Mỗi bóng đèn sợi đốt đều là hiện vật ghi nhớ về nhà phát minh Edison. Nơi nào có máy quay đĩa hoặc đài phát thanh, nơi nào có phim ảnh, phim câm hay có tiếng, nơi đó Edison vẫn sống...
Làm rò rỉ hóa chất. Làm cháy toa xe lửa. Đây là danh sách các lý do khiến thời trẻ Thomas Edison bị sa thải khỏi các công việc khác nhau - dường như cũng dài như danh sách các bằng sáng chế của ông. Mặc dù nhà phát minh tương lai có những ý tưởng mang tính cách mạng có thể thay đổi những ngành công nghiệp mà ông từng làm và sau đó bị sa thải, nhưng trong lời cáo phó năm 1931 đăng trên tờ New York Times, người thanh niên này đã “đạt được danh hiệu là điện báo viên không giữ nổi công việc nào” [điện báo viên là một trong những công việc nổi tiếng mà ông từng làm – ND].
Thomas Edison có công trong việc phát minh các thiết bị mang tính cách mạng như máy quay phim, máy ghi âm và máy hát đĩa. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những cải tiến của ông đối với bóng đèn điện, mang ánh sáng vào nhà của mọi người trên khắp thế giới. Ảnh: George Pickow, Three Lions/Getty Images
Hóa ra, Edison trở nên nổi tiếng nhất nhờ khả năng huyền thoại trong việc tuyển dụng chính mình – với nguyên lý lặp đi lặp lại của ông: “Thiên tài là 1% của cảm hứng và 99% của mồ hôi”. Ông tiếp tục phát minh các thiết bị định hình thế giới hiện đại, và hoàn thiện những sáng kiến đột phá khác. Ví dụ, những cải tiến của ông đối với bóng đèn, cuối cùng đã giúp mọi người ở khắp nơi trên thế giới có thể thắp sáng ngôi nhà của mình bằng điện. Đây là cách danh tiếng của “Phù thủy của Menlo Park” lan xa, và ông được biết đến như một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại.
Phác thảo ban đầu về bóng đèn của Thomas Edison, ngày 13/2/1880. Năm trước đó, nhà phát minh đã trình diễn bóng đèn chiếu sáng kéo dài trước hàng trăm người tại phòng thí nghiệm Menlo Park. Ảnh: Fotosearch/Getty Images.
Người thanh niên tò mò
Sinh ra tại Ohio năm 1847, Thomas Alva Edison trải qua thời thơ ấu tại Port Huron, Michigan, nơi ông chỉ đi học tại trường trong thời gian ngắn. Mẹ của ông, một cựu giáo viên, đã dạy ông tại nhà từ năm 7 tuổi và ông đọc rất nhiều. Cuộc phiêu lưu tuổi thơ gồm những thí nghiệm hóa học đầy tham vọng dưới tầng hầm của cha mẹ, với kết quả được người viết tiểu sử của ông mô tả là “gần như nổ tung, gần như thảm họa”.
Trí tò mò và tinh thần khởi nghiệp của Edison đã dẫn ông đến một công việc của người bán báo khi mới 12 tuổi, rong ruổi qua các tuyến đường sắt để bán đồ ăn nhẹ, báo và các hàng hóa khác cho khách đi tàu. Không hài lòng với việc bán tin, ông quyết định tự in báo, ông sáng lập và xuất bản tờ báo đầu tiên được sản xuất và in ấn trên những chuyến tàu đang di chuyển, Grand Trunk Herald. Ông cũng thực hiện các thí nghiệm hóa học trên tàu.
Máy điện báo mới của Edison cho phép gửi 4 thông điệp đồng thời mà không cần xây dựng các đường truyền mới. Ông đã bán bản quyền cho Westen Union với giá 10,000 USD (~240,000 USD theo thời giá 2021). Ảnh: Bridgeman images
Đến năm 15 tuổi, nhờ vào “tài năng” thường xuyên bị đuổi việc vì lập kế hoạch cho các thí nghiệm và phát minh mà không chú tâm làm việc, Edison trở thành điện báo viên lưu động cho Western Union trước khi chuyển đến New York để bắt đầu làm ông chủ cho chính mình. Máy điện báo đã truyền cảm hứng cho nhiều phát minh đầu tiên được cấp bằng sáng chế của ông. Năm 1874, ở tuổi 27, ông phát minh máy điện báo mới, cho phép gửi 4 thông điệp đồng thời, tăng hiệu quả của ngành mà không cần xây dựng các đường truyền mới.
Phù thủy của Menlo Park
Edison đã kết hôn với một trong những nhân viên của mình, Mary Stilwell, và họ cùng nhau chuyển đến Menlo Park, New Jersey vào năm 1876. Khu vực ông thôn là địa điểm hoàn hảo cho một phòng thí nghiệm mới mang tính thần khởi nghiệp, sáng tạo của chủ nhân: là cơ sở nghiên cứu và phát triển, nơi Edison và những “kẻ vứt đi”, như cách ông gọi nhân viên của mình, có thể xây dựng bất cứ thứ gì nảy ra trong trí tưởng tượng. Edison tiếp tục cải tiến máy điện báo, khi ông làm việc trên một chiếc máy có thể ghi lại các điện tín, ông tự hỏi liệu có thể ghi lại được âm thanh. Ông đã tạo ra một chiếc máy có thể biên dịch những rung động do lời nói tạo ra thành những vết lõm trên tờ giấy.
Bản sao cao 14 feet của một bóng đèn sợi đốt đặt trên đỉnh tháp tưởng niệm Edison tại Menlo Park, New Jersey. Bóng đèn cần đến 6,000 pound thủy tinh, khung thép nặng 3 tấn và mất 8 tháng để hoàn thành. Ảnh: Shutterstock
Năm 1877, khi mới 30 tuổi, Edison đã nói hai lần “Mary có một con cừu nhỏ” vào thiết bị và phát lại bằng cách dùng một trục quay bằng tay. Ông vừa phát minh ra “Máy quay đĩa nói Edison”. Trong năm đó, ông cũng cải tiến bộ dẫn truyền microphone, giúp tinh chỉnh điện thoại.
Bóng đèn sợi đốt của Edison, với sự đóng góp của Latimer, đã giúp cho việc chiếu sáng trở nên rẻ và dễ tiếp cận hơn trên khắp thế giới, như trong một xưởng đóng giày tại Agra, Ấn Độ. Ảnh: Amy Toensing, Nat Geo Image Collection
Bóng đèn sợi đốt
Máy quay đĩa của Edison thực sự là một đột phá, nhưng nó chỉ được nhìn nhận như một phát minh mới lạ. Ông đã chuyển sự chú ý vào bóng đèn sợi đốt, thứ có thể thay đổi thế giới. Nó xuất hiện từ đầu thế kỷ 19, nhưng mỏng manh và dây tóc có tuổi thọ ngắn. Một dạng sơ khai của ánh sáng bằng điện là đèn hồ quang carbon dựa vào các hơi từ thanh carbon được nung nóng bằng pin để tạo ra ánh sáng. Nhưng chúng cần được thắp sáng thủ công, ánh sáng chập chờn, tạo tiếng rít và dễ bị cháy. Các thiết kế khác quá đắt và không thực tế đưa vào sử dụng đại trà.
Ngược lại, bóng đèn của Edison rẻ, thiết thực và bền. Năm 1879, sau nhiều năm bị ám ảnh phải cải tiến thành công, ông đã chứng minh một bóng đèn có thời gian chiếu sáng kỷ lục trong 14.5 giờ.
“Thứ ánh sáng tôi tạo ra là hoàn hảo”, Edison khoe với phóng viên tờ New York Times. Thực ra, một nhà phát minh da đen là Lewis Latimer đã hỗ trợ tinh chỉnh các cải tiến của Edison để giúp sợ đốt bền hơn và được sản xuất hiệu quả hơn.
Tiếng lành đồn xa, mọi người đổ xô đến Menlo Park và hàng trăm người đã chứng kiến phòng thí nghiệm rực rỡ ánh đèn trong một cuộc trình diễn công khai vào ngày 31/12/1879.
“Bất cứ ai, dù thuộc giới khoa học hay không, đều nhất trí cho rằng Edison đã tạo ra ánh sáng của tương lai”, phóng viên tờ New York Herald viết. Edison đã thành lập công ty điện lực và tiện ích về điện để triển khai thành tựu của mình ra đại chúng.
Chiến tranh “dòng điện”
Phát minh của Edison đã nổi tiếng toàn thế giới, và một cuộc cạnh tranh gay gắt về dòng điện đã nổ ra. Các hệ thống của Edison dựa vào dòng 1 chiều (DC) chỉ có thể cung cấp điện cho một một khu vực đô thị đông đúc nhiều tòa nhà lớn. Tuy nhiên, đối thủ của ông, Nikola Tesla, nhà phát minh người Mỹ gốc Serbia và doanh nhân George Westinghouse, đã sử dụng hệ thống điện xoay chiều (AC), rẻ hơn, và có thể cung cấp điện cho khách hàng ở khoảng cách xa. Khi hệ thống điện xoay chiều ngày càng phổ biến, Edison đã sử dụng báo chí để chống lại Westinghouse và Tesla, quy những cái chết do điện giật liên quan đến dòng xoay chiều và quảng cáo cho nguy cơ chết người của nó. Sự cạnh tranh càng gay gắt khi Edison tài trợ cho các thí nghiệm công cộng liên quan đến dòng xoay chiều giết chết các động vật. Đỉnh điểm khủng hoảng là khi Edison đang tuyệt vọng duy trì ưu thế công nghệ của mình, đã bí mật tài trợ phát minh và chế tạo chiếc ghế điện hành hình đầu tiên, dùng dòng điện AC. Bất chấp chiến dịch gây sốc của mình, cuối cùng Edison vẫn thua cuộc do thực tế về chi phí và ảnh hưởng ngày càng giảm sút của ông trong chính công ty do mình sáng lập. (Sau này, các công ty của Edison sáp nhập vào một tập đoàn đa lĩnh vực nổi danh đến tận ngày nay, General Electric).
Những năm tháng cuối đời
Năm 1884, bi kịch xảy đến với ông khi Mary qua đời, nghi do sử dụng quá liều morphine. Edison đã 39 tuổi khi cưới cô thiếu nữ Mary mới tròn đôi mươi. Trong kỳ nghỉ đông tại Fort Myers, Florida, họ đã gặp người sau này trở thành cộng sự khoa học của Edison: nhà tiên phong về kỹ nghệ ô tô, Henry Ford.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, cả Ford và Edison đều lo lắng về sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nguồn cung cao su từ [các thuộc địa] Anh quốc, vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh. Cùng với Henry Firestone, người đã kiếm bộn tiền từ việc kinh doanh lốp xe, họ đã thành lập công ty nghiên cứu và một phòng thí nghiệm để nghiên cứu nguồn cung bản địa nhằm sản xuất cao su. Mặc dù Edison nghĩ cây solidago có thể thay thế cây cao su, nhưng dự án chưa bao giờ thành công với mục đích của nó.
Edison tiếp tục tiến lên bằng nguồn năng lượng vô tận dành cho phát minh và thí nghiệm. Ông đã mở xưởng phim đầu tiên trên thế giới, nơi có những con búp bê biết nói vào năm 1893. Ông nói mình chỉ ngủ 4 tiếng mỗi đêm, không tin vào việc tập thể dục, và được cho là chỉ sống nhờ uống sữa và xì gà. Cuối cùng, ông qua đời do biến chứng của bệnh tiểu đường vào năm 1931, thọ 84 tuổi.
***
Thầy phù thủy của Melo Park đã để lại vô số ảnh hưởng vẫn còn nhìn thấy rõ ràng ngay cả trong thời hiện đại. Từ phim ảnh đến máy chụp tia X hay pin. Dường như không có khía cạnh nào của sự đổi mới công nghệ có thể chối bỏ công lao của Edison, với 1,093 bằng sáng chế mang tên ông chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Nghị lực không ngừng nghỉ và sự sẵn sàng thử nghiệm bất cứ thứ gì đã giúp ông trở thành một trong những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tờ New York Times đã viết sau khi ông qua đời: “Mỗi bóng đèn sợi đốt đều là hiện vật tưởng niệm Edison. Nơi nào có máy quay đĩa hoặc đài phát thanh, nơi nào có phim ảnh, phim câm hay có tiếng, nơi đó Edison vẫn sống”.
Nguồn bài và ảnh: nationalgeographic.com