Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, một bản thảo viết tay bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ dày đúng 448 trang với rất nhiều hình ảnh minh họa đã được phát hiện tại Hungary. Cuốn sách mang tên Rohonc Codex – đang nằm trong văn khố của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hungary, cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn thách thức tâm trí các sử gia và nhà nghiên cứu.

Rohonc từng là một thành phố thuộc Hungary, nơi cuốn sách được lưu giữ cho đến năm 1838 trước khi Bá tước Gusztav Batthyany (1803 – 1883) quyết định tặng nó cùng bộ sưu tập 30 ngàn cuốn sách khác từ lâu đài của mình cho Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Thành phố hiện có tên mới là Rechnitz và thuộc Áo, gần biên giới Hungary1.

Cuốn sách bí ẩn Rohonc Codex. Ảnh: Klaus.Schmeh/Wikimedia

Bìa và ruột sách được làm theo khổ 12 x 10 cm, mỗi trang có khoảng 9 – 14 hàng ký hiệu (tổng cộng hơn 800), nhiều gấp 10 lần bất cứ bảng mẫu tự (alphabet) nào mà con người từng biết đến. Tuy nhiên, tần suất lặp của những ký hiệu này lại rất thấp, vì thế chúng chưa chắc đã thuộc về một bảng mẫu tự mà có khi chỉ là các âm tiết (syllabary) hoặc dấu tốc ký (logographic) giống như bộ, nét trong chữ Hán. Đi kèm các đoạn văn khó hiểu là khoảng 90 trang hình minh họa mô tả cảnh sinh hoạt tôn giáo, thế tục và quân sự. Qua những hình vẽ sơ sài, bao gồm biểu tượng thập tự giá, trăng lưỡi liềm, ngôi sao, mặt trời, chữ vạn,… người xem có thể liên tưởng đến một sự chung sống hòa bình giữa Cơ đốc giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác.

Ảnh: Klaus.Schmeh/Wikimedia.

Trong lúc một số học giả cho rằng cuốn sách chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí còn là một trò bịp bợm, thì những người khác lại tin nó chắn chắn phải ẩn chứa thông điệp nào đó và đã bỏ rất nhiều công sức hòng giải mã nội dung. Kết quả phân tích đồng vị C14 cho thấy Rohonc Codex được viết trên một loại giấy xuất xứ từ Venice (Ý) vào khoảng thế kỷ XVI, nhưng không rõ ngày tháng - bởi giấy có thể cũ hơn nhiều so với văn bản hoặc văn bản được sao chép từ một nguồn khác trước đó. Sau khi chắp nối các manh mối từ những hình ảnh minh họa, có ý kiến cho rằng cuốn sách được tạo ra vào khoảng thế kỷ XVI – XVII.

Một học giả Hungary cho biết khi lật ngược cuốn sách, ông nhìn thấy các ký hiệu rất giống với loại chữ kép của người Sumer và đọc được sau khi tìm kiếm mối liên hệ giữa chúng với những mẫu tự Latinh. Ông cũng sắp xếp lại thứ tự của các chữ cái để tạo thành những từ có nghĩa. Tuy nhiên, phương pháp này đã gặp phải rất nhiều chỉ trích bởi sự thiếu đồng nhất của nó.

Nhà ngữ văn Viorica Enăchiuc người Romania thì khẳng định văn bản trong cuốn sách được viết bằng phương ngữ Latinh thông tục (Vulgar)2 của vùng Dacia3 theo hướng từ phải sang trái và từ dưới lên trên. Ông cũng dẫn một bản dịch cho biết nội dung cuốn sách kể về lịch sử thế kỷ XI-XII của người Blaki (Vlachs) trong cuộc chiến chống lại Hungary và Pechenegs. Tuy nhiên, quan điểm này cũng bị phản đối khi các ký hiệu xuất hiện trong cùng một ngữ cảnh xuyên suốt của cuốn sách lại thường xuyên bị chuyển ngữ bằng những chữ cái khác nhau (tức không còn chính xác nữa). Ngoài ra, giữa các hình ảnh minh họa trong bản thảo gốc với bản dịch của Enăchiuc dường như cũng chẳng có mối liên hệ nào.

Theo một giả thuyết khác của nhà nghiên cứu Mahesh Kumar Singh người Ấn Độ, bản thảo có lẽ đã được viết từ trái sang phải và từ trên xuống dưới bằng một biến thể chữ viết thuộc hệ thống Brahmi4– hiện chưa có văn bản nào giải thích cặn kẽ. Ông đã chuyển ngữ 24 trang đầu tiên của nó thành tiếng Hindi, sau đó dịch sang tiếng Hungary. Tuy nhiên, phương pháp này cũng bị chỉ trích là thiếu nhất quán.

Hai nhà ngôn ngữ học Gábor Tokai và Levente Zoltán Király nhận định: những gì được viết trong cuốn sách thực chất chỉ là một hệ thống mã hóa không hề liên quan đến cấu trúc ngôn từ. Họ dẫn mốc – năm 1593 CE (lịch Gregorian) – như là một tham chiếu phù hợp với thời gian bản thảo được viết bởi một tín đồ Công giáo bình thường, chủ yếu dựa trên các diễn giải Kinh Tân Ước về cuộc đời Chúa Giê-su.

Bí ẩn của Rohonc Codex, vì thế có lẽ sẽ không bao giờ hoàn toàn được giải đáp.

Chú thích:

1. Trong lịch sử, hai nước Áo và Hungary từng kết liên minh thành Đế quốc Áo – Hung (năm 1867), tồn tại được 51 năm cho đến khi sụp đổ (năm 1918) vì bại trận trong Thế chiến I. Đế quốc Áo-Hung được tổ chức theo thể chế liên bang, thủ đô đặt tại Vienna và Budapest, do hoàng đế Áo thuộc dòng họ Habsburg trị vì với lãnh thổ bao gồm toàn bộ lưu vực sông Danube mà ngày nay thuộc Áo, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Hungary, một phần Serbia, Romania, Ba Lan và vương quốc tự trị Croatia,… với dân số lên tới 73 triệu người. Trước năm 1914, Đế quốc Áo-Hung có diện tích lớn thứ hai (sau Đế quốc Nga) và dân số đông thứ ba châu Âu (sau Nga và Đức).

2. Tiếng Latinh thông tục hay còn gọi là tiếng Latinh bình dân hoặc Latinh khẩu ngữ, là một phổ rộng bao gồm nhiều phương ngữ xã hội của tiếng Latinh được nói chủ yếu tại khu vực xung quanh bồn địa Địa Trung Hải trong và sau thời Đế quốc La Mã (27 TCN – 476). Nó thường được phân biệt với tiếng Latinh cổ - là dạng thức tiêu chuẩn (nhất là về mặt chữ viết) của ngôn ngữ này. Theo dòng lịch sử, tiếng Latinh thông tục ít được chuẩn hóa, có sự đa dạng và biến thể rất lớn tùy theo vùng miền địa lý. Các ngôn ngữ thuộc nhóm Rôman, tiêu biểu là tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Romania, đều tiến hóa trực tiếp từ tiếng Latinh thông tục chứ không phải Latinh cổ điển.

3. Theo các ghi chép, Dacia là vùng đất sinh sống của người Dacia hoặc Getae - một nhánh của người Thracia cổ xưa tại phía Bắc dãy Haemus, tương ứng với lãnh thổ hiện nay của Romania và Moldova, một phần Bulgaria, Serbia, Hungary và Ukraine.

4. Brahmi là tên của hệ thống chữ viết lâu đời nhất từng được sử dụng trên Tiểu lục địa Ấn Độ và Trung Á, trong những thế kỷ cuối trước Công nguyên và đầu Công nguyên.