Cuối thế kỷ XX, cơn bão ung thư vú càn quét khắp nước Mỹ gây ra vết thương sâu đối với phụ nữ.

Bị thôi thúc bởi ý muốn hiểu biết về căn bệnh nguy hiểm dường như chỉ phổ biến riêng ở phụ nữ, Marilyn Yalom (1932-2019) đã viết nên Lịch sử vú (1997), một tác phẩm chấn động, kết hợp giữa chiều sâu học thuật và cảm hứng đấu tranh chính trị cho quyền phụ nữ và nữ quyền.

Yalom nhận thấy, “chính thực tại bi thảm của bệnh ung thư vú đã mang lại cho phụ nữ sự sở hữu trọn vẹn bầu vú của mình. Họ đang học, với cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng, rằng bầu vú của họ thực sự là của riêng họ” (1). Vì hầu như trước đấy, trong đời sống và trong lịch sử thành văn, bầu vú dường như được sinh ra chỉ để dành cho và được ghi lại bởi đàn ông. Để đi tìm lời đáp cho câu hỏi vú thực sự thuộc về ai, Yalom đồng thời chú ý đến “cả hai yếu tố, vượt thời gian và gắn với thời gian” (tr.445) khiến cho vú trở thành một hiện tượng nổi bật và xứng đáng giành được sự quan tâm chú ý.

bnbnbn
Đầu tháng 3 năm nay, bản dịch sang tiếng Việt của Lịch sử vú được nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành trong tủ sách Phụ nữ tùng thư – Giới và Phát triển. Ảnh: PN

Dõi theo 2.500 năm lịch sử phương Tây, lịch sử vú từ thời các nữ thần Đồ đá cũ đến phong trào giải phóng phụ nữ vào cuối thế kỷ XX hiện ra trên các bình diện khác nhau, làm thành nội dung chính của cuốn sách, theo thứ tự gồm: “vú linh thiêng” (chương 1), “vú gợi dục” (chương 2), “vú quốc dân” (chương 3), “vú chính trị” (chương 4), “vú tâm lý” (chương 5), “vú thương mại” (chương 6), “vú y học” (chương 7), “vú tự do” (chương 8), và “vú trong khủng hoảng” (chương 9) như lời kết mở về lịch sử vú.

“Khởi thủy là vú mẹ” (tr.38), mượn lại một lối nói trong Kinh Thánh, Yalom cho rằng đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho bầu vú được tổ tiên loài người xem là một vật linh thiêng, lý do mà vì đó ở thời tiền sử, họ “đã ban tặng cho các tượng nữ thần của mình những bầu vú tuyệt vời” (tr.38). Đến lượt họ, các vị nữ thần truyền cảm hứng cho các nền văn minh đến sau, từ thế giới Hy La qua đêm dài trung cổ, nơi vú hiện lên như là nguồn cội của sức mạnh nuôi dưỡng và ban phát của “mẹ thiên nhiên” mang tính biểu tượng và người mẹ cụ thể chăm sóc cho đàn con thơ bé của mình.

Bước sang thời Phục Hưng, tính chất gợi dục đã len lỏi vào trong những bức tranh vốn xuất phát từ truyền thống vú linh thiêng thông qua việc nhấn mạnh vào hành động cho con bú của người mẹ. Dù cùng thể hiện hành động cho con bú nhưng hội họa Phục Hưng đã khác biệt so với các tranh Thánh trước đấy ở một khía cạnh cơ bản: bầu vú hiện lên vừa như là “một tín hiệu khêu gợi trong nghệ thuật” vừa như để “ám chỉ đến khoái cảm thuần túy”. Theo đó, “bị tước bỏ mối liên hệ với điều thiêng liêng, vú trở thành sân chơi không ai tranh giành được cho ham muốn của nam giới” (tr.98). Quan sát kỹ hơn vào nghệ thuật tạo hình và văn học thời Phục Hưng, Yalom nhận thấy ở đó “bầu vú được đưa vào nhằm mục đích làm hài lòng người xem hoặc độc giả nam, với mục đích kích thích nam giới chứ không phải phụ nữ” và “khi bầu vú bị gợi dục hóa quá mức, ý nghĩa tình dục của chúng bắt đầu làm lu mờ ý nghĩa việc làm mẹ”. Tất nhiên, vì lẽ đó mà định chế này sẽ bị chất vấn trong suốt các thế kỷ tiếp theo trong “các cuộc chiến để khôi phục lại ý nghĩa nuôi dưỡng của vú”, được thực hiện bởi “các cá nhân và nhóm chống lại sự thống trị tuyệt đối của bầu vú bị tình dục hóa” (tr.160).

Trước khi bầu vú bị tình dục hóa chuyển sang bị chính trị hóa trong thế kỷ Ánh Sáng, nó đã có một “thời kỳ chuyển tiếp” hết sức thú vị, khi hiện diện với tư cách “vú quốc dân” trong xã hội công dân Hà Lan thế kỷ XVII. Hội họa Hà Lan đã nhanh chóng xóa bỏ đặc tính phô bày bầu vú nhằm thỏa mãn dục vọng để đặt nó vào trong bức tranh sinh hoạt, hoặc đem đến tinh thần thương yêu của người mẹ đối với con cái hoặc lên tiếng cảnh báo nguy cơ sa ngã nếu người phụ nữ buông thả mình trong các sinh hoạt cộng đồng. Đến sau Hà Lan một thế kỷ, tư tưởng Khai Sáng của J.J. Rousseau và “niềm đam mê cho con bú mà ông truyền cảm hứng đã đi xuyên qua địa vị giai cấp, chính trị và biên giới quốc gia” (tr.199) để hình thành một phong trào chính trị rộng khắp ở châu Âu khởi đi từ hình ảnh bầu vú. Chẳng hạn như ở Pháp, “trong suốt thế kỷ XIX và thế kỷ XX, bức tượng phúng dụ với một hoặc hai bầu vú để trần tiếp tục đại diện cho nền Cộng hòa” bởi sự phô phang này giờ đây không hiện ra một cách “tình cờ” mà hoàn toàn có “chủ tâm” “với nỗ lực khơi dậy cảm xúc chính trị hơn là cảm xúc tình dục” (tr.212). Điển hình như trong bức tranh Tự do dẫn đường cho dân tộc (1830), Yalom chỉ ra rằng, “giữa những xác người chết và ngọn cờ giương lên, hình ảnh Nữ thần Tự do vú để trần của Delacroix dẫn dắt dân tộc đến chiến thắng. Ở đây, vú trần đã trở thành biểu tượng của sự phản kháng, cũng khẩn cấp và quyết liệt như bản thân cuộc cách mạng” (tr.211). Trong khi ở Anh và Mỹ, “vú mẹ được tôn vinh công khai” (tr.213), cùng và trước khi bầu vú được trưng dụng cho hàng loạt các hoạt động xã hội khác, từ nhu cầu gia tăng dân số, chăm sóc gia đình, phát triển kinh tế, thậm chí bị lôi kéo cả vào trong các cuộc chiến tranh đẫm máu suốt thế kỷ XX.

Tất nhiên, khi vú đã bị lôi kéo vào đời sống chính trị thì nó cũng dễ dàng bị lôi kéo vào đời sống kinh tế bởi “khả năng thương mại gần như vô tận” của nó, nhờ vào “sự phát triển của các sản phẩm dành cho vú” và các cách thức mà người ta mua bán “tư thế vú để trần trong nghệ thuật, truyền thông và giải trí, bao gồm cả nội dung khiêu dâm” (tr.271). Việc người nữ trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng và tiêu thụ này đã làm thay đổi nhận thức và trải nghiệm của họ về vú, mở đường cho các “tiếng nói quan trọng trong chính trị tình dục kiểm soát bầu vú” (tr.245) được thực hiện bởi chính phụ nữ.

Với cảm hứng đấu tranh cho nữ quyền, Yalom đã dành chương 8 – “vú tự do” – để tập trung vào phong trào phụ nữ ở nửa sau thế kỷ XX. Đó không chỉ là các hoạt động được dẫn dắt và thực hiện bởi chínhphụ nữ, mà quan trọng hơn, nó cho thấy “mối liên hệ giữa cuộc đấu tranh cho quyền của phụ nữ và việc đòi lại cơ thể phụ nữ” (tr.393). Việc đưa ra yêu sách được sở hữu bầu vú dù với bất cứ lý do gì như vậy đã trả lại cho phụ nữ “cả khoái cảm lẫn quyền lực” - tức việc được (tự) yêu và cảm nhận thân thể cũng như quyền được sử dụng, trình hiện và định đoạt bầu vú theo sở thích và nguyện vọng của mình, là điều trước kia phụ nữ không thể có được dưới sự thống trị của đàn ông.

Trong Lịch sử vú, Yalom còn dành ra hai chương quan trọng để tìm hiểu lịch sử vú nhìn từ tâm sinh lý. Bởi như bà từng buộc phải thú nhận, ở một mặt, “khó mà thoát khỏi Freud, cho dù người ta đã nhìn ra đầy những thiếu sót của ông”, trong khi ở mặt khác, “ung thư vú là chất xúc tác đã làm thay đổi cách chúng ta quan niệm về vú” và “việc y học hóa bầu vú càng đe dọa làm mờ đi các ý nghĩa gợi tình và làm mẹ của nó” (tr.466).

Chất vấn cách nhìn bầu vú từ điểm nhìn bên ngoài của Freud, Yalom hài hước đề xuất một lý thuyết “ganh tị vú” thay thế cho lý thuyết “ganh tị dương vật” của ông tổ phân tâm học (tr.257-258). Tuy vậy, bà ghi nhận vai trò quan trọng của Freud khi quan niệm về vú của ông đã giúp “hợp nhất hai nhánh của lịch sử vú thành một hệ hình tâm lý mạnh mẽ: vú mẹ và vú gợi dục trở thành một”. Bà nhấn mạnh, bằng việc “tinh thần hóa thể xác”, “Freud hiểu được sức mạnh tâm lý lâu dài của bầu vú mà chưa từng có ai làm được trước đây” (tr.258).

Vượt ra bên ngoài ám ảnh phân tích tâm lý về bầu vú chịu ảnh hưởng của phân tâm học để đơn giản nhìn nhận “vú chỉ là vú mà thôi”, Yalom nhận thấy “việc suy ngẫm về vú sẽ không thể nào hoàn chỉnh nếu không xem xét lịch sử y học của nó” (tr.338). Và để lấp dần vào khoảng trống lịch sử ấy, Yalom tập trung xem xét vú ở khía cạnh “cho con bú” và “bệnh tật”, đồng thời cũng dành sự chú ý đáng kể đến việc tìm hiểu bầu vú như là đối tượng của “phẫu thuật thẩm mỹ”. Song điều quan trọng là, những hiểu biết về “cho con bú, khối u, và gần đây là phẫu thuật thẩm mỹ” mà y học đem lại không chỉ giúp phụ nữ có cuộc sống tốt hơn mà hiểu biết ấy còn giúp họ ý thức và thụ đắc chính cơ thể họ nữa. Nói cách khác, tiến bộ khoa học đã góp phần quan trọng trong việc kiến tạo giới và xã hội.

Với rất nhiều thông tin mới mẻ và bổ ích, các phân tích hấp dẫn về văn học và nghệ thuật, được soi sáng và nuôi dưỡng bởi ý thức đấu tranh cho quyền phụ nữ và nữ quyền, Lịch sử vú của Yalom là một cuốn sách hấp dẫn và giàu cảm hứng. Việc khuôn gọn phạm vi khảo sát vào lịch sử vú trong thế giới phương Tây của Yalom trong cuốn sách vì vậy vẫy gọi những nghiên cứu về lịch sử vú trong các xã hội ngoài phương Tây. Không chỉ giúp mở rộng hiểu biết, một cái nhìn đối sánh về các lịch sử vú hay lịch sử các bộ phận cơ thể khác từ thành công và gợi ý của Yalom, rõ ràng là một hướng đi hấp dẫn.


(1) Các trích dẫn trong bài đều lấy từ sách.