Sau khi, B.S Alexandre Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang, giới khoa học Pháp đã nổi lên một luận thuyết: Nam Tây Nguyên chính là giao điểm của 2 đường phân bố tự nhiên thực vật từ Bắc xuống Nam. Vì thế nơi đây tập trung đông đúc nhiều loài cây phong phú.
Để các nhà khoa học đầu tư vào quá trình hình thành, phát triển Đà Lạt và có thể chứng minh cho luận thuyết này, năm 1898 một Trạm Khí tượng và Khảo cứu Nông nghiệp đã được thành lập ở Đan Kia, một buôn đồng bào dân tộc ít người lớn nhất Lang Biang thời đó, nhằm thu thập các tài liệu cơ bản, khảo nghiệm các loài cây có điều kiện tự nhiên gần như Đà Lạt và tổ chức các cuộc điều tra phân loại rừng ở Nam Tây Nguyên...
Mùa xuân năm 1899, lần đầu tiên một cuộc thám hiểm dãy núi Lang Biang trên quy mô lớn đã được tiến hành. Kết quả thật bất ngờ, ở vùng Cổng Trời đã phát hiện 4 loài thực vật họ thông Pinaceae thuộc bộ thông Pinales: Đó là cây thông có tên khoa học Pinus kesiya Royle ex Gordon, tên Việt là cây ngo, thông ba lá.
Đây là loài thông bản địa của Việt Nam, có diện tích phân bố tự nhiên lớn nhất, tạo thành một dải suốt từ Bắc Ấn Độ, Nepal qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Tây Nguyên đến Philippines. Các nhà địa thực vật coi đây là bằng chứng để có thể khẳng định hàng chục triệu năm về trước Philippines đã gắn liền với Việt Nam.
GS. Marlange, cố vấn đặc biệt của FAO (tổ chức lương nông của Liên Hiệp Quốc) bên khu thực nghiệm trồng các loài thông bản địa đặc hữu ở Đà Lạt năm 1983
Cây thông thuộc chi Keteleeria, tên khoa học Keteleeria roulletii (A.Chev) Flous do các nhà khoa học Pháp đã phát hiện ở Sơn La, Hoà Bình, Thừa Thiên Huế, nay cũng thấy ở đây. Nó có tên Việt: thông Bắc, thông dầu, thông tô hạp, du sam; là loài thông bản địa của Việt Nam, phân bố chủ yếu ở chân núi Lang Biang.
Đặc biệt, có hai loài thông chỉ thấy phân bố tự nhiên trên cao nguyên Lang Biang mà không thấy ở nơi nào khác trên thế giới và đã trở thành hai loài đặc hữu của Việt Nam: Cây thông có 5 lá trong một búp ngắn, nên gọi là thông 5 lá hoặc thông Đà Lạt và cũng được đặt tên khoa học để kỷ niệm nơi sản sinh ra nó: Pinus dalatensis Ferre, trong đó Ferre là Y.de Ferre, Giám đốc Viện Khảo cứu Lâm học Toulouse Pháp, đã mô tả và đặt tên cho loài thông này. Nó phân bố chủ yếu ở huyện Lạc Dương và ngoại vi Đà Lạt.
Còn cây thông từ xa đã thấy tán hình quạt của nó nhô lên khỏi tán rừng nguyên sinh là thông hai lá dẹt, vì có hai lá dẹt (rộng 0,5 - 1cm) hình lưỡi kiếm trong một búp ngắn. Nó còn có tên dân tộc Chil là sre-sri. Nhà thực vật học danh tiếng người Pháp M.H.Lecomte, đã giám định và đặt tên cho thông hai lá dẹt là Ducampopinus krempfii A.Chev, trong đó krempfii là tên nhà phân loại thực vật người Đức đã phát hiện ra loài thông quý hiếm này, Ducampo là nhà thực vật học người Pháp, giám đốc Nha Thủy lâm Đông Dương, người có công tổ chức các cuộc thám hiểm phân loại rừng và xây dựng mạng lưới các trung tâm, trạm, trại nghiên cứu lâm sinh ở Đông Dương. Còn A.Chev là A.Chevaliea, nhà sinh học-phân loại thực vật xuất xắc người Pháp đã giải phẫu lá và đề nghị tách thông hai lá dẹt trong chi Pinus thành chi Ducampopinus.
Các nhà lâm học Đà Lạt bên cây thông Đà Lạt - Pinus dalatensis ở Vườn Sưu tập Măng Lin, mùng 1 Tết Nguyên Đán 1959 - ảnh: chụp lại
Đây là cây thông sống cùng thời với những sinh vật cổ sơ trước thời đại địa chất thứ hai (*), giống như khủng long, những sinh vật này hiện chỉ còn ở dạng hoá thạch. Vì vậy khi phát hiện thông hai lá dẹt, các nhà khoa học đã sung sướng gọi nó là "hoá thạch sống" và nói rằng "xét về mặt sinh học, phát hiện này cũng giống như một nhà động vật học đang đi tìm kiếm và bỗng phát hiện thấy một con khủng long còn sống, một con T-Rex chẳng hạn"(**).
Cũng cần nhắc tới một loài thông mà trước cuộc thám hiểm Lang Biang đã rất quen thuộc với các nhà khoa học đó là cây thông ta (Pinus merkusii) còn gọi là thông hai lá, thông nhựa. Vùng Lang Hanh cao độ 1.000m (so với mực nước biển) là biên địa của loài thông này: nó có diện tích rộng lớn ở Nam Lâm Đồng. Đây là loài thông bản địa của Việt Nam, cho sản lượng nhựa cao nhất trong các loài thông.
Như vậy, nước ta có 6 loài thông phân bố tự nhiên thì ở Lâm Đồng đã có 5 loài. Vì thế, nơi này từ đầu thế kỷ trước đã được mệnh danh là "Chiếc nôi của cây thông". Các nhà khoa học thế giới cũng công nhận điều ấy bởi chưa có địa phương nào ở các quốc gia khác lại có nhiều về số lượng loài thông bản địa và đặc hữu như ở cao nguyên Lang Biang.
Đến nay còn ít người biết cách đây 60-70 năm, Nam Tây Nguyên đã trồng rừng 23 loài thông của nước ngoài, nhiều loài sinh trưởng và phát triển tốt, tái sinh tự nhiên như ở nơi nguyên sản: Pinus caribeae có nguồn gốc từ vùng biển Caribe châu Mỹ nên gọi là thông Caribe. Pinus patula quê hương vùng núi Mexico, lá mềm mại luôn rủ xuống nên còn gọi là thông lá rủ. Pinus tropicalis có xuất xứ Trung Mỹ có tên Việt là thông nhiệt đới. Pinus oocarpa, quê hương ở Guatemala. Và một số loài thông có nguồn gốc Mỹ: Pinus elliottii, Pinus tenuifolia, Pinus teada... Cả loài thông mã vĩ (Pinus massoniana) phân bố tự nhiên ở Đông Bắc nước ta và là loài thông bản địa thứ 6 của Việt Nam.
Những loài thông ấy được trồng khảo nghiệm để tăng cường và phát huy hơn nữa các tác dụng: cung cấp, phòng hộ, môi trường và cảnh quan của rừng Nam Tây Nguyên; đồng thời các nhà khoa học cũng muốn chứng minh rằng chiếc nôi của các loài thông bản địa và đặc hữu Lâm Đồng còn là đất lành của nhiều loài thông nhập nội trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu lâm sinh đang đo cây thông hai lá dẹt hơn 1.000 năm tuổi ở vùng Cổng Trời
Sau ngày thống nhất đất nước, các nhà khoa học của Bộ lâm nghiệp đã vào thiết kế và chỉ đạo thi công phủ xanh thành phố Huế vừa trải qua chiến tranh và trận lụt 1975. Những cây thông hai lá ươm trong túi PE ở Nam Tây Nguyên đã được chuyển ra Huế phục vụ trồng rừng cảnh quan núi Ngự Bình. Các chuyên gia lâm nghiệp còn giúp tỉnh Lâm Đồng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhân giống và xây dựng một vườn ươm quy mô lớn sản xuất 12 triệu cây con/năm ở Đan Kia - Suối Vàng. Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những nỗ lực ấy, ngay sau đó Tổ chức lương (FAO) và Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đã có những dự án viện trợ cho nghiên cứu lâm sinh và trồng rừng ở hai miền Nam Bắc Việt Nam.
Hơn 40 năm trước, CHDC Đức đã giúp tỉnh Lâm Đồng xây dựng Lâm trường Đà Lạt thành một lâm trường kiểu mẫu: khoa học kỹ thuật - tổ chức quản lý - kinh tế xã hội nghề rừng phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu lâm sinh ở Đà Lạt cùng GS.TS. Kohl Stock đã hoàn thành 2 đề tài khoa học: Tái sinh tự nhiên thông ba lá và Trồng rừng thông.
Đoàn chuyên gia Đức cũng đã đưa vào sản xuất phương pháp trích nhựa thông mới, làm tăng sản lượng nhựa lên gấp đôi, đồng thời xây dựng cho tỉnh một nhà máy chế biến nhựa thông hiện đại nhất. Nhiều mô hình trồng rừng phòng hộ đầu nguồn đã được hoàn thiện trong thời gian này... Tính đến khi bàn giao kết quả Dự án 1985, rừng Lâm Đồng còn 650 nghìn ha, chiếm 64% diện tích toàn tỉnh và có độ che phủ cao nhất nước.
Thông lá rủ Pinus patula ở Trạm khảo cứu lâm học Măng Lin, Đà Lạt
Đầu thập niên 1980, các nhà lâm học Đà Lạt hợp tác với các nhà di truyền chọn giống Thái Lan và Đan Mạch (DANIDA) đã kiên trì tuyển chọn, thu hái giống thông ba lá trên các cây trội và cây ưu việt để khảo nghiệm với nhiều xuất xứ giống (Bắc Thái Lan, Bắc Tây Nguyên, Ấn Độ, Hoàng Su Phì, Lang Biang...). Kết quả xây dựng được "Vườn giống quốc gia thông ba lá Pinus kesiya" của mỗi nước ở Trạm Măng Lin (Đà Lạt) và Chiang Mai (Thái Lan)...
Gần 30 loài bạch đàn Eucalyptus xuất xứ châu Úc cũng được trồng ở Đà Lạt từ cuối thập niên 1950: Eucalyptus saligna thân màu trắng, luôn chiếm lĩnh tầng cao trong không gian xanh; Eucalyptus citriodora, tên Việt là bạch đàn chanh vì lá có những túi dầu lấm tấm mang hương chanh thơm mát. Nhiều loài bạch đàn vùng cao đã phát huy tác dụng như Eucalyptus grandis, Eucalyptus viminalis, Eucalyptus robusta, Eucalyptus urophylla, Eucalyptus globulus... Đến nay, nhiều cây có đường kính 60 - 70 cm, chiều cao trên 35 m và là những cây bạch đàn tốt nhất thấy được ở Đông Dương.
Nhiều loài keo Acacia cũng được trồng khảo nghiệm để lấy gỗ, củi, làm bột giấy và lấy nhựa.
Ngày nay ở Trạm khảo cứu Lâm học Măng Lin (Đà Lạt) vẫn còn vết tích của những cây mimosa cổ thụ và những cây mimosa đẹp nhất. Cùng nhiều loài tùng xuất xứ Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ: Cupressus sempervirens, Cupressus arizonica, Cupressus macrocarpa, Chamaecyparis lawsonia, Pendula glanca, Thuya orientalis...tạo hình phong phú.
Những cây công nghiệp có giá trị cao như sơn ta (Rhus succedanea), sơn Nhật (Rhusvernicifera), đại hồi (lllicium verum Hook) qua khảo nghiệm ở Trạm Măng Lin cũng đã tìm được chỗ đứng trên cao nguyên...
Từ năm 1917, bác sĩ Yersin và nhà thực vật học Chevalier đã khẳng định Nam Tây Nguyên là lập địa thích hợp để trồng đại trà cây canh-ki-na (Cinchona succirubra). Đến 1928, Yersin đã thiết lập Trại khảo cứu cây canh-ki-na ở thôn Lang Hanh và cử kỹ sư nông học Frontou làm giám đốc. Ở đây các ông đã xây dựng một Quy trình tổng hợp từ ươm trồng - chăm sóc - phòng trừ sâu bệnh đến khai thác - chế biến vỏ cây canh-ki-na sản xuất ký-ninh chống bệnh sốt rét và làm thuốc bồi dưỡng sức khỏe...
Đồng thời tuyển chọn được những giống canh-ki-na vừa có sức đề kháng cao với côn trùng, bệnh hại vừa giàu hàm lượng Alcaloid, trong đó có giống Ledgerianaưu việt. Những năm chiến tranh, diện tích canh-ki-na ở Lâm Đồng bị thu hẹp dần, đầu thập niên 1980 đã khai thác hết. Năm 1983 và 1984, đoàn chuyên gia lâm nghiệp Đức đã trao tận tay nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Bích, Chủ nghiệm đề tài nghiên cứu phát triển cây canh-ki-na ở Lâm Đồng những lô hạt giống canh-ki-na của Ấn Độ và Sri Lanka có phẩm cấp tốt, góp phần tích cực phục hồi loài cây này ở Nam Tây Nguyên…
Trong cuộc thám hiểm Lang Biang năm 1931, nhà thực vật học Hickel đã tìm thấy cây thông đỏ Himalaya (Taxus wallichiana Zucc) thuộc họ thanh tùng Taxaceae. Sở dĩ gọi là thông đỏ vì hạt của chúng nằm trong vỏ giả, khi chín màu đỏ và gỗ cũng có màu đỏ thẫm. Đặc điểm chung của các loài thông đỏ đều chứa độc tố cực mạnh gồm hơn 10 Alcaloid có tên gọi chung là các Taxin, từ đó chiết tách và tổng hợp ra Taxol và Taxotere là nhóm thuốc đắt hơn vàng dùng trị bệnh ung thư. Sách đỏ Việt Nam xếp thông đỏ vào loại cây quý hiếm, tuyệt đối cấm khai thác.
Giữa thập niên 1960, một đoàn khảo cứu từ miền Bắc theo đường Trường Sơn với nhiệm vụ phát hiện, mô tả những loài cây rừng có thể làm rau ăn, bồi dưỡng sức khỏe và chữa bệnh. 650 loài cây thuốc quý đã được tìm thấy ở Lâm Đồng. Ngày nay, tỉnh đã thành lập Trung tâm cây thuốc Đà Lạt để kế thừa thành quả của các nhà khoa học đi trước, bảo tồn các nguồn gene quý hiếm, hướng dẫn đồng bào trồng và khai thác thế mạnh dược liệu ở địa phương. Nhiều hộ dân đã tham gia nuôi trồng nấm linh chi (Ganoderma lucidum), một thực phẩm quý có lợi cho sức khỏe, ngăn chặn được nhiều bệnh tật và các stress trong cuộc sống...
Từ chuyến thám hiểm đầu tiên đến nay, đã có hơn 30 cuộc điều tra phân loại lớn trên Lang Biang gắn liền với nhiều tên tuổi các nhà khoa học như Ducampo, Chevalier, H.Lecomte, Capus, R.Hickel, J.Dauplay, Morange, Ferre, Poilane, Evrard, Gagnep, Bucknett, Trần Tiến Ngữ, Bùi Ngọc Sanh, Phạm Hoàng Hộ, Phó Đức Đỉnh... Có lẽ GS. Morange là nhà lâm học Pháp đã ở Nam Tây Nguyên lâu nhất, ông thiết lập văn phòng tại Đà Lạt từ 1936, nay vẫn còn lại ngôi nhà xưa của ông trông thẳng sang dãy núi Lang Biang... Nhờ các nhà khoa học ấy mà ngày nay chúng ta đã hình dung được đầy đủ bức tranh toàn cảnh rừng mưa nhiệt đới. Đồng thời giúp cho H.Lecomte, nhà phân loại danh tiếng có nguồn tư liệu quý để lập Thực vật chí Đông Dương.
Cuối thế kỷ 19, các nhà nông học cũng đã chú ý đến đặc điểm của đại địa hình Nam Tây Nguyên được tạo nên bởi 3 bậc thềm lớn: Bảo Lộc - Di Linh - Đà Lạt và đã đưa cây trà, cây cà phê, cây dâu tằm vào khảo cứu. Hầu hết các giống trà có chất lượng cao của Ấn Độ, Trung Quốc đã tỏ ra thích hợp và giữ được các ưu điểm nổi bật khi được trồng ở Nam Tây Nguyên. Trong đó các chủng trà đen được trồng và chế biến chủ yếu ở Cầu Đất - Đà Lạt, còn trà xanh phần lớn được sản xuất ở Bảo Lộc - DinLinh.
Nhiều giống cà phê chè Arabica và cà phê vối Robusta có chất lượng tốt và tính kháng bệnh cao đã được trồng rộng rãi ở Di Linh, Đà Lạt; sau đó cũng phát triển mạnh ở Bảo Lộc thay thế dần cà phê mít (mà thị trường thế giới ít nhu cầu). Còn cây dâu tằm đến 1930 đã có chỗ đứng ổn định ở Bảo Lộc. Và Nam Tây Nguyên đã được mệnh danh là "xứ trà, xứ cà phê", còn thị xã Bảo Lộc đã được gọi là "thủ phủ dâu tằm ở Đông Dương" từ thế kỷ trước.
Công tác nhập giống các loài rau quả cũng được quan tâm. Nghề trồng rau Đà Lạt phát triển mạnh trong những năm 1930, ở thập niên 1950 hàng loạt các chủng rau quả đã được khảo nghiệm như hành tây (Allium oepa), khoai tây (Solanum tuberosum), bắp cải (Brassis petsai), Artichaut (Cunara scolymus), cà rốt (Daucaus carota), củ cải (Raphanus acauthiformis)... Đến 1960, Đà Lạt đã xuất khẩu rau quả sang Singapore, Hồng Kông, Indonesia... Riêng rau cải Đà Lạt, năm 1972 đã đạt diện tích 5.897 ha với sản lượng 82.215 tấn. Những loại rau cao cấp mang hương vị của rau ôn đới đã đi vào bữa ăn thông thường của người Đà Lạt và còn cung cấp cho các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Các loại trái cây như dâu tây, bơ, hồng, mận, đào, táo tây... cũng đã được đồng bào cả nước biết tới.
Một nội dung khảo cứu được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm là tuyển chọn và ươm trồng rộng rãi các loài hoa cho thành phố du lịch và nghỉ dưỡng. Tính đến nay, hơn 1.350 loài hoa đã được khảo nghiệm thành công trên cao nguyên Lang Biang; chưa kể hơn 300 loài lan đặc sắc, trong đó có 5 loài lan rừng đã được mang tên Đà Lạt và Lang Biang như Dendrobium dalatense, Dendrobium langbianese...Và bộ sưu tập lan hài Đà Lạt đã tham gia vào quỹ gene thực vật quý hiếm của thế giới.
Hầu hết các giống hoa thích hợp với khí hậu Đà Lạt đều đã nhanh chóng trở thành hàng hoá: Hoa hồng (Rosa sp.), lily (Lilium longiflorum), cẩm tú cầu (Hydrangea oploides), mẫu đơn (Gadenia lucida), đỗ quyên (Rhododendron indicium) xuất xứ châu Á. Pensée (Violatricolor), layơn (Gladiolus communis), tulip (Tulipa gesneriana) từ châu Âu. Mỹ nhân (Papaver ehoeas), A-ga (Agave americana), phượng tím (Jauranda minosaefolia), cát tường (Texas bluebell) xuất xứ châu Mỹ. Thiên điểu (Strelitzi reginae), chuối rẻ quạt (Ravenala madagascariensis), cúc đồng tiền (Gerbera L.) từ châu Phi. Mimosa (Acacia dealbata và Acacia podalyriifolia), cúc bất tử (Heticohrysum brateatum) xuất xứ châu Úc...
Và Đà Lạt đã thực sự trở thành một Vườn sưu tập lớn có đủ các loài hoa đẹp tiêu biểu của 5 châu.