Một nghiên cứu mới đã xác định được những thời điểm mà tỷ lệ tự tử tăng.

Trong hàng thế kỷ, nhiều người cho rằng trăng tròn là nguyên nhân gây ra những biến đổi bí ẩn ở nhân loại. Có giả thuyết cho rằng người ta dễ tự tử hơn vào thời điểm trăng tròn. Và điều này thúc đẩy tiến sĩ, bác sĩ Alexander Niculescu cùng các đồng nghiệp ở Trường Y thuộc Đại học Indiana tiến hành phân tích và xác định xem liệu những bệnh nhân có nguy cơ cao có nên được theo dõi chặt chẽ hơn trong những ngày này hay không.

Kết quả, các bác sĩ tâm thần đã phát hiện số ca tử vong do tự tử gia tăng trong thời gian trăng tròn.

Niculescu và nhóm của ông quan sát dữ liệu được thu thập bởi văn phòng điều tra tử vong bất thường ở Hạt Marion, Indiana, về các vụ tự tử xảy ra từ năm 2012 tới 2016.

Họ phát hiện các ca tử vong do tự tử tăng đáng kể trong tuần trăng tròn, tỷ lệ này còn tăng cao hơn ở những người từ 55 tuổi trở lên. Tổng cộng, trong khoảng thời gian 626 ngày trong tuần trăng tròn có 210 vụ tự tử thành công; còn trong 2.006 ngày ngoài tuần trăng tròn con số này là 566 vụ.

Nhóm nghiên cứu cũng xem xét thời gian trong ngày và tháng mà các vụ tự tử xảy ra, và phát hiện thời gian tự tử đỉnh điểm lần lượt là 3 – 4 giờ chiều và tháng Chín.

Trước đây, nhóm nghiên cứu từng phát triển các xét nghiệm dấu ấn sinh học trong máu đối với các tình trạng sức khỏe tinh thần (lo âu, trầm cảm, rối loạn hậu sang chấn tâm lý...) và các cơn đau. Nhờ sử dụng mẫu máu mà các điều tra viên lấy từ trước ở một số người, nhóm nghiên cứu có thể biết được dấu ấn sinh học nào xuất hiện.

Tỷ lệ tự tử vào tuần trăng tròn tăng cao.
Tỷ lệ tự tử cao hơn vào tuần trăng tròn.

“Chúng tôi đã kiểm nghiệm một danh sách các dấu ấn sinh học trong máu hàng đầu chỉ báo nguy cơ tự tử mà chúng tôi đã xác định được trong các nghiên cứu trước," Niculescu nói. Ông cho biết, các dấu ấn sinh học dự báo tử vong do tự sát trong thời kỳ trăng tròn, thời gian đỉnh điểm trong ngày và tháng đỉnh điểm trong năm dường như là các gene điều chỉnh 'đồng hồ sinh học' bên trong cơ thể. "Sử dụng các dấu ấn sinh học này, chúng tôi phát hiện những người mắc chứng rối loạn lạm dụng rượu hay trầm cảm cũng có nguy cơ tự tử cao hơn trong cùng những khoảng thời gian này."

Theo nghiên cứu, cường độ ánh sáng mạnh hơn trong tuần trăng có thể dẫn tới tỷ lệ tự tử tăng lên. Ánh sáng môi trường xung quanh đóng một vai trò quan trọng trong nhịp sinh học của cơ thể - chu kỳ tự nhiên của nó là 24 giờ và cơ thể của chúng ta tuân theo chu kỳ đó để điều chỉnh giờ thức giờ ngủ. Ánh trăng có thể tác động tới con người vào thời điểm đáng lẽ trời phải tối hơn thì mới phù hợp với nhịp sinh học chúng ta.

Còn về hai thời kỳ tự tử cao điểm khác, Niculescu cho rằng giờ đỉnh điểm tự tử từ 3 - 4 giờ chiều có thể liên quan tới các yếu tố gây căng thẳng trong suốt cả ngày cũng như ánh sáng bắt đầu giảm dần, khiến cho mức độ hoạt động của các gene đồng hồ sinh học và cortisol - một hormone chống stress quan trọng - thấp hơn. Còn tháng Chín là thời điểm kết thúc kỳ nghỉ hè, điều này gây ra căng thẳng cũng như những hiệu ứng trầm cảm theo mùa, khi ngày bắt đầu ngắn đi.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu việc nhìn màn hình vào ban đêm có góp phần làm cho nguy cơ tự tử tăng ở người, đặc biệt là thanh niên, hay không.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Discover Mental Health.