Trong một báo cáo mới đây, Tesla lần đầu tiết lộ nguồn phát thải lớn nhất của họ đến từ quá trình khai thác kim loại và sản xuất pin.

Báo cáo Impact Report 2022 của Tesla
Báo cáo Impact Report 2022 của Tesla

Trong khi các phương tiện chạy bằng xăng tạo ra phần lớn lượng khí thải CO2 từ ống xả thì các phương tiện chạy bằng điện lại tạo ra gần như tất cả lượng khí thải CO2 trước khi chúng lăn bánh trên đường.

Năm ngoái, Tesla chỉ tiết lộ mức độ phát thải khí nhà kính từ các hoạt động trực tiếp của công ty và từ quá trình sạc xe của khách hàng, tương đương với 2,5 triệu tấn CO2.

Năm nay, trong báo cáo Impact Report 2022, lần đầu tiên gã khổng lồ xe điện tiết lộ toàn bộ lượng khí thải carbon trong chuỗi cung ứng của mình, đẩy tổng lượng khí thải CO2 mà công ty chịu trách nhiệm tăng vọt lên 30,7 triệu tấn.

Thông thường, khí thải carbon của một công ty Mỹ có thể được tiết lộ theo một hệ thống phân cấp gồm ba phạm vi (Scope). Phạm vi 1 là phát thải trực tiếp từ hoạt động sản xuất, bao gồm nhà máy, văn phòng và phương tiện hạ tầng mà công ty sử dụng. Phạm vi 2 là phát thải gián tiếp từ việc mua dầu, khí đốt, điện và các dạng năng lượng khác mà công ty sử dụng. Phạm vi 3 mơ hồ hơn, bao gồm tất cả phát thải gián tiếp khác từ chuỗi cung ứng và vòng đời của sản phẩm mà công ty sản xuất ra.

Phát thải Phạm vi 3 vừa khó tính toán vừa dễ chối bỏ. Do vậy, đa số các công ty thường chỉ công bố lượng khí thải thuộc Phạm vi 1 và Phạm vi 2, khiến lượng khí thải carbon của họ trông có vẻ nhỏ hơn nhiều so với thực tế.

Phát thải công bố trong phạm vi 1, 2 và 3 của Tesla. Ảnh: Impact Report 2022, Tesla
Phát thải công bố trong phạm vi 1, 2 và 3 của Tesla. Ảnh: Impact Report 2022, Tesla

Trong báo cáo mới nhất, Tesla thừa nhận rằng trước đây lượng khí thải trong chuỗi cung ứng của họ đã bị tính thiếu do không có đủ dữ liệu và báo cáo nhất quán. Tuy nhiên, "Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không còn có thể giả định rằng một điểm dữ liệu bị thiếu sẽ tương đương với lượng khí thải bằng 0", báo cáo của Tesla viết.

Báo cáo tiết lộ một bức tranh phát thải chân thực hơn từ Tesla. Hóa ra, lượng khí thải thuộc Phạm vi 3 chưa được tính trước đây chiếm tới 98% lượng khí thải carbon của công ty.

Tổng khí thải ở Phạm vi 1 và Phạm vi 2 đạt 610.000 tấn CO2, nhỏ hơn rất nhiều so với mức khí thải ở Phạm vi 3 là trên 30,1 triệu tấn CO2.

Hầu hết lượng khí thải của Tesla đến từ chuỗi cung ứng

Nguồn phát thải carbon lớn nhất của Tesla trong Phạm vi 3 nằm ở khâu sản xuất pin, chiếm 27% tổng lượng khí thải trong năm 2022. Hầu hết phát thải được tạo ra trong quá trình khai thác và xử lý hóa học các thành phần của pin như lithium, niken và coban.

Bên cạnh đó, lượng nhôm mà Tesla sử dụng để sản xuất xe điện chiếm 18% lượng khí thải và thép chiếm 8%.

Tesla đã đưa 47% lượng khí thải còn lại vào mục "khác", bao gồm vận chuyển và phân phối sản phẩm, đi lại của nhân viên, cũng như phát thải từ hoạt động thực tế của các xe đã bán (tạo ra 3,4 triệu tấn khí thải CO2)

Tỷ trọng phát thải của phạm vi 3. Ảnh: Impact Report 2022, Tesla
Tỷ trọng phát thải của phạm vi 3. Ảnh: Impact Report 2022, Tesla

Tesla nói rằng, mặc dù chuỗi cung ứng của xe điện hiện tạo ra nhiều khí thải CO2 hơn chuỗi cung ứng của xe xăng, nhưng lượng khí thải trọn đời của một chiếc ô tô xăng sẽ cao hơn nhiều so với xe điện, vì ô tô xăng phải tiếp tục đốt xăng trong suốt tuổi thọ trung bình của chúng là 17 năm.

Theo tính toán của Tesla, mỗi chiếc xe điện sẽ tạo ra lượng khí thải CO2 ít hơn 55 tấn trong suốt vòng đời của chúng. Và khi nhiều quy trình sản xuất trên thế giới được điện khí hóa, thì lượng khí thải trong phạm vi 3 của Tesla cũng sẽ giảm xuống.

Tesla trở thành một ví dụ cho thấy cần phải tính toán tất cả lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp của một công ty. Đây cũng là vấn đề đang gây tranh cãi ở Mỹ giữa các tập đoàn công nghiệp và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch quốc gia (SEC).

Năm ngoái, SEC đã đề xuất các quy tắc bắt buộc tất cả công ty niêm yết phải công bố lượng phát thải thuộc Phạm vi 1 và Phạm vi 2. SEC cũng tuyên bố sẽ hoàn thiện các quy tắc về việc công khai lượng phát thải ở Phạm vi 3 theo kế hoạch sẽ được đưa ra vào tháng 10/2022, nhưng điều này đang bị trì hoãn.

Trường hợp của Tesla gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, vì nếu không công bố lượng phát thải ở Phạm vi 3 thì con số phát thải mà mọi người biết có thể thấp hơn thực tế rất nhiều và gây ra lầm lẫn.


Phát thải Phạm vi 3 quá quan trọng để có thể bỏ qua

Nền tảng dữ liệu toàn cầu CDP ước tính rằng lượng khí thải phạm vi 3 chiếm trung bình 75% lượng khí thải của một công ty. Nhưng tỷ trọng của nó thay đổi đáng kể theo lĩnh vực, và có thể tiệm cận đến 100% lượng khí thải của công ty, ví dụ như trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Tỷ trọng phát thải phạm vi 3 trong tổng phát thải ngành
Tỷ trọng phát thải phạm vi 3 (màu vàng) trong tổng phát thải ngành, theo thứ tự tự trên xuống: Dịch vụ tài chính (100%), tư liệu sản xuất (99%), vận chuyển OEMs (98%), bất động sản (93%), xây dựng (92%), khai khoáng (92%), cung ứng nông sản (92%), dầu khí (89%), thực phẩm - đồ uống - thuốc lá (87%), hóa chất (76%), than (65%), lâm nghiệp và giấy (59%), điện lực (49%), dịch vụ vận tải (33%), thép (27%), xi măng (16%),

Các lập luận chống lại việc báo cáo phát thải của Phạm vi 3 tập trung vào những thách thức về thu thập dữ liệu và kế toán (ví dụ: thiếu dữ liệu sơ cấp, bị phụ thuộc vào dữ liệu trung bình ngành, hoặc có khả năng bị trùng phát thải giữa các công ty khi báo cáo), hoặc lập luận rằng công ty không có khả năng kiểm soát hành động của các đối tác trong chuỗi giá trị.

Bất chấp những thách thức đó, hàng ngàn công ty trên thế giới đã công khai các ước tính khí thải ở Phạm vi 3 của mình. Trong bộ dữ liệu của CDP, số lượng công ty công khai báo cáo phát thải Phạm vi 3 đã tăng từ 936 công ty (năm 2010) lên 3.317 công ty (năm 2021).

Vì có tới một nửa (55%) số công ty không đồng ý với việc dữ liệu của họ được công bố nên các nhà nghiên cứu tại Đại học Concordia (Canada) ước tính số lượng công ty thực tế có báo cáo ước tính phát thải Phạm vi 3 cho CDP sẽ nhiều hơn 7.000 công ty.

Số lượng công ty công bố phát thải phạm vi 3 (trái) và tỷ trọng theo ngành (phải)
Số lượng công ty công bố phát thải phạm vi 3 (trái) và tỷ trọng cống bô theo ngành (phải)

Hầu hết các ngành công nghiệp đều đã xuất hiện các công ty báo cáo phát thải Phạm vi 3, với tỷ lệ cao nhất (84%) ở ngành điện, và thấp hơn ở các ngành như thực phẩm, thời trang, vận chuyển hàng hóa, điện tử và ô tô.

Tính theo khu vực, các công ty ở châu Úc, châu Âu và châu Phi có tỷ lệ báo cáo phát thải phạm vi 3 nhiều hơn các công ty ở Bắc Mỹ, châu Á và Nam Mỹ.