Tổ tiên của những con gà hiện đại có vẻ ngoài khá kỳ lạ và chúng không phải là nguồn thực phẩm phổ biến của con người. Trong nhiều thế kỷ, loài động vật này thậm chí còn được người xưa kính trọng và tôn thờ.

Những con gà đầu tiên được con người thuần hóa không phải là những con chim to lớn, nhanh nhẹn như ngày nay. Thay vào đó, kích thước của chúng chỉ bằng một phần ba gà hiện đại với bộ lông sặc sỡ và tiếng kêu vô cùng đặc biệt. Điều này khiến người cổ đại ban đầu coi chúng là một loài động vật bí ẩn và thú vị, thay vì bữa ăn tiềm năng.
Ảnh: Live Science.

Trên thực tế, phải mất khoảng 500 năm để những con gà đầu tiên đến châu Âu trở thành loại thực phẩm phổ biến của con người. Việc ăn một con gà ở Trung Âu vào năm 500 trước Công nguyên (TCN) có thể tương đương với việc ăn một con vẹt đỏ đuôi dài sống ở Nam Mỹ ngày nay, theo nghiên cứu mới được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) và tạp chí Antiquity vào tháng 6/2022.

Ngày nay, trên Trái đất có khoảng 80 triệu con gà (Gallus domesticus). Tại Mỹ, loại gà thông thường nuôi để lấy thịt chỉ sống khoảng sáu tuần trước khi bị giết mổ, và một con gà mái đẻ trứng có tuổi thọ từ hai đến ba năm.
Xương chân của một con gà cổ đại được tìm thấy ở Weston Down, Anh (Sườn cầm trên tay phía bên trái) nhỏ hơn nhiều so với xương chân của một con gà hiện đại (bên phải). Ảnh: Jonathan Rees.

Nhưng trước khi có gà thuần hóa, con người đã làm quen với tổ tiên hoang dã của chúng: gà rừng đỏ (Gallus gallus) có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Chúng sống trong các khu rừng tre rậm rạp với thức ăn chủ yếu là trái cây và hạt.

Câu chuyện về việc làm thế nào những con chim rừng này trở thành một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất trên Trái đất cho đến nay vẫn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Nguyên nhân là do quá trình khai quật khảo cổ trong các khu rừng rậm ở Đông Nam Á gặp vô vàn khó khăn, thách thức, và giới nghiên cứu không phải lúc nào cũng chú ý đến các hiện vật nhỏ như xương gà.

“Ngoài ra, xương gà dễ chìm sâu xuống đất hoặc bị xáo trộn do hoạt động đào bới của động vật có vú, quá trình xây dựng của con người và những tác động khác”, Joris Peters, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Ludwig Maximilian Munich (Đức), cho biết. “Điều này nghĩa là các lớp đất bao phủ quanh xương gà có thể không thể hiện chính xác độ tuổi của xương”.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã dành hơn một thập kỷ để đo đạc lại và phân tích các bộ xương gà từng được phát hiện trước đây tại 600 địa điểm ở 89 quốc gia. Họ cũng sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ để ước tính độ tuổi của 12 chiếc xương được khai quật từ 16 địa điểm ở châu Âu nhằm tìm hiểu sự lan rộng của gà ra khỏi châu Á. Kết quả cho thấy con người bắt đầu thuần hóa gà trong khoảng thời gian gần đây hơn nhiều so với các dự đoán trước đó.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng quá trình thuần hóa gà đã bắt đầu từ 10.000 năm trước tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.

Trên thực tế, con người và gà có lẽ chỉ bắt đầu gắn bó với nhau khoảng 3.500 năm trước. Những bộ xương gà lâu đời nhất được tìm thấy tại Ban Non Wat ở miền Trung Thái Lan có niên đại từ năm 1650–1250 TCN, trong thời kỳ thời kỳ đồ đá mới.

Vào khoảng năm 1500 TCN, người dân Đông Nam Á bắt đầu trồng lúa và kê trên cạn. Họ phát quang nhiều khu rừng và trồng những cánh đồng ngũ cốc để làm thực phẩm. Điều này đã thu hút những con gà rừng đỏ tới kiếm ăn, một loài động vật có màu sắc sặc sỡ và vẻ ngoài rất đáng yêu. Khi gà rừng ngày càng phụ thuộc vào con người, quá trình thuần hóa bắt đầu diễn ra.

Đến năm 1000 TCN, con người bắt đầu vận chuyển gà rừng sau khi đã thuần hóa đến khắp các vùng đất của Trung Quốc, khu vực Nam Á và vùng Lưỡng Hà, dọc theo các tuyến đường thương mại tương tự như Con đường Tơ lụa.

Trong khoảng thời gian từ năm 800 TCN đến năm 700 TCN, những con gà đã đến vùng đất ở phía Đông châu Phi do hoạt động thương mại hàng hải ngày càng phát triển. Các thủy thủ người Hy Lạp, Etrusca và Phoenicia đã mang theo gà trong những chuyến đi và phổ biến chúng ra khắp Địa Trung Hải, đến Ý vào năm 700 TCN, và trung tâm châu Âu từ năm 500 TCN đến năm 400 TCN.

Điều thú vị là nhiều bộ xương gà được tìm thấy ở châu Âu có niên đại từ năm 50 TCN đến năm 100 sau Công nguyên gắn liền với hoạt động mai táng của con người. Cụ thể, người ta thường chôn đàn ông cùng với những con gà trống và phụ nữ cùng với gà mái. Nhiều khả năng gà đóng một vai trò rất quan trọng đối với đời sống tâm linh của người xưa.

“Quá trình chuyển đổi gà từ loài chim kỳ lạ và được tôn kính trở thành thức ăn đã diễn ra cùng với sự trỗi dậy của Đế chế La Mã ở châu Âu, nơi trứng trở thành một món ăn nhẹ phổ biến”, Greger Larson, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), nhận định. “Bằng chứng đầu tiên về việc tiêu thụ thịt gà rộng rãi ở Anh do La Mã kiểm soát có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nhiều khả năng hoạt động chăn nuôi gà trong nhiều thế kỷ đã khiến con người đánh giá lại mối quan hệ của họ với gà theo một khía cạnh thực tế hơn, đó là trở thành một loại thực phẩm tiềm năng”.

Khảo cổ học trong tương lai có thể sẽ giúp chúng ta hiệu chỉnh biên niên sử về lịch sử phát triển và lan rộng những con gà, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, nơi chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều các bằng chứng hóa thạch. “Những phát hiện mới có thể tiết lộ thêm về hành trình gà bắt đầu xuất hiện tại những vùng đất khác nhau trên khắp thế giới, và làm thay đổi xã hội loài người trong suốt quá trình này”, Larson cho biết.

“Việc quản lý và thuần hóa gà rừng đã giúp mở rộng sinh kế cho con người một cách bền vững theo thời gian”, Peters nói. “Người ta có thể dễ dàng vận chuyển các đàn gà thông qua những chuyến đi biển để làm thực phẩm dự phòng hoặc nuôi gà ở những vùng đất mới chiếm đóng”.

Theo Live Science, PNAS