Năm 1859, giữa Anh và Mỹ đã xảy ra một vụ tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo San Juan1, sự kiện về sau thường được gọi bằng cái tên đầy châm biếm - The Pig War (Cuộc chiến con lợn).
Nước Mỹ đã giành độc lập khỏi Anh kể từ sau cuộc Cách mạng 1776, trong khi Canada vẫn còn là thuộc địa được vua Anh bảo hộ2. Vào đầu thế kỷ 19, hai nước chưa chung sống hòa thuận như hiện nay mà thường xuyên bất đồng trong việc phân định ranh giới. Theo Hiệp định 1818, cả người dân Mỹ lẫn Canada đều được quyền sử dụng chung vùng chồng lấn, bao gồm các tuyến thủy lộ, song như vậy là chưa đủ để giải quyết hết những khúc mắc. Năm 1846, một hiệp định khác – Hiệp định Oregon – được ký kết quy định đường biên giới kéo dài từ vĩ tuyến 49 độ Tây đến giữa vùng phân cách lục địa Mỹ với Đảo Vancouver (thuộc tỉnh British Vancouver, Canada), sau đó tiếp tục tiến về phía Nam tới eo biển Juan De Fuca trước khi đổ ra biển. Mặc dù thuật ngữ đã mô tả khá rõ ràng nhưng hai bên lại hiểu theo cách rất khác nhau. Bởi San Juan có vị trí gần như nằm giữa hai eo biển Rosario (Canada) và Haro (Mỹ), nên cả hai đều chọn mốc có lợi nhất cho mình và khẳng định chủ quyền đối với San Juan.
Biếm họa The Pig War. Nguồn: YouTube
Năm 1851, người Anh đã nhanh chân thiết lập một trạm thu mua cá hồi thông qua công ty Hudson’s Bay Company trên đảo. Đến năm 1853, nhận thấy quyền lợi của mình đang bị mất, Mỹ bắt đầu cố tranh giành lại ảnh hưởng; nhưng người Anh lại tiến thêm một bước nữa khi xây dựng trại nuôi gia súc ở đây. Người Mỹ tất nhiên cũng không dễ dàng nhượng bộ khi thực hiện chính sách đưa dân tới đảo định cư – đến năm 1859 đã có khoảng 30 người. Cả hai đều coi sự hiện diện của bên kia là bất hợp pháp, và đó cũng là lúc mâu thuẫn leo thang.
Quần đảo San Juan là đối tượng tranh chấp giữa Anh và Mỹ trong thế kỷ 19. Nguồn: GlobalSecurity
Ngày 15/6/1859, một con lợn do người Anh nuôi đã đi lạc vào bãi trồng rau của một nông dân Mỹ tên là Lyman Cutler, và chuyện này không chỉ lần đầu xảy ra. Vì quá tức giận, Lyman đã cầm súng bắn chết con lợn. Không may cho anh là con lợn lại thuộc sở hữu của Charles Griffin - nhân viên công ty Hudson’s Bay Company. Griffin sau đó đã tìm đến tận nhà Lyman Cutler để đòi bồi thường. Không vừa lòng với khoản tiền 10 USD, ông đã báo cáo vụ việc lên giới chức Anh; phía Anh dọa sẽ bắt giữ Cutler nếu anh không bồi thường thỏa đáng. Nhưng phía Mỹ cũng không chịu để người dân của mình thiệt thòi nên đã cử hẳn một lực lượng gồm 64 binh lính tới để bảo vệ những người [Mỹ] định cư trên đảo. Chính phủ Anh xem đó là một hành động gây hấn và đã phái James Douglas (1803 – 1877) - Thống đốc Vancouver - cùng tuần dương hạm Tribune và một số tàu chiến khác đến răn đe. Phía Mỹ thấy vậy cũng quyết tâm ăn miếng trả miếng nên đến giữa tháng 8 đã bố trí khoảng 400 lính cùng tám khẩu đại bác trên đảo - so với 1.000 người và 5 chiến hạm của Anh. Một cuộc xung đột vũ trang dường như là tất yếu khi lực lượng Mỹ đẩy mạnh xây dựng công sự, còn người Anh cũng bắt đầu diễn tập bắn pháo bằng đạn thật. Vị tướng William Harney hiếu chiến của Mỹ đã ra chỉ thị “chống lại mọi nỗ lực can thiệp của Anh”, và viên chỉ huy được cử tới đóng chốt tại San Juan – đại úy George Pickett – cũng tuyên bố: “Chúng ta sẽ biến hòn đảo này thành một đồi Bunker3 thứ hai”.
Tin tức sau đó đến tai Tổng thống Mỹ James Buchanan4 (1791 – 1868). Ông bèn cử Tổng tư lệnh quân đội Winfield Scott (1786 – 1866) tới đàm phán với Douglas hòng tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Đây được xem là một quyết định sáng suốt bởi Scott là người có rất nhiều kinh nghiệm đối với các cuộc đàm phán biên giới ngay từ những năm 1830. Tháng 10/1859, hai bên bắt đầu ngồi lại với nhau để nói chuyện. Cả hai bên đều không muốn dính vào một cuộc xung đột vũ trang toàn diện song cũng không thể từ bỏ yêu sách chủ quyền. Cuối cùng. Scott và Douglas đồng ý cắt giảm phần lớn lực lượng (binh sĩ, súng đạn, tàu chiến,…) trên đảo thay vì hoàn toàn rút quân. Mỗi bên sẽ bố trí khoảng 100 người túc trực và cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ San Juan cho đến khi đạt được giải pháp tối ưu. Người Anh lập trại ở phía Bắc còn người Mỹ chiếm đóng phần phía Nam.
Trong thời gian này, có vẻ hai phía đã chung sống rất hòa thuận. Họ thường thăm trại của nhau để cùng ăn uống và kỷ niệm các ngày lễ lớn [của cả hai nước]. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng trên lý thuyết vẫn kéo dài thêm khoảng 12 năm nữa. Mãi đến năm 1871, Hiệp ước Washington mới được ký kết, không chỉ giải quyết trọn vẹn vấn đề San Juan mà còn nhiều bất đồng khác giữa hai quốc gia. Quá trình thực thi mất khoảng một năm, và đến năm 1872, quần đảo được đồng thuận là thuộc về Mỹ.
Theo NPS, Historic – UK
Hải Đăng tổng hợp