Nằm cách thủ phủ Đài Bắc của Đài Loan chỉ khoảng 40 phút đi tàu điện, khi vừa xuống bên ngoài nhà ga Hầu Động (Houtong Cat Village), du khách sẽ bắt gặp cơ man là mèo, ở khắp mọi nơi – từ băng ghế, trên đường cho đến cành cây.

Hầu Động (猴硐) mang nghĩa là “hang khỉ” bởi nơi đây đã từng nổi tiếng với một hang động có rất nhiều khỉ. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với loài linh trưởng này khiến chúng bỏ đi hoặc ít xuất hiện, nhưng trong thập niên 1920 (thời kỳ cai trị của Đế quốc Nhật Bản), một mỏ than [đá] với trữ lượng đáng kể được phát hiện, biến thị trấn nhỏ trở thành một nguồn cung cấp quặng lớn nhất để phục vụ cho tham vọng của Đế chế đang bị quân phiệt hóa. Chẳng mấy chốc, khoảng 900 hộ dân đã kéo tới sinh sống ở Hầu Động, đưa dân số nơi đây đạt đỉnh cao 6000 người và duy trì sự ổn định đó đến tận 50 năm sau.

Sang thập niên 1970, trữ lượng than cạn kiệt dần và ngành khai thác cũng không còn đóng vai trò quan trọng như trước, dẫn tới việc khu mỏ hoàn toàn bị đóng cửa kể từ đầu những năm 1990, khiến cư dân Hầu Động, nhất là những người trẻ tuổi có xu hướng chuyển đến các thành phố lớn như Đài Bắc, Tân Trúc, Đào Viên – nơi có công nghiệp, dịch vụ phát triển và nhiều công ăn việc làm hơn – để tìm kiếm cơ hội. Cả thị trấn chỉ còn lại chưa tới 100 người và trông giống với một ngôi làng hoang vắng.

Những chú mèo đi lạc hoặc bị bỏ rơi đã vực dậy cả một thị trấn hoang vắng. Ảnh: Asia Nikkei Review.
Những chú mèo đi lạc hoặc bị bỏ rơi đã vực dậy cả một thị trấn hoang vắng. Ảnh: Asia Nikkei Review.

Chỉ đến khi một người phụ nữ địa phương bắt đầu nhặt nhiều mèo hoang về nuôi, vận mệnh “ảm đạm” của Hầu Động mới bắt đầu rẽ sang một ngã khác. Là người đặc biệt yêu thích loài động vật dễ thương, bà này đã quy tụ và tổ chức một nhóm tình nguyện viên chuyên chăm sóc những chú mèo đi lạc hoặc bị chủ bỏ rơi, kể từ năm 2008. Đến nay, theo ước tính, hiện có khoảng hơn 200 con mèo đang lang thang khắp thị trấn – con số thực sự ấn tượng bởi nó vượt quá 2 lần nhân khẩu nơi đây.

Khu vực mỏ than cũ nay đã được quy hoạch lại thành công viên sinh thái (coal-mine ecological park) thu hút du khách. Ảnh: National Geographic.
Khu vực mỏ than cũ nay đã được quy hoạch lại thành công viên sinh thái (coal-mine ecological park) thu hút du khách. Ảnh: National Geographic.

Du khách muốn gì?

Tại Hầu Động, hầu như tất cả mọi thứ đều xoay quanh chủ đề “mèo”, từ những bảng chỉ dẫn, tác phẩm điêu khắc, bích họa, tiệm bánh, shop cafe, cửa hàng lưu niệm hay bất cứ thứ gì mà du khách có thể sẽ thích selfie cùng. Bên cạnh đó là những ngôi nhà được làm riêng cho mèo và trang trí theo phong cách riêng, làm sao khiến chúng cảm thấy thoải mái nhất. Du khách kéo tới đây, đơn giản chỉ là để được nhìn ngắm chúng, trong trạng thái tự nhiên nhất. Ngoài ra, mặc dù được cho ăn đầy đủ, song những cư dân mèo vẫn góp phần làm giảm đáng kể tình trạng chuột hoành hành.

Làng mèo Hầu Động thực sự là một ví dụ minh họa sinh động và bài học có giá trị cho các nước kém phát triển hơn, trong quá trình bảo tồn, quy hoạch và chuyển đổi công năng của các công trình di sản công nghiệp (như từ thời thực dân) sang phục vụ du lịch, gắn với yếu tố phát triển bền vững và nhân văn. Kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, chẳng cần đến những tuyên bố hay chủ trương hào nhoáng về những đầu tàu hay điểm đến du lịch hấp dẫn, kéo theo nhiều biểu hiện lệch lạc hoặc biến tướng trong chính sách đất đai và hoạt động đầu cơ (như đối với Ba Son, Phú Quốc, … ở Việt Nam), mà chỉ cần khéo léo tận dụng những lợi thế đặc trưng sẵn có, bên cạnh công tác giáo dục và nỗ lực huy động sự tham gia cùng sức sáng tạo của cộng đồng (các nhóm tình nguyện, xã hội dân sự …) là đã hoàn toàn có thể mang lại hiệu quả vượt mong đợi với chi phí “rẻ” nhất.

Tính đến tháng 1/2010, Hầu Động mới chỉ thu hút được khoảng 500 du khách, nhưng tin tức về ngôi làng “thú vị” sau đó đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhất là Facebook, và ngày càng nhiều kênh truyền hình nổi tiếng làm những show đặc sắc về nó. Năm 2013, chuyên mục của CNN đã nhắc đến Hầu Động như một trong sáu nơi độc đáo nhất thế giới mà tại đó “mèo vượt qua tất cả các điểm thu hút du khách khác”. Vì thế, sang đến năm 2016, lượng khách đổ về đây đã tăng lên tới 870.000 và thêm 12% nữa vào năm 2017 – tức gần 1 triệu, tạo điều kiện cho nhiều shop đồ lưu niệm và nhà hàng mọc lên tại khu vực gần nhà ga. (Để so sánh, năm 2017, “đảo ngọc” Phú Quốc của Việt Nam thu hút 3 triệu du khách, nhưng phải cần tới sự đầu tư không nhỏ và đánh đổi bằng việc hủy hoại nhiều nét hoang sơ và tự nhiên, tức chi phí cơ hội là rất lớn).

Thách thức

Tất nhiên, sự nổi tiếng quá nhanh này cũng không hẳn là không mang tới vấn đề cho Hầu Động, khi làn sóng du khách (chủ yếu tới từ bên ngoài) ngày càng đông, cùng với vật nuôi (chó, vẹt, …), và nhất là các hành vi của họ, đã gây ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng cư dân mèo. Trong khi các tình nguyện viên và đội ngũ thú y phải tìm mọi cách để đảm bảo cho những chú mèo – tài sản vô giá – sống khỏe mạnh và yên ổn, thì không ít du khách tới và mang theo mầm bệnh (có thể từ thú nuôi của họ) hay thậm chí còn ôm mèo rời khỏi làng.

Bà Chiêm Bích Vân, một phụ nữ địa phương 66 tuổi, người đã chăm sóc nhiều chú mèo trong những năm qua, kể lại vụ việc mất trộm của một cô mèo cái có bộ lông rất đẹp; nhưng ngay cả khi đã đưa được con mèo trở về nhờ đọc được mẩu tin tìm chủ mới trên mạng thì nó vẫn tiếp tục bị bắt lại và không bao giờ được tìm thấy nữa. “Có những kẻ đã không hề suy nghĩ nghiêm túc vì quyết định bắt mèo đi song lại bỏ rơi chúng ngay khi không còn cần đến nữa”, bà Chiêm bực tức.

Một mối lo lắng khác nằm ở tình trạng sức khỏe và nguy cơ bệnh dịch đối với quần thể mèo ở đây. Năm 2014, cả chục con mèo đã chết bởi căn bệnh truyền nhiễm do một cá thể (có thể là người hoặc vật nuôi) từ bên ngoài mang tới. Sau sự việc, trung tâm thông tin du lịch của Hầu Động đã phải phổ biến thông báo rằng bất cứ ai vứt bỏ thú nuôi tại đây sẽ bị phạt 150.000 Đài tệ (tương đương 5.000 USD), tuy nhiên chỉ vậy là chưa đủ để giải quyết vấn đề - một viên chức ngành du lịch TP. Tân Đài Bắc (New Taipei City) nhận định. Ông này nhấn mạnh, để đưa Hầu Động trở thành hình mẫu lý tưởng, giáo dục con người biết yêu thương và tôn trọng động vật thì cộng đồng còn rất nhiều việc phải làm.

Hiện tại, nhà chức trách địa phương và các nhóm tình nguyện viên đang thực hiện một số biện pháp như triệt sản để duy trì quần thể mèo ổn định, bên cạnh hoạt động kiểm soát chặt chẽ những cá thể đi lạc và gia nhập quần thể thông qua tiêm phòng, gắn chip định vị chế độ chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, nhiều biển báo với hướng dẫn chi tiết cũng được dựng lên để chỉ cho du khách cách tương tác và cư xử phù hợp trước các cư dân bốn chân. Chẳng hạn, đừng động vào mèo trừ khi chúng chủ động thân thiện với bạn, cũng như không được quấy rối hay xua đuổi chúng … Chưa hết, du khách không hoàn toàn bị cấm cho mèo ăn, nhưng cần tự dọn dẹp ngay sau đó và cũng không được khuyến khích chụp hình bằng đèn flash vì sợ làm kinh động đến những chú mèo (ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở, hoặc thậm chí phạt tiền).

Theo National Geographic, Asia Nikkei Review