Năm 1892, nhà vi khuẩn học nổi tiếng người Đức Richard Pfeiffer đã mắc một sai lầm khi cho rằng vi khuẩn là tác nhân gây ra bệnh cúm. Sai lầm này có tác động rất lớn đến cách thức con người điều chế thuốc và vaccine để đối phó với đại dịch cúm năm 1918.

Vào cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm ra mối liên hệ giữa vi sinh vật và bệnh tật của con người nhưng chưa ai xác định được tác nhân cụ thể gây bệnh cúm. Để giải đáp bí ẩn, Pfeiffer tiến hành kiểm tra đờm của 31 bệnh nhân đã tử vong trong đợt dịch cúm năm 1889-1890, giết chết khoảng một triệu người trên toàn thế giới. Từ đó, ông phát hiện ra một loại vi khuẩn mới.

Các nữ y tá chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm cúm Tây Ban Nha tại Mỹ vào năm 1918.
Ảnh: Time.

“Trực khuẩn cúm xuất hiện dưới dạng những cấu trúc hình que nhỏ”, Pfeiffer mô tả phát hiện của mình trên tạp chí British Medical Journal vào tháng 1/1892. “Nhìn vào kết quả thí nghiệm, tôi tin chắc rằng loại trực khuẩn này là nguyên nhân gây ra bệnh cúm”.

Pfeiffer đặt tên cho vi khuẩn mới là Bacillus influenzae, nhưng nó nhanh chóng được biết đến với tên gọi “trực khuẩn Pfeiffer”.

Pfeiffer là trưởng Bộ phận Khoa học của Viện Nghiên cứu Các bệnh Truyền nhiễm Berlin và có uy tín rất lớn trong cộng đồng khoa học nên mọi người tin tưởng vào những kết luận của ông. Niềm tin này không có gì thay đổi vào thời điểm 26 năm sau [năm 1918], khi con người phải đối mặt với một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm qua đường hô hấp.

Bây giờ chúng ta biết rằng virus cúm – không phải vi khuẩn – đã gây ra đại dịch năm 1918. Nhưng lúc đó không ai biết virus cúm tồn tại. Các nhà khoa học đương thời ban đầu đổ lỗi tai họa chết người là do trực khuẩn Pfeiffer gây ra.

Mặc dù căn bệnh này thường được gọi là cúm Tây Ban Nha, nhưng nó xuất hiện lần đầu tiên tại một căn cứ của quân đội Hoa Kỳ ở Kansas, nơi 56.000 binh sĩ đang chuẩn bị lên đường tới các chiến hào trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Mầm bệnh nhanh chóng lây lan sang các trại quân đội, và hàng trăm nghìn binh sĩ nhiễm bệnh sau đó đã di chuyển qua Đại Tây Dương tới châu Âu. Không lâu sau, những đợt bùng phát dịch khủng khiếp đã xảy ra trên khắp thế giới.

Có nhiều ước tính khác nhau về số người chết do cúm Tây Ban Nha gây ra, nhưng các nhà khoa học nhận định dịch bệnh này đã lây nhiễm 1/3 dân số thế giới và giết chết ít nhất 50 triệu người, khiến nó trở thành đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử.

Tháng 9/1918, Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Rupert Blue đã ban hành một hướng dẫn để các bác sĩ đối phó với đại dịch với tiêu đề: “Tác nhân truyền nhiễm - trực khuẩn Pfeiffer”. Điều này đã dẫn đến một hành động sai lầm khác, khi các nhóm nghiên cứu trên toàn quốc bắt đầu điều chế vaccine dựa trên vi khuẩn.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong tháng 10/1918, hơn 200.000 người dân Mỹ đã chết vì bệnh cúm mới bí ẩn, bao gồm cả số người đã tiêm vaccine.

Để tìm hiểu lý do tại sao vaccine không thể ngăn ngừa tử vong, các bác sĩ thu thập mẫu bệnh phẩm từ những người còn sống và các bệnh nhân đã qua đời để phân tích chúng trong phòng thí nghiệm. Cuối cùng, họ tìm thấy rất nhiều khuẩn lạc của vi khuẩn Streptococcus, Pneumococcus và Staphylococcus aureus trong các mẫu bệnh phẩm nhưng có rất ít trực khuẩn Pfeiffer. Thật đáng ngạc nhiên, họ cũng tìm thấy trực khuẩn Pfeiffer ở cả những người khỏe mạnh.

Dịch vụ Y tế Công cộng (PHS) và Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều thí nghiệm táo bạo hơn trên những tình nguyện nhập ngũ vào cuối năm 1918. Các nhà nghiên cứu đã phun dung dịch nuôi cấy trực khuẩn Pfeiffer vào mũi của các tình nguyện viên. Điều đáng ngạc nhiên là không ai trong số họ bị ốm trong quá trình thử nghiệm.

Milton Rosenau, một quan chức y tế công cộng, không đưa ra bất kỳ kết luận nào và chỉ nhấn mạnh bí ẩn mà họ đang phải đối mặt trong một ấn phẩm được xuất bản vào tháng 8/1919. “Chúng ta bước vào đại dịch với quan niệm rằng chúng ta đã biết rõ tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại”, Rosenau nói.

Tại thời điểm diễn ra đợt bùng phát thứ ba của đại dịch vào đầu năm 1919, vaccine chứa hỗn hợp các vi khuẩn bất hoạt được sử dụng rộng rãi hơn so với vaccine chỉ tập trung vào trực khuẩn Pfeiffer. Mặc dù vaccine vi khuẩn không giúp chữa khỏi bệnh cúm, nhưng chúng dường như đã làm giảm tỷ lệ tử vong bằng cách ngăn ngừa viêm phổi do vi khuẩn, một bệnh nhiễm trùng thứ cấp phổ biến trong đại dịch.

Các ca tử vong do cúm cuối cùng đã trở lại mức bình thường vào năm 1921. Trong chín năm sau đó, các nhà khoa học đã cố gắng để loại trừ hoàn toàn trực khuẩn Pfeiffer là tác nhân gây bệnh, một phần là do bệnh cúm theo mùa tiếp tục hoành hành các cộng đồng không có phương pháp điều trị hiệu quả. Nhưng nỗ lực của họ đều không thành công.

Ngay cả một đánh giá toàn cầu dài 500 trang về tất cả các bài báo khoa học liên quan đến đại dịch cũng chỉ có thể kết luận rằng: “không thể xác định một cách chắc chắn trực khuẩn Pfeiffer có phải là nguyên nhân gây bệnh hay không”.

Mọi thứ thay đổi vào năm 1930, khi nhà virus học Richard Shope phân lập được loại virus cúm đầu tiên trên những con lợn bị ốm ở Iowa. Lấy cảm hứng từ nghiên cứu của Shope, các nhà khoa học ở Vương quốc Anh đã thu thập dịch mũi họng của các bệnh nhân cúm và tiêm chất lỏng này vào những con chồn. Kết quả là chúng nhanh chóng bị nhiễm bệnh. Nhóm nghiên cứu cũng phun trực khuẩn Pfeiffer vào mũi của những con vật nhưng chúng đều không bị ảnh hưởng.

“Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy virus là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm”, các nhà nghiên cứu người Anh công bố kết quả thí nghiệm vào năm 1933.

Để ngăn chặn những nhận định sai lầm giống như trong đại dịch năm 1918, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thành lập một mạng lưới 26 phòng thí nghiệm với tên gọi Hệ thống Giám sát và Ứng phó với Cúm Toàn cầu vào năm 1952. Nhờ đó, giới khoa học đã có những bước chuẩn bị tốt hơn khi đại dịch H2N2 xảy ra vào năm 1957. Các nhà nghiên cứu đã dùng một số loại thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng thứ cấp từng tàn phá nặng nề trong đại dịch năm 1918, và họ cũng nhanh chóng điều chế các loại vaccine hiệu quả cho từng chủng virus cúm cụ thể.

Năm 2005, Taubenberger và cộng sự đã xác định chính xác chủng virus chết người từng gây ra đại dịch năm 1918 bằng cách phân tích các mẫu mô của một phụ nữ được bảo quản trong lớp băng vĩnh cửu ở Alaska. Họ kết luận, tác nhân gây bệnh là chủng virus H1N1 và nó đã lây nhiễm từ chim sang người.

“H1N1 là tổ tiên của một số loại virus cúm theo mùa đã lây nhiễm cho chúng ta kể từ đó. Virus thường gây ra các triệu chứng như sốt, rùng mình, ho và mệt mỏi trong nhiều ngày”, Taubenberger cho biết.