Sự thích nghi trong quá trình tiến hóa đã khiến con người dễ lâm vào tình trạng lười vận động nhờ hình thành cơ chế tiết kiệm tiêu hao năng lượng. Nhưng trong xã hội hiện đại, điều này khiến chúng ta phải đối mặt với một loạt nguy cơ bệnh tật.

Cơ thể người có sẵn tính lười biếng

Giáo sư (GS) Daniel Lieberman - nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Harvard (Mỹ) - cho biết, cơ chế sinh học của con người khiến chúng ta dễ mắc “bệnh” lười vận động.

Tất cả động vật đều được điều chỉnh để thích nghi với nhu cầu tìm thức ăn, nơi trú ẩn, sinh sản và tránh kẻ săn mồi. Từ quan điểm tiến hóa, loài người cũng không khác. Cấu trúc xương và cơ bắp được tối ưu hóa giúp con người có thể vận động với độ bền ở khoảng cách xa cũng như có thể cầm, ném các vật.

Con người có cơ chế tiết kiệm năng lượng để không phải vận động nhiều. Ảnh minh họa: Achieveclinical

“Nhưng cơ thể con người có thể hoán đổi giữa trạng thái vận động và không vận động để hạn chế tiêu thụ calo” - GS Daniel Lieberman nói trên tạp chí Harvardmagazine.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, sự lười biếng của con người được kế thừa từ đời sống săn bắn xa xưa. Khi đó, họ thường tiêu tốn năng lượng vào các hoạt động vật lý như đi săn, tìm thức ăn hoang dã và nơi trú ẩn. Khi nguồn thức ăn khan khiếm, con người có thể nghỉ ngơi, tiết kiệm năng lượng để tồn tại.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology tiết lộ, cơ thể người có thể chọn mức tiêu tốn calo cho các hoạt động. Như với đi bộ, hệ thần kinh có thể liên tục tùy chọn các chỉ số vận động, từ tốc độ tới độ dài bước chân trong thời gian thực để ít tốn năng lượng nhất có thể. “Có rất nhiều sự thích nghi tiến hóa của con người về mặt sinh học để tiết kiệm năng lượng” - GS Lieberman nói.



Chiến thắng “tính xấu” của cơ thể

Cơ chế tiết kiệm năng lượng của cơ thể giúp con người thích nghi với hoàn cảnh khan hiếm thức ăn, hoặc điều chỉnh năng lượng để tham gia các trận đấu thể thao.

Nhưng trong môi trường hiện đại, khi con người dễ dàng nạp calo, cơ chế được hình thành trong quá trình tiến hóa đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh do ít vận động. Con người hiện đại phải chật vật đấu tranh với rất nhiều căn bệnh phát sinh từ chính cơ chế tiết kiệm năng lượng “quá mức” như béo phì, bệnh tim mạch và loãng xương.

“Sự vắng mặt của các kích thích vận động có thể dẫn đến loãng xương. Với hệ tuần hoàn, vận động sẽ kích thích mở rộng lưu thông ngoại vi, cải thiện khả năng bơm máu của tim và tính đàn hồi của động mạch. Nếu không có thể dục, động mạch cứng lại, tim bơm máu ít hơn và sự trao đổi chất chậm lại” – GS Lieberman nói.

Tuy nhiên, biến việc tập thể dục thành thói quen lại không dễ dàng đối với nhiều người. Trong xã hội nguyên thủy, con người buộc phải đi xa cả chục dặm mỗi ngày để tìm kiếm thức ăn; nhưng sự vận động lúc đó là bắt buộc, vì nếu không đi đồng nghĩa với việc phải nhịn đói.

Muốn tăng cường hiệu quả tập thể dục trong xã hội ngày nay, các chuyên gia khuyên nên theo hai hướng. Thứ nhất, cần có các dụng cụ, thiết bị tăng cường hứng khởi cho vận động trong môi trường làm việc, học hành và các môi trường khác. Thứ hai, cần cấu trúc lại các môi trường sinh sống và làm việc của con người để yêu cầu sự vận động vật lý nhiều hơn.

“Bởi vì con người đã tiến hóa để có thể chủ động chơi hay vận động khi cần thiết, nên những nỗ lực thúc đẩy tập thể dục sẽ đòi hỏi sự thay đổi môi trường theo cách bắt buộc phải di chuyển hoặc hoạt động và làm cho các bài tập trở nên thú vị hơn” - GS Lieberman khuyến cáo trên tạp chí Current Sports Medicine.

Theo ông, sự phát triển không gian thể thao công cộng cũng cần được khuyến khích ở các quốc gia nhằm giúp cho nhiều người được vui chơi hơn và cũng tiết kiệm cho ngân sách hơn.

“Chúng tôi chi ít hơn 5% ngân sách chăm sóc sức khỏe của cả nước Mỹ cho phòng ngừa, trong khi phải tiêu tốn hơn 70% ngân sách cho việc điều trị bệnh tật” - ông Lieberman nói.

Béo phì tăng nhanh, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ năm 1980 đến 2014, số người béo phì trên toàn cầu tăng từ 108 triệu người lên 422 triệu, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành tăng từ 4,7% lên 8,5%. Vào năm 2012, có khoảng 1,5 triệu ca tử vong có nguyên nhân trực tiếp từ béo phì.

Theo báo cáo thống kê quốc gia Mỹ, năm 2010 nước này có hơn 69.000 người chết vì bệnh này, đứng thứ bảy trong các nguyên nhân gây tử vong. Năm 2012, Mỹ tiêu tốn 245 tỷ USD chữa trị các rối loạn béo phì, 176 tỷ USD cho các chi phí y tế trực tiếp liên quan đến bệnh này. Tình trạng giảm năng suất lao động do béo phì cũng gây thiệt hại 69 tỷ USD.