Các nhà nghiên cứu giải trình tự hàng chục bộ gen cổ đại từ khu vực "mái nhà của thế giới" để tìm hiểu nguồn gốc của những người đầu tiên định cư ở đây và cách họ thích nghi với cuộc sống trên cao.

Cao nguyên Tây Tạng, rộng 2,5 triệu km2, kéo dài từ rìa phía bắc của dãy Himalaya, là một vùng cao, khô và lạnh. Bất chấp môi trường khắc nghiệt, con người đã có mặt ở đây từ thời tiền sử. Các nghiên cứu trước kia chỉ ra người Denisova sống ở rìa phía đông bắc của Cao nguyên Tây Tạng từ 160.000 năm trước. Ngoài ra còn có các công cụ bằng đá được làm cách đây 30.000–40.000 năm, cho thấy sự hiện diện sớm của con người trong khu vực.

Tuy nhiên mốc thời gian con người bắt đầu sinh sống trên Cao nguyên Tây Tạng, và họ đến từ đâu, vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Để tìm lời giải, nhóm nghiên cứu của Qiaomei Fu, nhà di truyền học tiến hóa tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã giải trình tự bộ gen của 89 hài cốt có niên đại 5.100–100 năm trước, được khai quật từ 29 địa điểm khảo cổ. Kết quả của nghiên cứu này xác nhận rằng con người đã sinh sống ở Cao nguyên Tây Tạng gần 5.000 năm, trước thời điểm bắt đầu có các ghi chép lịch sử cách đây khoảng 2.500 năm.

Nghiên cứu cũng tiết lộ những người Tây Tạng đầu tiên từ đâu đến.

Người Tây Tạng hiện đại là hậu duệ của những người đã sống trên Cao nguyên Tây Tạng từ khoảng 5.000 năm trước.

Phân tích bộ gen cho thấy những cư dân cổ đại của Cao nguyên Tây Tạng có mối liên hệ di truyền mạnh mẽ với các nhóm dân tộc Sherpa và Qiang sống trên hoặc gần cao nguyên này ngày nay. So sánh các bộ gen lâu đời nhất với người cổ đại và người sống trên khắp châu Á cho thấy tổ tiên của người Tây Tạng hiện đại đã đến cao nguyên từ phía đông.

“Họ chắc chắn là người Đông Á, và họ là người phía bắc Đông Á", Fu nói.

Những người nhập cư từ vùng đất thấp Đông Á đã đến Cao nguyên Tây Tạng ít nhất 2 lần, vào thời điểm cách đây ít nhất 4.700 năm và 700 năm trước.

Kết quả giải trình tự bộ gen cũng tiết lộ cách những người đến định cư ở Tây Tạng thích nghi với môi trường. Nhiều cư dân ngày nay của Cao nguyên Tây Tạng có một biến thể gen EPAS1 cho phép họ thích nghi với môi trường ít oxy. Biến thể này được cho là có nguồn gốc từ người Denisova.

Nhóm Fu cũng nhận thấy càng gần thời hiện đại, mức độ phổ biến của biến thể EPAS1 càng tăng. Chỉ hơn một phần ba số bộ gen có niên đại cách đây hơn 2.500 năm có biến thể EPAS1, trong khi đó gần 60% bộ gen có niên đại từ 1.600 đến 700 năm có biến thể này. Và ngày nay, biến thể EPAS1 xuất hiện ở 86% dân số Tây Tạng.

Vẫn chưa rõ biến thể EPAS1 thích nghi với độ cao xuất hiện lần đầu khi nào. Fu muốn trả lời câu hỏi này bằng cách giải trình tự bộ gen của những hài cốt lâu đời hơn, nếu chúng được phát hiện.

Nguồn: