Tác phẩm của Maurice Durand là công trình lớn đầu tiên đặt nền tảng cho hiểu biết về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam trên hai phương diện: kỹ thuật hầu đồng và trình đồng; và tôn ti của các vị thần trong điện thờ.


Tác giả Maurice Durand (chính giữa).
Tác giả Maurice Durand thời kỳ còn ở Việt Nam (chính giữa). Ảnh: TL

Maurice Durand (1914 – 1966) là thành viên xuất sắc của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, mà các công trình của ông từ lâu đã trở nên những tham khảo quan trọng cho các nghiên cứu về Việt Nam. Trong đó, Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam [Technique et Panthéon des Médiums Viêtnamiens (Đồng)], chuyên khảo ra mắt năm 1959 - ít lâu sau khi Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đóng cửa trụ sở Hà Nội, còn tác giả phải rời thành phố mình đã sinh ra để tới Pháp - là nghiên cứu lớn đầu tiên về lĩnh vực này, bởi vậy trở nên tham chiếu bắt buộc cho mọi nghiên cứu về sau. Tác phẩm của Maurice Durand đặt nền tảng cho sự hiểu biết về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam trên hai phương diện: 1) kỹ thuật hầu đồng và trình đồng, 2) tôn ti của các vị thần trong điện thờ.

Trật tự nghiên cứu của Maurice Durand, cũng như nhan đề tiếng Pháp của tác phẩm, “khảo sát các hoạt động lên đồng và các chư thần được cầu khấn” (tr. 19). Nhưng nhan đề quyển sách trong tiếng Việt đã đảo ngược trật tự: “Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam”. Điều này dường như xuất phát từ sự đối lập trong kinh nghiệm của Maurice Durand và của một người bản địa, dịch giả TS. Nguyễn Thị Hiệp. Maurice Durand, một người con lai Việt - Pháp sinh ra tại Hà Nội, đã chú ý trước hết những thực hành cụ thể và đặc thù của thanh đồng tại các điện, phủ vùng đồng bằng sông Hồng mà ông đã tham dự. Ngược lại, dịch giả tiếng Việt tuân theo thứ tự chú ý của người bản địa, ở đó anh ta hoặc cô ta hướng ánh nhìn trước tiên tới các vị thần mà mình tới điện thờ để cầu khấn, xin lộc, rồi mới tới những thực hành tôn giáo của người tham dự. Do đó, trong bài điểm sách này, tôi lựa chọn xét hai đóng góp lớn của Maurcie Durand theo trật tự mà dịch giả Nguyễn Thị Hiệp đã xác định.

Đầu tiên, tôi xét tới đóng góp của Maurice Durand trong sự xác lập căn bản tôn ti của các vị thần trong điện thờ Mẫu.

Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam do Olivier Tessier tổ chức biên soạn; Nguyễn Thị Hiệp, Marcus Durand và Philippe Papin dịch và giới thiệu. Cuốn sách được xuất bản bởi Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Chương trình VIETNAMICA. Nguồn: INT
Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam do Olivier Tessier tổ chức biên soạn; Nguyễn Thị Hiệp, Marcus Durand và Philippe Papin dịch và giới thiệu. Cuốn sách được xuất bản bởi Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Chương trình VIETNAMICA. Nguồn: INT

Maurice Durand, đồng tình với giới nghiên cứu Việt Nam trong thời Pháp thuộc, bắt đầu chuyên luận bằng một nguyên lý: ba tôn giáo lớn Phật – Đạo – Nho không chiếm toàn thể đời sống tôn giáo của người Việt. Do đó có thể tồn tại những tín ngưỡng dân gian khác, dẫu hiện nay chúng đều ít nhiều mang dấu ấn của ba tôn giáo trên. Từ đó, các học giả thời Pháp thuộc cố xác định các loại tín ngưỡng dân gian ấy. Linh mục Leopold Cadiere (1869 – 1955), từ những năm 1900, đã tập trung vào tục thờ các tạo vật của tự nhiên, tiêu biểu là cây và đá ở vùng Trung Bộ. Trong nửa đầu thập niên 1940, Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975) - đồng nghiệp của Maurice Durand tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, đồng thời chịu ơn vì ông đã bảo vệ những tài liệu của mình trong lúc thành phố bị tàn phá bởi cuộc kháng chiến chống Pháp từ cuối năm 1946 - đề xuất tín ngưỡng thờ cúng thần tiên bất tử. Đó là một tập hợp “những vị vừa là người trời vừa là người trần, những người trời trong một thời gian đã hiện thân và chia sẻ cuộc sống trần tục của chúng ta trên trái đất này, đồng thời là người trần đã giành được sự bất tử nhờ sự thông hiểu và đức độ của mình” [1], như Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh, Tú Uyên. Maurice Durand thì hướng sự chú ý tới tín ngưỡng tập hợp các vị thần xung quanh Thánh Mẫu, được ông gọi tên là “tín ngưỡng của các bà đồng” (tr. 19).

Tín ngưỡng mà Maurice Durand nhận thấy, nhưng chưa khái niệm hóa được, đối lập với hai tín ngưỡng mà Leopold Cadiere và Nguyễn Văn Huyên đã xác định trước đó ở chỗ tự nó đã hình thành được loại điện thờ riêng, có tôn ti rõ ràng, mà nhà nghiên cứu có thể trực tiếp quan sát và miêu tả một cách thực chứng. Từ đó Maurice Durand đã lần đầu phân loại một cách cơ bản cái tôn ti có tính chất triều đình hóa đặc trưng Nho giáo của các vị thần trong loại điện thờ ấy. Ngọc Hoàng Thượng Đế - nhân vật rất ít được thờ riêng và làm trung tâm trong các cơ sở tôn giáo tại Bắc Bộ, mà Chùa Vua (Hà Nội) là ngoại lệ hiếm hoi - đứng đầu. Theo sau là ba hoặc bốn vị Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên cai quản cõi trời, Mẫu Thượng Ngàn quản lý vùng rừng núi, Mẫu Thoải cai quản thế giới dưới nước, Mẫu Liễu Hạnh phụ trách mặt đất. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Ngũ vị Quan lớn, Tứ vị Chầu Bà, Thập vị Hoàng tử, Thập nhị Thánh Cô, Tam vị Cậu quận. Ngoài ra còn có Ngũ Hổ được thờ ở Hạ ban, và Rắn hoặc hai Ông Lốt cuốn quanh xà nhà, mà Maurice Durand dẫu nhắc tới trong chuyên khảo nhưng không đưa vào tôn ti của ông. Dưới cùng là các cô bé, cậu bé thông minh, nhưng phải chết sớm, được các thần cho phép vào điện ở cùng các ngài.

Năm 1996, trong ấn bản đầu Đạo Mẫu ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh (1944 – 2020), một học giả hàng đầu của Việt Nam về tín ngưỡng thờ Mẫu, đã mở rộng phạm vi điều tra ra ngoài những vị thần như trong tôn ti đã được Maurice Durand xác lập, để hướng tới một tập hợp khác gồm mọi nữ thần được thờ trong phạm vi Việt Nam. Ngô Đức Thịnh khái niệm hóa tập hợp các nữ thần ấy thành “Đạo Mẫu Việt Nam”. Dẫu vậy “Đạo Mẫu Việt Nam” của Ngô Đức Thịnh là sự kiến tạo trừu tượng của nhà nghiên cứu, trong khi “tín ngưỡng của các bà đồng” mà Maurice Durand miêu tả năm 1959, đã được mở rộng và khái niệm hóa thành “tín ngưỡng thờ Mẫu”.

Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2016, UNESCO đã ghi danh“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: INT

Ngoài ra, Maurice Durand đã đặt nền tảng cho hiểu biết về kỹ thuật hầu đồng, bằng cách cố theo sát miêu tả kinh nghiệm đặc thù của người tham dự. Nguồn cung cấp thông tin chính cho Maurice Durand về kinh nghiệm hầu đồng là những phụ nữ giàu có, thông minh, thường lấy chồng nước ngoài, mà địa vị của ông - một người con lai, và một nhà nghiên cứu có thiện cảm với những người bản xứ có tài - có thể tiếp cận. Họ thường đã ly dị, góa bụa, không có con, thất vọng trong tình yêu, hoặc, nói gọn, “tất cả đều có một đời sống tình cảm rối ren, xáo trộn” (tr. 27) dễ bị thu hút vào hoạt động lên đồng. Các thuật ngữ như “hầu đồng”, “bắt đồng”, “bắt lính”, “áp đồng”, “ốp đồng”, vân vân, được Maurice Durand phân tích ngữ âm, thể hiện việc “bà đồng xuất hiện giống như một con ngựa, là khung xác của vong linh, hoàn toàn mất lý trí và cư xử theo ý muốn của vong linh” (tr. 20). Maurice Durand đối lập tiêu chuẩn lý tưởng trong sự diễn giải ngữ âm với thực tế diễn ra nơi những người tham dự, từ đó đặt ra ba câu hỏi quan trọng, nhưng rất khó trả lời khách quan: “Liệu các bà đồng có thực sự chân thành? Họ có thực sự cảm nhận được việc thần linh giáng nhập vào thân xác của mình hay không? Phải chăng đây là những đối tượng bị căng thẳng thần kinh, loạn trí do hiệu ứng đám đông rồi dễ dàng chìm vào tâm trạng ngây ngất thái quá và biến thành những con mồi dễ dàng cho những hiện tượng siêu nhiên” (tr. 27).

Những người cung cấp thông tin cho Maurice Durand biết rằng dẫu họ tìm trong khoảng thời gian nhập đồng sự quên, sự chữa lành những vấn đề tâm sinh lý của mình, và cảm thấy ngây ngất trong mùi nhang, hoa, rượu, tiếng nhạc, thì kinh nghiệm ấy không đơn giản có thể quy về lĩnh vực thuần tâm lý hoặc hóa sinh. Và nhiều lúc, dẫu đã cố gắng đi vào trạng thái ngây ngất bằng điều kiện tâm lý bất ổn cùng những kích động hóa sinh, họ vẫn không được các thần giáng xuống, cho nên đành dừng buổi lễ. Ngược lại, nếu được các thần giáng nhập, thì bà đồng trở thành hiện thân tại thế của vị thần ấy. Từ đó, Maurice Durand tiếp tục đặt vấn đề về những điều kiện cụ thể có thể diễn ra các mức độ quên đi bản thân mình nơi các bà đồng.

Ông thừa nhận rằng từ sự cố gắng miêu tả cảm nhận chủ quan của các thanh đồng trong suốt buổi hầu đồng, rất khó xác định các mức độ quên mình theo các tiêu chuẩn khách quan. Các bà đồng cho ông biết là họ, quả thật, vẫn ý thức, ở những mức độ khác nhau tùy từng người, về bản thân mình, về cơ thể mình mà các vị thần phản chiếu xuống, về lai lịch của các vị, về những chuyện diễn ra xung quanh. Nhưng tới khi Ngũ Hổ ốp vào, thì diễn ra mức độ cao nhất của sự quên mình: “các thần hổ giáng nhập thì bà đồng hoàn toàn mất ý thức và mất kiểm soát hành động của mình” (tr. 28).

Trong khi đó, kinh nghiệm nhập môn trình đồng của những người này, theo Maurice Durand, có một điểm giống nhau: sự tương hợp giữa khuynh hướng bẩm sinh của họ với một số thuộc tính của các vị thần. Việc các thần lựa chọn họ, hoặc “bắt đồng” hay “bắt lính” như các bà đồng nói, xét cho cùng, là số phận tiền định của mỗi cá nhân, không tùy thuộc vào ý muốn của họ. Ở đây, Maurice Durand lẽ ra đã có thể khảo sát trường hợp những người “trốn đồng”, nhưng ông đã bỏ qua. Thay vào đó, ông chú ý tới trường hợp một số người không có “căn”, nhưng muốn được ăn lộc thánh, muốn chữa bệnh nặng, tưởng tượng những sự kiện đau khổ của mình là do bắt đồng, buộc phải ra trình. Những người này, theo Maurice Durand quan sát một cách kinh nghiệm luận, sẽ không đạt được mục đích, đồng thời không thể thực hiện chức năng của các bà đồng - một trung gian giữa thế giới các vị thần và thế giới con người cho phép bà đồng có thể dự đoán tương lai, chữa bệnh, trừ tà, thực hiện các nghi lễ nông nghiệp.

Bốn quyển sách của Maurice Durand đã được dịch sang tiếng Việt gồm: 1) "Hiểu biết về Việt Nam", viết chung với Pierre Hurand [1954]; 2) "Tranh dân gian Việt Nam: sưu tầm và nghiên cứu" [1960]; 3) "Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam" [1959]; 4) di cảo "Thế giới của truyện Nôm" [1998]. Trừ "Hiểu biết về Việt Nam, ba quyển sách sau đó đều là các chuyên khảo, được dịch bởi TS. Nguyễn Thị Hiệp, nghiên cứu viên của Ecole Pratique des Hautes Etudes, và nằm trong chương trình xuất bản về tác giả Maurice Durand do Viện Viễn Đông Bác cổ chủ trương.


[1] Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập 2, Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 1996, tr. 138.