Đến cuối thế kỷ XIX, các con tàu trang bị động cơ hơi nước đã hoàn toàn thay thế tàu buồm trong lĩnh vực vận tải thương mại.

Tuyến hải trình của các tàu clipper. Ảnh: Wikimedia.
Tuyến hải trình của các tàu clipper. Ảnh: Wikimedia.

Nhưng trên các tuyến đường dài hơn, chẳng hạn từ Úc đến châu Âu đi qua Cape Horn (Mũi Sừng), một chiếc tàu buồm lại tỏ ra hiệu quả chẳng kém gì tàu hơi nước. Đây đã từng là một tuyến hải trình vô cùng nhộn nhịp trong lịch sử bởi các tàu clipper (loại tàu buồm nhưng có khả năng di chuyển nhanh nhờ sức gió cho những chuyến đi xa vượt đại dương), và do đó nó thường được gọi bằng cái tên “clipper route”. Những người thuyền trưởng đã thực hiện vô số hành trình gần như vòng quanh thế giới nhờ tuyến đường này, trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Nhiều tàu chở ngũ cốc, len và vàng, … đã khởi hành, rồi trở về và mang theo rất nhiều hàng hóa có giá trị.

Thường thì một con tàu rời Anh Quốc đến Úc sẽ đi xuôi Đại Tây Dương, băng qua đường xích đạo, cho tới khi đến được khúc quanh Roaring Forties (nằm ở vĩ độ 40 – 50 tại Nam Bán cầu). Những cơn gió Tây (ngược mậu dịch) mạnh mẽ ở đây sẽ đẩy tàu di chuyển nhanh dọc theo đường vòng lớn từ Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) và tới Úc. Hầu hết các tàu sẽ đi men theo khoảng vĩ tuyến 40 độ Nam, nhưng một số thuyền trưởng táo bạo thậm chí còn đẩy tàu của họ xuống đến khu vực 60 độ Nam, vượt qua những khối băng nhằm rút ngắn gần 1000 dặm trên hành trình, và cũng là để tận dụng lợi thế từ những cơn gió mạnh ở đó. Nếu thuận lợi, một tàu thông thường đi từ Plymouth (Anh Quốc) đến Sydney (Úc) sẽ hoàn thành chặng đường dài 13.750 dặm trong khoảng 100 ngày. Kỷ lục về thời gian di chuyển nhanh nhất trên tuyến đường này bằng tàu clipper, chính xác là 72 ngày, đã thuộc về một con tàu mang tên Cutty Sark (của Anh).

Bức họa “tàu Pamir” của danh họa Yasmina người Bỉ. Pamir là chiếc windjammer cuối cùng chở đầy hàng hóa đi qua mũi Cape Horn. Ảnh: Wikimedia.
Bức họa “tàu Pamir” của danh họa Yasmina người Bỉ. Pamir là chiếc windjammer cuối cùng chở đầy hàng hóa đi qua mũi Cape Horn. Ảnh: Wikimedia.

Trên đường trở về, các tàu sẽ đi về hướng Đông của Úc, và ở phía Bắc của Cape Horn, khoảng 56 độ vĩ Nam. Cape Horn được xem là điểm khắc nghiệt nhất trên suốt cuộc hành trình, nơi nổi tiếng với những cơn lốc xoáy rất khó dự báo, lối đi hẹp và vùng nước nông, … tất cả cùng nhau tạo nên rất nhiều mối đe dọa cho con tàu. Sau khi vượt qua Cape Horn, tàu sẽ sang được Đại Tây Dương, men theo các vùng đất rộng lớn ở Nam Mỹ và Phi châu nhờ vòng tuần hoàn tự nhiên của gió để về nhà. Mặc dù quãng đường sẽ dài hơn một chút, gần 14.750 dặm, nhưng các tàu thường cũng chỉ mất khoảng 100 ngày. Tàu Thermopylae (của Anh) đã nắm giữ kỷ lục khi hoàn tất hành trình chỉ trong 77 ngày.

Các thủy thủ đoàn của Thermopylae và Cutty Sark đã thường xuyên so kè, cạnh tranh với nhau khi cố gắng hoàn tất những chuyến đi trong thời gian ngắn nhất. Sau này, khi loại tàu windjammer (tàu buồm to bọc vỏ sắt) ra đời và thay thế cho thế hệ clipper cũ, nhiều vị thuyền trưởng đã nảy ra ý tưởng tổ chức các cuộc đua thân thiện, mang lúa mì và lúa mạch từ các cảng ngũ cốc ở Nam Úc về bờ biển Cornwall. Những cuộc ganh đua này về sau được gọi bằng cái tên The Grain Races (Cuộc đua Ngũ cốc).

Tàu Herzogin Cecilie của Đức giữ kỷ lục khi chiến thắng cuộc đua tới 6 lần. Ảnh: Wikimedia.
Tàu Herzogin Cecilie của Đức giữ kỷ lục khi chiến thắng cuộc đua tới 6 lần. Ảnh: Wikimedia.

Trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Sáu của năm, các tàu được chất đầy hàng thường sẽ khởi hành vào những ngày khác nhau, và từ các cảng khác nhau trong Vịnh Spencer ở Nam Úc. Thời gian của hành trình về nhà sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Mặc dù đây chỉ là một cuộc đua không chính thức, nhưng các thuyền trưởng lại dựa nhiều vào đó để gây dựng uy tín cho bản thân. Đương nhiên là những người chủ tàu không thể thích điều này. Họ đã phản đối kịch liệt việc mưu cầu danh tiếng bằng cách đẩy chính các con tàu cùng hàng hóa vào vòng nguy hiểm. Trước những cơn gió mạnh của vùng Roaring Forties và vô số khó khăn tại khu vực Cape Horn, sự căng thẳng không cần thiết do ganh đua rất dễ gây thiệt hại cho tàu và hàng hóa.

Mặc dù vậy, các cuộc đua ngũ cốc vẫn được tổ chức, lần đầu tiên là vào năm 1921. Con tàu chiến thắng là một chiếc windjammer của Phần Lan mang tên Marlborough Hill, đi từ cảng Lincoln (Nam Úc) đến Cobh (Anh), và kết thúc chuyến đi trong 90 ngày. Trong suốt 18 năm tiếp theo, năm nào cuộc đua cũng diễn ra, tới tận 1939 khi Đệ nhất Thế chiến bùng nổ gây gián đoạn mọi hoạt động vận tải trên biển. Truyền thống này được nối lại vào năm 1948, nhưng chấm dứt kể từ 1949 sau cuộc đua cuối cùng với chiến thắng của chiếc Pamir (Đức).

Trong khi công chúng hào hứng đón nhận Cuộc đua Ngũ cốc, thật sự không hề có bất cứ động cơ kinh tế nào đằng sau việc trở về nhà sớm với những bao lúa mì chất đầy trên tàu. Các chủ tàu đã phản đối nhân viên (thuyền trưởng, thuyền viên) của mình tham gia cuộc đua, mặc dù họ cũng chẳng cảm thấy phiền nếu tàu về sớm hơn kẻ khác. Việc đua tàu trong điều kiện gió mạnh ở vùng Roaring Forties và khu vực xung quanh Cape Horn thường khiến buồm phải căng hết cỡ, gây hỏng cánh và nhiều kết cấu khác, đồng nghĩa với chi phí sửa chữa hoặc thay thế leo thang, và chủ tàu chính là người phải chịu. Không giống với những cuộc đua của các tàu clipper chở trà trong giai đoạn 1860, thuyền trưởng của một tàu ngũ cốc nhiều khả năng sẽ mất việc nếu để tàu bị hư hại quá nhiều.