Có nhiều ước tính khác nhau về số người chết do cúm Tây Ban Nha gây ra, nhưng các nhà khoa học nhận định dịch bệnh này đã lây nhiễm 1/3 dân số thế giới và giết chết ít nhất 50 triệu người, khiến nó trở thành đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử.

Các nữ y tá chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm cúm Tây Ban Nha tại Mỹ vào năm 1918. Ảnh: AP.
Các nữ y tá chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm cúm Tây Ban Nha tại Mỹ vào năm 1918. Ảnh: AP.

Năm 1918, một chủng cúm gọi là cúm Tây Ban Nha đã gây ra đại dịch toàn cầu. Nó lây lan nhanh chóng và giết chết rất nhiều sinh mạng. Tất cả những người trẻ tuổi, già yếu, bệnh tật và khỏe mạnh đều có thể bị nhiễm và ít nhất 10% bệnh nhân đã chết.

Sự bùng phát của dịch bệnh bắt đầu trong những tháng cuối của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Ở mặt trận phía Tây, những người lính sống trong điều kiện chật chội, bẩn thỉu và ẩm ướt trở nên ốm yếu. Hệ thống miễn dịch của họ bị suy giảm do tình trạng suy dinh dưỡng. Đây là điều kiện để một bệnh cúm kỳ lạ có cơ hội lây lan và phát triển trong hàng ngũ quân đội. Trong vòng ba ngày sau khi bị ốm, một số người lính bắt đầu cảm thấy tốt hơn, nhưng sức khỏe của nhiều người khác ngày càng tồi tệ. Căn bệnh truyền nhiễm này khi đó được gọi là “la grippe”.

Mùa hè năm 1918, những người lính được nghỉ phép và trở về nhà. Họ mang theo virus cúm bí ẩn truyền bệnh cho người thân trong gia đình. Dịch bệnh nhanh chóng lây lan khắp các thành phố, thị trấn, làng mạc. Nhiều người bệnh, bao gồm cả binh lính và thường dân, không thể hồi phục nhanh chóng. Loại virus này lây nhiễm mạnh nhất ở người trẻ tuổi [trong độ tuổi từ 20 đến 30] – kể cả khi họ hoàn toàn khỏe mạnh trước đó.

Tây Ban Nha là một trong những quốc gia đầu tiên xác nhận sự lan truyền của bệnh dịch, nhưng các nhà sử học tin rằng đây có thể là kết quả của chính sách kiểm duyệt thông tin thời chiến. Tây Ban Nha là quốc gia trung lập trong thời kỳ chiến tranh, và họ không thực thi kiểm duyệt chặt chẽ báo chí trong nước. Do đó, các tòa soạn có thể tự do xuất bản những bài báo đầu tiên về dịch cúm đang xảy ra. Kết quả là mọi người nhầm tưởng dịch bệnh có nguồn gốc ở Tây Ban Nha, và thuật ngữ “cúm Tây Ban Nha” ra đời.

Thậm chí nhà vua Tây Ban Nha, Alfonso XIII, cùng với các chính trị gia hàng đầu cũng bị nhiễm bệnh. Virus cúm đã lây lan khoảng 30 – 40% người làm việc hoặc sống trong các doanh trại quân đội, trường học, tòa nhà chính phủ. Hệ thống xe điện tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và dịch vụ điện báo bị ngưng trệ do không có đủ nhân viên khỏe mạnh làm việc. Vật tư và dụng cụ y tế cũng không thể đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân.

Thuật ngữ cúm Tây Ban Nha nhanh chóng được sử dụng ở Anh. Trong cuốn sách “Nước Anh và Đại dịch cúm 1918 – 1919” xuất bản năm 2006, tác giả Niall Johnson cho biết báo chí Anh khi đó đổ lỗi dịch cúm ở Tây Ban Nha liên quan đến yếu tố thời tiết. “Mùa xuân khô và nhiều gió tại Tây Ban Nha là một mùa khó chịu và không tốt cho sức khỏe”, theo một bài viết trên tờ The Times. Có ý kiến cho rằng những cơn gió mạnh làm lan truyền các hạt bụi chứa đầy mầm bệnh đi khắp nơi ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khí hậu ẩm ướt của Anh có thể ngăn chặn bệnh cúm lây lan.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh cúm Tây Ban Nha bao gồm đau đầu và mệt mỏi, sau đó là ho khan, chán ăn, các vấn đề dạ dày, đổ quá nhiều mồ hôi. Tiếp theo, bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp và có thể phát triển viêm phổi.

Mark Humphries, tác giả cuốn sách “The Last Plague” xuất bản năm 2013, giải thích rằng tình trạng viêm phổi hoặc các biến chứng hô hấp khác do cúm gây ra thường là nguyên nhân chính gây tử vong. Điều này giải thích tại sao rất khó xác định chính xác số lượng người chết do cúm Tây Ban Nha, vì nguyên nhân tử vong thường được liệt kê là một yếu tố khác thay vì bệnh cúm.

Mùa hè năm 1918, virus cúm Tây Ban Nha lan sang các quốc gia khác ở lục địa châu Âu, trong đó bao gồm thủ đô Vienna (Áo) và Budapest (Hungary). Nhiều khu vực ở Đức và Pháp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trẻ em tại các trường học ở Berlin (Đức) báo cáo nhiễm bệnh và xin nghỉ học. Nhân công thiếu thốn khiến các nhà máy chế tạo vũ khí phải cắt giảm quy mô sản xuất. Ngày 25/6/1918, dịch cúm ở Tây Ban Nha lan đến Anh. Vào tháng 7, dịch bệnh đã tấn công ngành dệt may ở London. Có những nhà máy 1/5 số công nhân xin nghỉ chỉ trong một buổi tối do bị ốm. Số nhân viên làm việc cho Chính phủ vắng mặt khoảng 25 – 50%.

Cúm Tây Ban Nha nhanh chóng trở thành một đại dịch, lan rộng khắp thế giới. Vào tháng 8 năm 1918, sáu thủy thủ người Canada nhiễm bệnh và chết trên sông St. Lawrence. Trong cùng tháng đó, các ca bệnh mới được báo cáo trong quân đội Thụy Điển và dân thường ở Nam Phi. Đến tháng 9, bệnh cúm đã đến cảng Boston của Mỹ.

Đại dịch sau đó lan rộng ra khắp châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Nam Thái Bình Dương. Tại Ấn Độ, tỷ lệ tử vong lên tới 50 người trong tổng số 1.000 ca bệnh – một con số gây sốc.

Các bác sĩ kêu gọi mọi người tránh tụ tập đông người, che kín mũi và miệng khi đến những khu vực công cộng. Một số người thậm chí còn đề xuất các biện pháp làm giảm nhẹ triệu chứng bệnh như ăn quế, uống rượu hoặc uống nước luộc thịt bò – mặc dù các biện pháp này đều chưa được kiểm chứng.

Theo một bài viết đánh giá được công bố trên tạp chí Public Health Reports, người dân Mỹ đã nhận được những lời khuyên về cách phòng tránh bệnh. Ví dụ: không nên bắt tay với người khác, ở trong nhà, tránh chạm vào sách trong thư viện và đeo khẩu trang,...Các trường học và nhà hát tại Mỹ tạm thời đóng cửa, Sở Y tế thành phố New York thực thi nghiêm chỉnh Bộ luật Vệ sinh sửa đổi, khiến việc nhổ nước bọt trên đường phố là bất hợp pháp.

Cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ nhất dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ ở một số khu vực. Thậm chí nhiều bác sĩ cũng bị nhiễm bệnh. Trường học và các tòa nhà khác trở thành bệnh viện tạm thời, và sinh viên y khoa phải thay thế bác sĩ trong một số trường hợp.

Đến mùa xuân năm 1919, số người chết vì cúm Tây Ban Nha giảm xuống nhưng các quốc gia đã bị tàn phá nặng nề. Cúm Tây Ban Nha ảnh hưởng đến khoảng 500 triệu người trên thế giới. Vào thời điểm đó, con số này đại diện cho 1/3 dân số toàn cầu. Ước tính có khoảng 50 triệu người chết do virus cúm, mặc dù con số chính xác có thể còn cao hơn.