Động vật “thực dụng” hơn con người
Theo các nhà khoa học tại Đại học California, Santa Barbara, Mỹ, hầu hết các loài động vật không đủ khả năng hao phí năng lượng vào hoạt động giao phối không vì mục đích sản sinh.
Có vẻ như hoạt động tình dục chẳng đem lại ích lợi nào về sinh học nếu không giúp truyền lại nguồn gene. Vì thế, ở thời điểm dễ thụ thai, giống cái sẽ phát ra tín hiệu như sự thay đổi vẻ ngoài, tỏa mùi đặc biệt, có âm thanh hay hành vi báo hiệu mình đã sẵn sàng… Nếu không ở giai đoạn dễ thụ thai, hầu hết con cái sẽ đẩy con đực ra hoặc phớt lờ chúng.
Tuy nhiên theo tờ UCSB Science Line, có đôi chút khác biệt ở loài tinh tinh lùn (vượn bonobo) và cá heo - những động vật có trí khôn xã hội, biết hợp tác hành động để có khả năng thành công cao hơn. Ngoài chức năng sinh sản, chúng còn sử dụng sex để phục vụ chức năng xã hội bổ sung.
Nghĩa là bằng cách đó, con cái có thể giữ con đực ở quanh mình và lôi kéo nó vào việc chăm sóc thế hệ sau. Ở các loài này, sex củng cố sự gắn kết xã hội riêng tư, từ đó định hình cấu trúc xã hội rộng lớn hơn, chẳng hạn lập nhóm săn mồi, chống lại những kẻ xâm phạm…
Loài người có điều kiện tiêu hao năng lượng cho tình dục ngoài mục đích sinh sản.
Ảnh: Beingindian
Tuy vậy, các nhà khoa học tại Đại học California khẳng định, tất cả điều đó nằm trong bản năng động vật chứ không phải là kết quả của sự tính toán. Chúng không ý thức rằng hoạt động tình dục của mình gắn liền với việc sinh sản. Chúng giao phối do thôi thúc sinh học và nếu việc tuân theo thôi thúc đó tạo ra cảm giác thể chất mà ta gọi là “lạc thú” thì nó cũng không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Loài vật cũng có khoái cực
Trên trang Livescience, nhà sinh học Mark Bekoff - thuộc Đại học Colorado (Mỹ) - cho rằng có thể có sự tương đồng giữa người và động vật về lạc thú tình dục, vì nó là một trải nghiệm trong bộ não. Dù khó đo lường trực tiếp nhưng bằng cách quan sát biểu cảm gương mặt, động thái cơ thể và sự thả lỏng cơ bắp của chúng, có thể kết luận các loài động vật cũng đạt tới khoái cực.
Vậy tại sao những con chó sói phải “kiêng khem” vào một mùa nào đó trong năm? “Không phải vì chúng không thích giao phối, mà chỉ vì chúng phải bảo vệ lợi ích bản thân” - Bekoff nói. Trong thế giới hoang dã, việc giao phối khiến con vật dễ bị tấn công, bởi sói đực sẽ bị “khóa” vào cơ thể sói cái tới nửa giờ khi giao phối. Ngoài ra, nếu chúng “mây mưa” trong mùa hè thì khả năng sinh sói con vào mùa đông chết chóc sẽ rất lớn.
Trong một bài viết trên trang The Conversation năm 2015, tiến sỹ Jamie Lawson - bộ môn Nhân học, Đại học Durham, Anh - cho rằng, ở một chừng mực nào đó, câu hỏi liệu trải nghiệm sex có khác nhau không giữa con người và các động vật khác dễ dàng bị bác bỏ: “Làm sao chúng ta biết được? Chúng ta không biết cách các loài vật trải nghiệm bất cứ điều gì, bởi chúng chẳng nói được. Sex ở loài vật đơn giản là điều chúng ta không thể tiếp cận. Khoa học có nhiệm vụ đưa ra các giả thuyết và kiểm chứng chúng”.
“Chúng ta có thể đã võ đoán về việc liệu tình dục có phải là thú vui với các loài khác hay không. Thật lạ khi chúng phải tìm đến sex nếu điều đó chẳng mang lại chút vui vẻ nào trong khi lại làm hao tổn năng lượng, tăng nguy cơ mắc bệnh và khả năng bị các con vật khác tấn công. Người ta thường lấy lý do duy trì nòi giống để giải thích cho hoạt động giao phối ở động vật. Tuy nhiên, nếu động vật có bản năng sinh sản thì bản năng ấy cũng cần có một chất kích hoạt nào đó - chẳng hạn như niềm vui làm “chuyện ấy”. Các loài tự nó thấy sex là trải nghiệm vui thú là giả thuyết khá hợp lý, giống như chúng thấy ăn uống là một niềm vui” - TS Jamie Lawson nói.
Theo ông, sex ở loài vật không chỉ vì mục đích sinh sản. Thực tế, tình dục có thể phục vụ tốt một số chức năng khác: Làm tăng sự gắn bó tình cảm giữa hai bên, củng cố một hệ thống phân cấp thống trị như trong trường hợp của vượn bonobo. Các chức năng này có thể cực kỳ quan trọng - đặc biệt trong xã hội loài vật và sẽ chỉ thực hiện được nếu sex tự nó là một nguồn vui.
Lawson cho rằng không thiếu ví dụ về loài vật sex không vì sinh sản. Giống cái của nhiều loài vẫn giao phối ngoài thời kỳ dễ thụ thai của nó, như khỉ đuôi sóc chẳng hạn. Và hành vi tình dục đồng giới - điều chắc chắn không liên quan tới sinh sản - cũng xảy ra ở tất cả các loài có xương sống và cả một số loài không có xương sống (như rệp, ruồi giấm). Các bằng chứng này cho thấy nhiều loài động vật cũng trải nghiệm niềm vui tình dục như con người.