Mô hình canh tân giáo dục 1945 – 1946 thể hiện một tầm nhìn xa rộng mang giá trị nhân văn và vẫn còn không ít luận điểm khả thủ trong tình hình công cuộc cải cách căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay.

Trong số báo Khoa học và Phát triển 1203, ra vào đầu tháng 9/2022, căn cứ pho tư liệu gốc về giáo dục do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh công bố [1], chúng tôi đã giới thiệu với bạn đọc những nét cơ bản của Dự án chương trình cải cách giáo dục 1945 – 46 vốn nhằm cải cách triệt để nền giáo dục trước Cách mạng tháng Tám. Có vẻ như công cuộc canh tân này đã bị lãng quên (?) bởi vì cuộc cải cách giáo dục năm 1950 được tuyên bố là “lần thứ nhất”!

Tìm hiểu sâu hơn trên cơ sở pho tư liệu lịch sử ấy, chúng tôi nhận thấy mô hình canh tân giáo dục 1945 – 1946 vẫn còn không ít luận điểm khả thủ trong tình hình công cuộc cải cách căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện hành vẫn đang dò tìm giải pháp, và có lẽ chưa thoát khỏi căn bệnh ý chí luận mà Đại hội Đổi mới năm 1986 đã phê phán.

Về triết lý giáo dục “tôn trọng nhân phẩm, rèn óc tự cường, phát triển tài năng cá nhân đến tột bực để phụng sự đoàn thể’, chúng tôi đã đề cập trong bài trước. Ở bài này, có thể bổ sung nhận định của tác giả Cao Tự Thanh: ông dẫn ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn học chính Vũ Đình Hòe trong bản tường trình về “Nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục mới”[2], cho rằng: “Trách nhiệm của nhà trường không phải là nhồi sọ trẻ em bằng những thành kiến của mình…”, mà “là dự bị cho đứa trẻ có những tập quan suy luận, những óc phê phán và sưu tầm… Những yếu chỉ đại chúng hóa, khoa học hóa không phải là những sự nhồi sọ theo một thiên kiến lý tưởng, mà chính là những sự dự bị đầy đủ và chắc chắn cho trẻ con tự ý chọn lựa cái cao vọng của mình mà không lầm đường…”

Ông Thanh nhận định xác đáng: “Đặt vào hoàn cảnh 1945 – 1946, quan điểm giáo dục phải vì tự do trong tư tưởng và độc lập về nhân cách của con người như vậy là một cách nhìn lãng mạn, nhưng thể hiện một tầm nhìn xa rộng mang giá trị nhân văn” [3].

Để hiện thực hóa quan điểm “lãng mạn” ấy, ba chục nhà giáo dục uy tín tập hợp trong Hội đồng Cố vấn học chính, căn cứ hàng trăm văn bản vừa công bố lại, quả đã “ráo riết” (Cao Tự Thanh) vừa thiết kế vừa thi công một hệ thống các bậc học mới, vừa khoa học vừa rất thiết thực. “Báo cáo về hoạt động của Chính phủ” [4], do Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe được ủy nhiệm đọc tại phiên họp ngày 30/10/1946 kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I, trình bày vắn tắt mà rất sáng rõ hệ thống đó. Văn bản quan trọng này, có lẽ do tác giả họ Cao chưa tiếp cận được, nên chưa thấy công bố lại trong công trình phong phú của ông. Vì vậy chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn phần tổ chức các bậc học trong Báo cáo.

“Nền giáo dục ấy được phân phát sau cuộc giáo dục ấu trĩ, như trong Sắc lệnh 146 đã định, trong ba cấp học, là:

- Đệ nhất cấp tức là bậc học cơ bản

- Đệ nhị cấp có hai ngành: ngành học tổng quát (thuật ngữ ngày nay: trung học phổ thông - VTK) và ngành học chuyên môn (thuật ngữ ngày nay – trung học chuyên nghiệp)

- Đệ tam cấp: bậc đại học”.

Phần về giáo dục phổ thông trong Báo cáo thì được trình bày như sau:

“Bậc học cơ bản dạy những điều thường thức cần thiết và luyện tập những tập quán tốt cho trẻ em từ bẩy tuổi. Hạn học là 4 năm. Học sinh học hết năm thứ tư sẽ thi lấy bằng giáo dục cơ bản. Bậc học cơ bản sẽ là bậc học cưỡng bách bắt đầu từ năm 1950.

Sau bậc học cơ bản có lớp dự bị hạn học một năm, mục đích ngoài sự dạy cho học sinh một cái học phổ thông đại cương còn chú trọng đến khuynh hướng và khả năng trí tuệ của chúng để chọn lựa và đưa chúng vào ngành học tổng quát để lên bậc đại học, hoặc sang ngành học chuyên môn (chuyên nghiệp và thực nghiệp) để thành những người thợ khéo, những nhà buôn giỏi, những nhà nông lành nghề, những nhà kỹ sư vừa giỏi về lý thuyết vừa thạo về thực hành. Nhưng một năm hướng dẫn không thể coi là đủ để biết rõ khuynh hướng và khả năng của học sinh được, nên phải tiếp tục ở mấy năm sau trong những lớp phổ thông và thực nghiệp, sẽ có thể sửa chữa những sự lầm lẫn, đưa trẻ ra khỏi con đường đã chọn sai để đặt chúng vào con đường thích hợp với khả năng của chúng.

Sau năm dự bị học sinh sẽ vào ngành học tổng quát hay ngành học chuyên môn. Ngành học tổng quát gồm hai bậc:

1) Bậc phổ thông hạn học 4 năm, dạy theo một chương trình phổ thông;

2) Bậc chuyên khoa hạn học 3 năm, chia làm ba ban: toán-lý-hóa, vạn vật và văn khoa. Học sinh học hết năm thứ ba sẽ thi lấy bằng học thuật tổng quát (như ngày nay: tốt nghiệp phổ thông trung học) để vào các ban đại học hay các trường cao đẳng chuyên môn

Ngành học chuyên môn gồm hai bậc:

1) Bậc thực nghiệp dành cho học sinh sau một năm hướng dẫn tuyển trạch tỏ ra có năng khiếu và khuynh hướng về thực nghiệp, để luyện chúng thành những nông gia, thương gia và công gia lành nghề. Có nhiều ban dạy từng nghề, và hạn học từ 1 đến 3 năm tùy từng ban. Học sinh tốt nghiệp vào ưu hạng ở bậc thực nghiệp có thể xin vào các trường chuyên nghiệp.

2) Bậc chuyên nghiệp dành cho những học sinh đã theo lớp dự bị chuyên nghiệp, chia ra làm nhiều ban và mục đích huấn luyện các cán bộ thực tiễn về lý thuyết và thực hành để giúp việc kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, xã hội. Hạn học ít nhất 3 năm và bằng tốt nghiệp là bằng kỹ sư.

Bậc đại học gồm các ban văn khoa, khoa học, pháp lý theo chế độ từng môn, và những trường cao đẳng chuyên môn, học theo chương trình nhất định và niên hạn nhất định, ít nhất là 3 năm.

Muốn cho nền giáo dục mới phổ cập đến toàn thể dân chúng để đúng với nguyên tắc dân chủ, không những rồi đây chỉ thi hành luật cưỡng bách giáo dục cho bậc học cơ bản từ năm 1950, mà Bộ Quốc gia giáo dục lại xin phép áp dụng những phương sách sau này nữa:

1) Ở tất cả các bậc học, học sinh không phải trả học phí.

2) Trong các kỳ thi tốt nghiệp, học sinh không phải nộp một phí khoản nào”.

(Tất cả những dòng in nghiêng là chúng tôi nhấn mạnh - VTK)

Sơ đồ cụ thể hóa hệ thống giáo dục mới cũng không có trong pho tư liệu của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, chúng tôi phát hiện còn lưu trữ trong hồ sơ riêng của GS Vũ Đình Hòe. Cụ Hòe cho biết nguyên bản của Sơ đồ này do Thạc sĩ Toán học Hồ Hữu Tường, thành viên Hội đồng Cố vấn học chính vẽ thủ công bằng bút sắt và thước kẻ trên tờ giấy nến.

Sơ đồ cụ thể hóa hệ thống giáo dục mới do ThS Toán học Hồ Hữu Tường kẻ và viết bằng tay năm 1946. Nguồn: Tư liệu gia đình ông Vũ Thế Khôi.

Qua sơ đồ phân bậc và phân ban giáo dục, có thể thấy nó đón đầu những luận điểm khoa học giáo dục ngày nay: học là hành; học xuất phát từ chính nhu cầu, năng lực và điều kiện cá nhân của người học; liên thông và liên tục giữa học và làm.

Trong một tham luận viết năm 2003 [5], cụ Vũ Đình Hòe có nhắc lại hai chi tiết nhận xét của Hồ Chủ tịch, sau khi Người nghe các vị đại diện Hội đồng Cố vấn học chính Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Nguỵ Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường trình bày bản Dự án chương trình cải cách giáo dục (dài 15 trang!) [6], cũng trong khuôn khổ buổi trình bày “Nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục mới”.

Trước hết, về tổng thể, Hồ Chủ tịch chú ý ngay việc Hội đồng thay từ “Đại chúng” thành “Dân chủ” và đảo ngược trật tự 3 nguyên tắc, nhưng thấy là hợp lý: “Tốt! Căn bản khớp với 3 phương châm Dân tộc - Khoa học - Đại chúng của Đề cương văn hóa. Các ông có đảo ngược trật tự một chút, thành: Dân chủ - Dân tộc - Khoa học. Cũng phải thôi. Vì Bộ Giáo dục là cơ quan quản lý thì phải lo chủ yếu việc tổ chức các hệ thống và các cấp của nền học mới… Nguyên tắc Dân chủ đòi hỏi phải thống nhất các cấp, các ngành học thành một hệ thống chung cho toàn quốc dân không phân biệt giầu nghèo… Làm sao cho việc lựa chọn học sinh được tốt, hướng dẫn được chúng vào các cấp học, các ngành học phù hợp với năng khiếu, với sức học và với khả năng phục vụ của chúng”.

Về phân bậc học, Hồ Chủ tịch phát hiện ngay việc tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận môi trường lao động nghề nghiệp sớm. Người nói: “Tôi đồng ý ngay ở lớp cuối “sơ học” (bây giờ ta gọi là tiểu học - VĐH), ta đã phải thực hiện việc hướng học sinh hoặc theo ngành thực nghiệp hoặc theo ngành học phổ thông. Dân ta, hoàn cảnh xã hội ta đòi hỏi như vậy. Rồi ngành học phổ thông cũng phải sớm đi vào cấp phổ thông chuyên ban, để cuối cùng hướng học sinh vào các ngành đại học chuyên khoa hoặc các ngành chuyên nghiệp, tức là dạy nghề ở cấp cao, có kỹ thuật hiện đại”. Hồ Chủ tịch kiên trì quan điểm này cho đến tận cuối đời.

Một trang bản thảo bài “Học sinh và lao động” do Hồ Chủ tịch viết vào năm 1957. Nguồn: Ảnh chụp từ sách "Bác Hồ với giáo dục"
Một trang bản thảo bài “Học sinh và lao động” do Hồ Chủ tịch viết vào năm 1957. Nguồn: Ảnh chụp từ sách "Bác Hồ với giáo dục"

Năm 1957, Hồ Chủ tịch viết bài “Học sinh và lao động” [7], rất lạ là không tìm thấy trong Hồ Chí Minh toàn tập, trong đó có đoạn: “Thi đỗ tiểu học rồi thì muốn lên trung học; đỗ trung học rồi, thì muốn lên đại học - riêng về mỗi cá nhân của người học sinh thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng chung đối với nhà nước thì ý muốn ấy thành vô lý…” Và Người đặt nhiệm vụ cho ngành giáo dục: “phải chuẩn bị tư tưởng cho học sinh sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoặc công việc xây dựng khác.”

Khi nói về cấp học cuối cùng: “phải hướng học sinh vào các ngành đại học chuyên khoa hoặc các ngành chuyên nghiệp, tức là dạy nghề ở cấp cao, có kỹ thuật hiện đại”, rõ ràng Hồ Chủ tịch ủng hộ loại hình đại học đào tạo kỹ sư thực hành. Quan điểm tương tự cũng được thể hiện rất rõ trong bản sơ đồ canh tân giáo dục của Hội đồng Cố vấn học chính năm 1946: ở cấp học cuối cùng, căn cứ nhu cầu thực tế của xã hội và năng lực cá nhân cũng phải phân thành các đại học đào tạo “cán bộ thực hành” và các học viện nghiên cứu đào tạo “bằng sư phạm” (tức giảng viên) và “cán bộ chỉ huy” (tức quản lý). Chính là kiên trì phương châm chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, ông Bộ trưởng giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khuyến khích mô hình Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức (từ năm 1984 là Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) như một hình mẫu đại học trong hệ thống đại học nước nhà và dành học bổng cho riêng sinh viên nghèo học giỏi của trường này.


[1] Cao Tự Thanh: Tư liệu về giáo dục Việt Nam. Từ tháng 9.1945 đến tháng 12.1946. – NXB Khoa học Xã hội-2022.

[2] Cụ Vũ Đình Hòe đọc bản tường trình trước phiên họp Hội đồng Cố vấn học chính từ ngày 6 đến 14/12/1946. Bản tường trình này được đánh số tài liệu 146 trong Cao Tự Thanh – sđd.

[3] Cao Tự Thanh, sđd, tr.39 – 40.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

[5] Tham luận này được viết cho Hội thảo khoa học - thực tiễn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 8/10/2003.

[6] Tài liệu 146, Cao Tự Thanh – sđd

[7] Bác Hồ với giáo dục. - Bảo tàng Hồ Chí Minh & NXB Giáo dục - 2008, tr. 161.