Theo một nghiên cứu vừa được Trạm khoa học Karadag công bố trên tạp chí Đại học Bách khoa St. Petersburg (Nga), những tiếng động mà cá heo sử dụng là một chuỗi phức tạp các từ và câu thuộc ngôn ngữ đặc biệt, cho phép chúng truyền tải thông tin cho nhau.
Cá heo được cho là biết trò chuyện giống con người. Ảnh: Bustle
Các nhà khoa học đã “lắng nghe” hai chú cá heo biển Đen có tên là Yasha và Yana nói chuyện với nhau. Họ nhận thấy chúng có hành vi tạm dừng để nghe “bạn” nói và sau đó trả lời. Chúng thay nhau sản xuất cái mà các nhà khoa học coi là từ và cụm từ, không ngắt lời nhau.
Dựa trên quan sát này, họ tin rằng mỗi con cá heo nghe các xung tín hiệu của nhau trước khi nói. Hành vi này không quá khác biệt với cách con người trò chuyện. Nó cũng chỉ ra rằng cá heo có ngôn ngữ riêng, được sử dụng để duy trì mối quan hệ với các cá nhân khác trong loài và phối hợp hoạt động.
“Chúng tôi đo các xung mà cá heo phát ra rồi phân tích. Kết quả thu được từ nghiên cứu này cho thấy sự tồn tại của một ngôn ngữ nói phát triển cao tương tự như loài cá voi có răng (Odontoceti - dựa trên sự giống nhau của tín hiệu và hình thái âm thanh của chúng” - báo cáo cho biết.
Vậy sự khác biệt cơ bản giữa cuộc trò chuyện của con người và sự trao đổi thông tin ở cá heo là gì? Theo Vyacheslav Ryabov - thành viên nhóm nghiên cứu, đó là đặc tính của các tín hiệu âm thanh của ngôn ngữ.
Các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này là điều cần thiết nhưng việc phát hiện ngôn ngữ nói của loài cá heo có thể mở đường cho khả năng tạo ra một phương tiện cho phép con người nói chuyện với các loài khác, phá vỡ rào cản giữa người và động vật.
Ngọc Hiển (Theo Sciencedirect)