Triển lãm trưng bày hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch về Hồ Gươm từ năm 1829 đến năm 1954.

f
Triển lãm trực tuyến "Hồ Gươm, Giao lộ Đông - Tây". Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Nhân kỉ niệm 67 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, giới thiệu tại triển lãm trực tuyến hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch về Hồ Gươm

Hồ Gươm - dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, được bao quanh bởi phố Hàng Khay - Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng. Với vị trí đắc địa, Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này.

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hồ Gươm như một giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và Phố cổ ngày nay.

Tại triển lãm, những hình ảnh quen thuộc về đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội nói chung và người dân khu vực quanh Hồ Gươm nói riêng, các công trình do người Pháp xây dựng cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa hiện diện qua 3 chủ đề: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm, Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm, Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí. Trong số hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch về Hồ Gươm tại triển lãm, tư liệu sớm nhất là từ năm 1829, và tư liệu gần nhất là vào năm 1954.

Để xem triển lãm, khách tham quan có thể nhấp vào đây.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

g
Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội. Thực chất, Hà Nội lúc này là một điểm cư dân hỗn hợp với khu hành chính, khu buôn bán, nhiều làng mạc nằm sát nhau. Hồ Gươm vẫn mang dáng dấp của ao hồ nông thôn. Từ năm 1884 trở đi, Hồ Gươm trở thành trung tâm trong công cuộc quy hoạch thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

c
Bên cạnh việc xây dựng một số cơ sở kinh doanh, cửa hàng buôn bán và dịch vụ, người Pháp cũng chú trọng xây dựng một số cơ sở công nghiệp: nhà máy xe điện Hà Nội (1900), nhà máy Điện bờ Hồ (1899 -1902)… hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật quanh Hồ để đảm bảo đầy đủ tiện nghi đô thị, phục vụ cho hoạt động kinh tế và việc cư trú của mình. Để có đất làm đường và một số công trình quanh hồ, chính quyền Pháp đã cho phá bỏ một số đền, chùa như: đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân, đền Vua Lê…và chỉ giữ lại các công trình trên đảo Ngọc Sơn và Quy Sơn. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

d

Những rạp chiếu bóng, quán cà phê mọc lên ngày càng nhiều, nằm rải rác từ bến xe điện đến nhà Khai trí Tiến Đức. Xe điện đã trở thành phương tiện phổ biến và quen thuộc với người dân, hành khách chủ yếu là những người buôn bán. Tầng lớp trung lưu, thanh niên thành thị thường chọn dạo chơi quanh bờ Hồ còn giới thượng lưu, trí thức thì chọn các tiệm cà phê, vào Khai trí Tiến Đức hoặc đi nghe nhạc, khiêu vũ tại Nhà Thủy tạ bên Hồ. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia I