Các nhà khảo cổ học phỏng đoán rằng đây có thể là nơi tiến hành các nghi thức tế lễ, cầu mưa, trong bối cảnh vùng đất Ả-rập ngày càng khô hạn.

f
Một mustatil nhìn từ trên cao. Ảnh: AAKSA / The Royal Commission for AlUla

Trong 5 năm qua, các nhà khảo cổ học đã xác định được hơn 1.600 công trình kiến trúc bằng đá đồ sộ nằm rải rác trên một vùng lãnh thổ rộng lớn (hơn cả nước Ý) ở Ả-rập Xê-út. Cho đến nay, mục đích tồn tại của những kiến trúc bằng đá cổ xưa, có niên đại hơn 7.000 năm này, vẫn là một bí ẩn.

Các cuộc khai quật và khảo sát mới đây của TS. Melissa Kennedy, TS. Hugh Thomas (ngành Khảo cổ học, Đại học Sydney) và các đồng nghiệp cho thấy đây rất có thể là những công trình nghi lễ, do những người chăn gia súc và thợ săn cổ đại dựng nên. Họ tụ tập ở nơi đây để hiến tế động vật cho một vị thần bí ẩn - có lẽ để cầu cho mưa thuận gió hòa. Nghiên cứu được công bố trên PLOS ONE vào ngày hôm qua (16/3).

Những “hình chữ nhật” trên sa mạc

Những năm 1970, các cuộc khảo sát khảo cổ học đầu tiên ở phía tây bắc Ả-rập Xê-út đã xác định được một kết cấu kiến trúc hình chữ nhật cổ xưa và bí ẩn. Các tường thành sa thạch của công trình dài 95m, và mặc dù được xem là một di chỉ độc nhất vô nhị, chính phủ Ả-rập Xê-út vẫn không triển khai thêm đợt khai quật nào để tìm hiểu sâu hơn về công trình bí ẩn này.

Hành khách đi máy bay có thể thấy những “hình chữ nhật” lớn tương tự rải rác trên khắp Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, mãi đến năm 2018, một “hình chữ nhật” đầu tiên mới được khai quật.

Những công trình này được gọi là mustatil, có nghĩa là hình chữ nhật trong tiếng Ả-rập. TS. Melissa Kennedy, TS. Hugh Thomas đã nghiên cứu chúng trong 5 năm qua như một phần của dự án nghiên cứu khảo cổ học lớn hơn về AlUla - thành phố cổ nằm ở tỉnh Medina, tây bắc Ả-rập Xê-út.

​​Mustatil nhỏ nhất dài khoảng 20m, trong khi mustatil lớn nhất dài hơn 600m. Tất cả các mustatil đều tuân theo một quy chuẩn kết cấu tương tự nhau. Hai đầu công trình được nối với nhau bằng từ hai đến năm bức tường dài, tạo ra bốn sân trong. Để vào mustatil, phải đi xuyên qua một lối vào hẹp. Sau đó, người xưa phải đi bộ rất lâu, có lẽ dưới hình thức một đám rước, đến phần đầu công trình, nơi diễn ra hoạt động nghi lễ chính.

Các nghiên cứu trước đây phỏng đoán các mustatil có niên đại ít nhất 7.000 năm tuổi, vào cuối thời kỳ đồ đá mới.

Tìm thấy sừng gia súc

Trong giai đoạn 2019 - 2020, nhóm của TS. Kennedy đã tiến hành khai quật tại một di chỉ mustatil có số hiệu IDIHA-0008222. Công trình được làm từ đá sa thạch thô, có chiều dài 140m và chiều rộng 20m.

Các cuộc khai quật ở phần đầu của mustatil đã tiết lộ một căn phòng bán ngầm. Trong căn phòng có ba phiến đá lớn, được đặt thẳng đứng. Nhóm khai quật cho rằng những phiến đá này là “betyls” hay những phiến đá thiêng liêng tượng trưng cho các vị thần cổ đại.

Xung quanh những phiến đá là sừng gia súc, dê và linh dương được bảo quản tốt. Họ cũng tìm thấy các phần khác của những con vật này như răng, hộp sọ, cho thấy người xưa đã chọn lọc cụ thể một số lễ vật nhất định.

Phân tích sâu hơn tiết lộ phần lớn những bộ phận được tìm thấy thuộc về gia súc và động vật đực ở độ tuổi từ 2 đến 12. Số động vật bị giết mổ có thể chiếm một phần đáng kể trong tài sản của người dân, cho thấy đây là những lễ vật có giá trị cao.

Hài cốt người

Các bằng chứng khảo cổ tiết lộ các mustatil là nơi tế lễ của người dân trong khoảng thời gian từ 5.300 đến 4.900 trước Công nguyên, thời điểm mà xứ Ả-rập còn xanh tươi và ẩm ướt. Tuy nhiên, vài thế hệ sau đó, những cư dân cổ đại của Ả-rập Xê-út bắt đầu tái sử dụng những công trình này, nhưng để chôn cất các bộ phận cơ thể người.

Tại IDIHA-0008222, một công trình nhỏ được xây dựng bên cạnh mustatil, bên trong là một phần bàn chân, năm đốt sống và một số xương dài.

Vị trí của chúng cho thấy mô mềm của hài cốt vẫn còn khi chúng được chôn cất. Các nhà nhân chủng học pháp y xác định rằng hài cốt có thể thuộc về một người trong độ tuổi từ 30 đến 40.

Các đợt khai quật tại những khu vực khác đã phát hiện các di chỉ tương tự có chứa hài cốt con người. Những hài cốt này được chôn cất như một hình thức đánh dấu quyền sở hữu đất, hay là một phần trong nghi lễ nào đó? Những câu hỏi này hiện vẫn chưa có lời giải đáp.

Hướng đến những khu vực chứa nước

h
Hai mustatil hướng đến khu vực nước đọng sau mưa. Ảnh: AAKSA / The Royal Commission for AlUla

Các mustatil đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về thời kỳ đồ đá mới không chỉ ở Ả-rập mà còn trên khắp Trung Đông. Kích thước to lớn của những công trình này và khối lượng công việc để xây dựng chúng cho thấy đây là thành quả của nhiều người, thậm chí là nhiều cộng đồng.

Hơn nữa, việc chúng phân bố rải rác trên khắp lãnh thổ Ả-rập Xê-út cho thấy sự tồn tại của một niềm tin tôn giáo chung, gắn kết con người trên một khoảng cách địa lý rộng lớn. Hiện tại, có khoảng 10 mustatil đã được khai quật, vì vậy “những phát hiện của chúng tôi vẫn còn ở mức sơ khởi", nhóm nghiên cứu cho biết.

Một câu hỏi quan trọng cần được giải đáp, đó là “Tại sao người xưa dựng nên những công trình này?”, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giả thuyết sau chuyến đi khảo sát.

Trong lúc theo dõi các công trình này sau trận mưa, họ nhận thấy "hầu hết các mustatil đều hướng về những khu vực nước sẽ đọng lại. Có lẽ người xưa đã dựng nên mustatil, dâng những con vật lên các vị thần để cầu mưa, mong cho mùa màng bội thu." Khả năng cao là họ quyết định xây dựng công trình tế lễ như một cách ứng phó với sự thay đổi khí hậu, khi khu vực này ngày càng trở nên khô cằn - như ngày nay.

Nghiên cứu về mustatil vẫn đang diễn ra. Dự án mới của các nhà khoa học tại Đại học Sydney tập trung vào việc tìm hiểu lý do tại sao những công trình hoành tráng này và những công trình lân cận được xây dựng và chúng đã đánh mất vai trò của mình như thế nào.

“Chúng tôi hy vọng các cuộc khai quật và phân tích trong tương lai sẽ tiết lộ những hiểu biết sâu sắc hơn về các mustatil cũng như những người đã tạo ra chúng”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Nguồn: