Dựa vào các nghiên cứu trước đây về chim biển, các nhà khoa học cho rằng bướm vua - loài bướm duy nhất di cư hai chiều - có cánh đen sẽ bay tốt nhất. Song nghiên cứu mới cho thấy điều ngược lại.

Trong 400 đôi cánh bướm vua được chụp ảnh và nghiên cứu, những đôi có nhiều đốm trắng nhất thuộc về những con bướm di cư thành công nhất, bay đến tận Mexico.

Chuyến di cư của bướm vua là một trong những điều kỳ diệu nổi tiếng nhất trong thế giới côn trùng. Trong khi các loài bướm khác thường di cư theo một chiều để tìm thức ăn, bướm vua là loài duy nhất thực hiện chuyến di cư hai chiều bất chấp cái chết, như các loài chim. Vào mùa thu, hàng loạt bướm vua cất cánh bay hơn 3.000km từ Mỹ và Canada, đến nơi trú đông ở Mexico. Sang hè, chúng lại bay về phương bắc để sinh sản.

Các đốm trắng ở rìa cánh bướm vua có thể hữu ích cho việc di cư. Ảnh: Sanka Vidanagama
Các đốm trắng ở rìa cánh bướm vua có thể hữu ích cho việc di cư. Ảnh: Sanka Vidanagama

Trước đây, không ai biết các đốm trắng trên cánh bướm vua có tác dụng gì. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những loài bướm khác không di cư có đốm trắng nhỏ hơn. Còn các thế hệ bướm vua sống ngắn ngày hơn, không di cư (vì sinh vào mùa hè, không sống sót đến thời điểm di cư vào mùa thu) cũng có đốm trắng nhỏ hơn.

Giả thuyết cho rằng sự chênh lệch về nhiệt độ giữa phần cánh tối màu ấm hơn và phần cánh sáng màu mát hơn có thể tạo ra các túi khí xoáy tí hon quanh đốm trắng. Những xoáy khí này tác động lên luồng khí dọc cánh bướm, làm giảm lực cản. Có thể các đốm trắng sẽ to hơn và nhiều hơn khi bướm vua tiến hóa thành loài di cư với quãng đường dài hơn.

Nhìn chung, sự khác biệt về kích cỡ giữa các đốm không lớn. Những con bướm vua bay tới được tận Mexico có đốm trắng chỉ lớn hơn 3% so với những con ở lại Mỹ. Mắt thường không thể nhận ra sự khác biệt, mà chỉ có những phần mềm phân tích hình ảnh mới có thể phát hiện ra sự khác biệt tinh tế này. Song, những khác biệt rất nhỏ lại có hệ quả không hề nhỏ, vì đó là sự khác nhau giữa sống và chết trong mùa di cư.

Các nghiên cứu khí động lực sẽ cần được tiến hành để khẳng định mối liên hệ này. Nhóm nghiên cứu hi vọng có thể tạo nên các cánh bướm vua nhân tạo trong buồng thử nghiệm giống đường hầm gió.Ngoài ra, các nghiên cứu tiếp theo có thể loại bỏ những cách giải thích khác như chức năng tự vệ chống loài săn mồi hay do bị ánh nắng làm mất màu trong quá trình di cư.

Nếu giả thuyết trên là đúng thì nó có thể mang lại một số bài học cho các kĩ sư. Việc áp dụng đốm trắng của bướm vua lên drone sẽ làm tăng hiệu quả của những thiết bị này. Chúng có thể chở được nhiều hàng hơn vì đốm màu giúp tăng lực nâng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One.

Nguồn: