốc tặng Giải Bạc về công trình nghiên cứu thuốc giải độc gan từ dược liệu.