Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện động vật có vú bắt chước tiếng kêu của côn trùng để ngăn chặn kẻ thù.

Nhiều loài động vật bắt chước các sinh vật khác để làm cho kẻ thù nghĩ rằng chúng là mục tiêu nguy hiểm hoặc không dễ tiêu diệt. Hầu hết là bắt chước về hình thức, chẳng hạn như màu sắc. Ví dụ, một loài rắn hổ mang chúa không độc ở Bắc Mỹ (Lampropeltis elapsoides) đã tiến hóa để có màu sắc tương tự như loài rắn san hô (Micrurus fulvius) cực độc, nhằm đe dọa những kẻ thù.

Một nghiên cứu hành vi động vật mới cho thấy dơi tai chuột (Myotis myotis) là một trong số rất ít loài động vật bắt chước sinh vật khác về âm thanh, cụ thể là bắt chước tiếng vo ve của ong để đánh lừa cú săn mồi. Nghiên cứu được công bố vào ngày 9/5 trên tạp chí Current Biology.

Đối với loài cú, tiếng kêu cứu của loài dơi tai chuột lớn hơn nghe tương tự tiếng vo ve của ong bắp cày.

Sống về đêm và có thị lực kém, dơi dựa vào khả năng định vị bằng tiếng vang để tìm đường và giao tiếp bằng một loạt các tiếng vang khác. Khi đang thu thập dơi cho một nghiên cứu khác, nhà sinh thái học Danilo Russo tại Đại học Naples Federico II, Ý, đồng tác giả nghiên cứu, nhận thấy dơi tai chuột có tiếng kêu cứu có vẻ tương tự tiếng vo ve của ong hoặc ong bắp cày.

Vì thế, Russo và các đồng nghiệp so sánh cấu trúc âm thanh kêu cứu của dơi với âm thanh vo ve của ong bắp cày châu Âu (Vespa Cuaro). Ở hầu hết các tần số, hai âm thanh khá khác biệt, nhưng riêng ở tần số mà cú có thể nghe được, hai âm thanh cực kỳ tương tự nhau. Do đó khi dơi tai chuột kêu cứu, cú săn mồi sẽ nghe thấy tiếng tựa như tiếng vo ve của ong bắp cày, Russo nói.

Trong tự nhiên, cú thường né tránh ong bắp cày, vì vậy chúng sẽ tỏ ra cảnh giác với bất cứ thứ gì tạo ra tiếng vo ve như ong. Đây có thể là cách dơi đánh lạc hướng cú săn mồi.

Để kiểm tra giả thuyết này, nhóm nghiên cứu đã phát tiếng kêu giao tiếp của dơi, tiếng vo ve của ong, và tiếng kêu cứu của dơi cho những con cú sống trong điều kiện nuôi nhốt.

Kết quả, cú có xu hướng tiến lại gần loa khi loa phát lại các tiếng kêu giao tiếp của dơi, như thể đang tìm kiếm con mồi. Khi loa phát tiếng vo ve của ong bắp cày, cú sẽ tránh xa. Nhiều con cú cũng tránh xa khỏi loa khi nghe thấy tiếng kêu cứu của dơi. Kết quả quan sát này ủng hộ giả thuyết dơi cố tình bắt chước tiếng vo ve của ong để đánh lừa cú săn mồi rằng có một đàn ong bắp cày đang ở gần, theo Russo.

Nhiều loài động vật bắt chước yếu tố hình thức để đánh lừa động vật săn mồi. Nhưng đối với dơi và cú, các loài sinh sống về đêm, các dấu hiệu hình thức sẽ không rõ ràng. Vì thế "thật hoàn toàn hợp lý khi loài dơi, với khả năng âm thanh đáng nể của chúng, sẽ sử dụng các phương tiện âm thanh để đánh lừa những kẻ săn mồi," Mirjam Knörnschild, nhà sinh thái học về hành vi động vật tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Berlin, nói.

Nguồn: