Đặt tên dược phẩm sao cho chính xác và đạt hiệu quả tiếp thị là một nghệ thuật của các nhà sản xuất thuốc. Hãy cùng xem họ đặt tên thuốc như thế nào.

Cầm trên tay một vỉ Viagra, Lunesta, Advair hoặc Paxlovid, bạn có thể tự hỏi những cái tên khó hiểu này từ đâu ra. Phải chăng các giám đốc điều hành của công ty dược phẩm cứ đặt bừa bất kỳ tên nào họ thấy độc đáo và kêu nhất? Thực tế không đơn giản như vậy.

Người ta có thể chế nhạo tên dược phẩm mà không hiểu rằng nó được thiết kế để bao hàm nhiều yếu tố: gợi ý, gây ấn tượng, giảm thiểu nhầm lẫn, v.v… "Tên thuốc được cân nhắc rất kỹ, chọn đi chọn lại sao cho đáp ứng tốt nhất các tiêu chí nhất định,” Scott Piergrossi, giám đốc sáng tạo của Brand Institute, công ty chuyên đặt tên có trụ sở ở Miami, cho biết. Tên thuốc có thể kỳ quái, nhưng để đặt được tên là một quá trình có hệ thống, Suzanne Martinez, chiến lược gia tại công ty tiếp thị dược phẩm Intouch, đồng ý.

Các công ty dược phẩm luôn có nhu cầu tìm kiếm tên thuốc. Hiện có khoảng 30.000 loại thuốc trên thị trường Mỹ, và Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khoảng 50 tên thuốc mới mỗi năm. Vì ngày càng có nhiều thuốc, nguy cơ trùng lặp tên càng cao và càng khó xin chấp thuận các tên thuốc mới.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt 50 tên mới mỗi năm.

Những quy tắc cơ bản

Nói một cách khái quát, quy trình đặt tên thuốc bao gồm các giai đoạn: sáng tạo, đánh giá và thủ tục pháp lý.

Trong giai đoạn sáng tạo, tiêu chí đầu tiên là tên phải hấp dẫn và gây ấn tượng với người tiêu dùng cả về mặt nội dung và âm thanh, đồng thời tránh bất kỳ hàm ý tiêu cực hoặc xúc phạm nào. Điều này không dễ vì hoạt động kinh doanh dược phẩm vượt ra ngoài biên giới quốc gia, và các công ty dược phẩm thường muốn một cái tên dùng được trên toàn cầu, Martinez nói. Một cái tên hoặc một âm tiết có thể hoàn toàn bình thường ở Mỹ, nhưng lại là tiêu cực ở thị trường châu Âu. Ví dụ: để mô tả một loại thuốc xịt, "mist" có nghĩa là "sương" trong tiếng Anh, nhưng lại có nghĩa là "phân" trong tiếng Đức.

Đối với một số trường hợp, tên thuốc còn cần bao gồm một (hoặc một vài) thành tố tham chiếu đến cơ chế sinh học của thuốc. Ví dụ, trong tên thuốc điều trị ung thư Xalkori bao gồm ALK - viết tắt của chất ức chế kinase lymphoma anaplastic, thành phần chính của thuốc. Thuốc Zelboraf điều trị ung thư hắc tố da, có tác dụng ức chế gen BRAF, bao gồm các ký tự B, R, A, F trong tên. Các thành tố này đóng vai trò là các "manh mối" gợi nhắc bác sĩ về cơ chế hoạt động của thuốc.

"Chạm" cảm xúc

Công ty dược phẩm cũng đòi hỏi tên thuốc phải khuấy động một cảm xúc hoặc một mong muốn nào đó. Ví dụ: tên thuốc hen Advair là sự kết hợp giữa "adv" (viết tắt của "advantage" - lợi thế) và "air" (không khí), nhằm gợi ý về một lợi thế không khí và hơi thở. Tên Viagra, thuốc viên đầu tiên có tác dụng giải quyết chứng rối loạn cương dương, "thể hiện vim [khí lực], vigor [sự cường tráng] và vitality [sức sống] mà một người đàn ông rối loạn cương dương đang tìm cách đạt được", một thành viên nhóm đặt tên thuốc này lý giải.

Có một lưu ý: tên có thể ám chỉ hay gợi ý, nhưng không được đưa ra tuyên bố phóng đại quá mức về hiệu quả của thuốc - chẳng hạn như nói rằng đây chính là phương pháp chữa được một bệnh nào đó.

Piergrossi đã tham gia vào việc đặt tên Latisse, một phương pháp điều trị theo toa để giúp lông mi mọc dày hơn. Chữ "La" ám chỉ từ "lash" và "tisse" gợi nhớ đến Henri Matisse, một họa sĩ ấn tượng mà thời trang là khía cạnh quan trọng trong nhiều bức tranh của ông. Một minh chứng là cách Matisse đặt tên cho các bức tranh, như The Red Madras Headdress, The Yellow Dress, La Blouse Roumaine. Matisse cũng là người đã thiết kế trang phục cho đoàn ba lê Ballets Russes. Tranh và họa tiết của Matisse cũng từng được tái hiện trong các bộ sưu tập của các hãng thời trang có tiếng của Pháp, chẳng hạn như bộ sưu tập mùa thu 1980 của Yves Saint Laurent, và xuất hiện trên bìa tạp chí Vouge tháng 4/1949.

Khi tạo ra cái tên Lunesta, thuốc điều trị chứng mất ngủ, nhóm Piergrossi cho biết họ tìm cách bao gồm từ "lune", ám chỉ "lunar" (mặt trăng) và theo đó là cảm giác về ban đêm, sự phục hồi và giấc ngủ.

Để nghĩ ra một cái tên có khả năng làm hài lòng tất cả các bên - bao gồm cả những người ra quyết định tại công ty dược phẩm và các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia - các nhóm chiến lược thương hiệu phải dành hàng tháng để nghĩ ra hàng trăm cái tên khả thi cho một loại thuốc. Sau đó, danh sách được rút gọn và trình bày cho những người ra quyết định tại công ty dược phẩm, và cuối cùng là cơ quan quản lý. “Trung bình, các công ty dược chi hàng trăm nghìn USD để tạo ra một tên thuốc và toàn bộ quá trình thường mất từ ​​hai đến ba năm," Piergrossi cho biết.

Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại nhà máy Pfizer ở Đức kiểm tra Paxlovid khi thuốc di chuyển trong dây chuyền sản xuất.

Quyết định cuối cùng

Vào giai đoạn đánh giá, các chuyên gia và luật sư của nhà sản xuất thuốc đánh giá các vấn đề pháp lý đằng sau những cái tên tiềm năng. Chẳng hạn, liệu tên có đưa ra tuyên bố phóng đại hoặc nói sai về hiệu quả hay không. Đây cũng lý do tại sao không có tên thuốc bao gồm chữ "cure" (chữa) hoặc "remedy" (phương thuốc).

Qua được vòng đánh giá, tên thuốc sẽ đến cửa ải cuối cùng là cơ quan quản lý. Các tiêu chuẩn phê duyệt có thể rất gắt gao. FDA, chẳng hạn, sử dụng POCA - một thuật toán phức tạp - để xác định điểm tương đồng giữa các tên thuốc, cả về phát âm hay viết dưới dạng đơn thuốc. Điểm tương đồng về chính tả có thể chặt chẽ đến mức các chữ cái có cùng một nét chính, như L, T, K cùng có một nét dọc làm khung, cũng có thể coi là có sự tương đồng nhất định.

FDA cũng cân nhắc nguy cơ nhầm lẫn giữa các loại thuốc. Cụ thể, họ thử phản ứng của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với một danh sách tên được đề xuất, cân nhắc các lỗi mà nhóm này có thể gặp khi kê đơn, đặt hàng, cấp phát hoặc sử dụng thuốc.

Các tên thuốc có tên tương đồng với các tên đã có hoặc dễ gây nhầm lẫn sẽ không được phê duyệt.

Theo báo cáo năm 2018 của Viện Thực hành Thuốc An toàn Mỹ, trong số 6.206 lỗi liên quan đến thuốc được báo cáo từ năm 2012 đến năm 2016, gần 10% liên quan đến nhầm lẫn tên thuốc. Đây là một sự cải thiện đáng kể so với các báo cáo từ năm 2000 đến năm 2004, trong đó 20% số lỗi liên quan đến nhầm lẫn tên thuốc. Những lỗi này có thể xảy ra khi bác sĩ kê đơn, dược sĩ phát thuốc, y tá đưa thuốc hoặc bệnh nhân dùng thuốc, v.v... nếu thuốc có tên giống nhau. Ví dụ, các thuốc có tên nghe giống nhau thường bị nhầm lẫn là: Adderall và Inderal; Celebrex, Celexa và Cerebyx; Paxil và Taxol; Zyrtec và Zantac. Đây chỉ là một vài ví dụ từ danh sách dài các tên thuốc thường bị nhầm lẫn của Viện Thực hành Thuốc An toàn.

Khi những sai sót liên quan đến tên thuốc được phát hiện, FDA sẽ yêu cầu công ty đổi tên thuốc. Điều này xảy ra vào năm 1990, trong trường hợp Losec (trị chứng ợ nóng) và Lasix (thuốc lợi tiểu); sau đó, Losec được đổi tên thành Prilosec. Năm 2010, sau khi báo cáo về lỗi được gửi đến FDA, Kapidex (thuốc trị chứng ợ nóng) đã được đổi tên thành Dexilant để tránh nhầm lẫn với Casodex (thuốc điều trị ung thư) và Kadian (chất gây nghiện). Và vào năm 2016, FDA đã chấp thuận đổi tên Brintellix (thuốc chống trầm cảm) thành Trintellix, nhằm giảm nguy cơ nhầm lẫn với Brilinta (thuốc làm loãng máu).

Thuốc được phê duyệt sau sẽ phải đổi tên. Đây là lý do mà các công ty dược phẩm cực kỳ cẩn trọng trong quy trình chọn tên thuốc, vì tên không hiệu quả, không được phê duyệt hoặc trùng tên đều là các thảm họa về tiền bạc và thời gian.

Nguồn: