Do thiếu đầu vào sản xuất vì bị Mỹ cấm vận, sản lượng sữa của Cuba thường không đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, một con bò cái mang tên Ubre Blanca, với khả năng sản xuất sữa phi thường, đã được xướng tên cạnh nhà lãnh đạo Fidel Castro trong suốt nhiều thập kỷ.

Nắm trọn quyền lực và trở thành gương mặt đại diện cho Cuba kể từ tháng 1/1959, Castro là mẫu chính trị gia Marxist vô cùng nhiệt thành và cứng rắn trong hành động. Nhưng ông cũng đặc biệt yêu thích sữa và không ngần ngại công khai điều này. Kẻ thù đã nhiều lần lợi dụng sở thích đó để tìm cách ám sát Castro. Như vào giữa những năm 1960, ai đó đã đặt một viên thuốc độc trong ngăn tủ lạnh của khách sạn Habana Libre, nơi ông hằng ngày thường uống món sữa lắc chocolate; nhưng may cho Castro khi viên thuốc bị đóng băng và vỡ vụn.
Fidel Castro vỗ về con bò Ubre Blanca.

Sở thích của cá nhân lãnh tụ đương nhiên cũng dễ dàng được chuyển hóa thành chính sách quốc gia. Những tiệm kem lớn mọc lên ở khắp các ngóc ngách và món phomai camembert khiến ngành ngoại giao dậy sóng. Người dân Cuba “phát cuồng” vì sữa song những con bò cebu bản địa lại không thể đáp ứng được hết nhu cầu của cộng đồng. Castro vì thế đã cho nhập khẩu giống bò cao sản Holstein từ Canada, nhưng chúng lại không thể thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Khi tất cả các phương án đều thất bại, không nản lòng, ông tiếp tục chỉ đạo hoạt động phối giống nhân tạo để cho ra một giống bò mới đặc biệt khỏe mạnh và cho nhiều sữa. Trong tầm nhìn của Castro, một con bò cebu – đạt năng suất trung bình 1,5 lít sữa/ngày – có thể sinh ra những con bê cho tới 10 lít, để rồi chúng sẽ được nhân giống thành hàng trăm, ngàn, vạn hay thậm chí cả triệu con.
Bức ảnh chụp năm 1987 về tiêu bản của Ubre Blanca, được bảo quản trong lồng thủy tinh tại một trang trại phía Đông Havana.
Ảnh: STR/AFP/Getty Images.

Và quả thật ông đã đúng. Ubre Blanca, con bò duy nhất được phối giống thành công ra đời năm 1972. Nó được nuôi dưỡng dưới sự giám sát trực tiếp của Castro trong một khu chuồng đầy đủ tiện nghi ở Neuva Gerona, ăn thức ăn mới mỗi ngày và nghe ngạc để giảm thiểu tình trạng căng thẳng. Nhà lãnh đạo Cuba mong muốn “siêu bò” của mình sẽ phá vỡ kỷ lục thế giới do Arlinda Ellen – một con bò cái ở Mỹ – thiết lập vào năm 1975 (cho 80 lít sữa/ngày). Để đạt được mục tiêu đó, ông đã hướng dẫn nhân viên vắt sữa 6 lần/ngày và ghi lại kết quả, sau đó công bố trên bản tin hằng ngày cho cả nước xem. Con bò, nhờ được chăm sóc trong điều kiện không thể tốt hơn, đã cho 109,5 lít sữa/ngày vào tháng 7/1982. Tổng sản lượng sữa do nó tạo ra được ghi nhận đạt 24.269 lít trong chu kỳ tiết sữa (305 ngày cho con bú) – một kỷ lục mới. Blanca lúc này đã sẵn sàng trở thành một biểu tượng chính trị. Nó thường xuyên được Castro nhắc tới trong các bài phát biểu để ca ngợi nền sản xuất chăn nuôi vượt trội của đất nước Cuba. Mọi thứ về nó được phát sóng trên truyền hình, không khác gì những vở kịch opera nhiều kỳ thu hút rất đông khán giả. Người dân yêu mến Blanca, giới báo chí và ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới đổ về Cuba chỉ để chiêm ngưỡng con vật “thần kỳ”.

Nhưng Blanca cũng là con bò độc nhất vô nhị. Nó thường xuyên bị vắt kiệt sức nhằm đáp ứng những kỳ vọng đặc biệt. Sau gần 13 năm liên tục sản xuất lượng sữa nhiều gấp 4 lần bình thường, sức khỏe của nó đã bị suy giảm trầm trọng. Trong lần mang thai thứ ba vào năm 1985, Blanca gặp biến chứng và được đưa tới Trung tâm Sức khỏe Nông nghiệp Quốc gia ở Mayabeque; các chuyên gia đã đông lạnh trứng của nó để sử dụng trong tương lai. Quá trình này càng làm khối u ở vùng mông của nó lan rộng hơn và người ta buộc phải giúp nó chấm dứt sự đau đớn bằng cái chết. Xác của Blanca hiện vẫn được bảo quản (ướp) trong một lồng thủy tinh tại Trung tâm.
Bò sữa tại một khu dân cư ở Cuba. Theo truyền thống, người bán sữa thường mang bò của mình tới tận cửa nhà người mua và trực tiếp vắt sữa cho khách. Ảnh: Wikimedia.

Ngày hôm đó, cáo phó của Blanca tràn ngập trên các mặt báo. Con vật tội nghiệp được đưa tiễn bằng những nghi thức trang trọng nhất vốn chỉ dành cho quân đội. Castro sau đó đã cho dựng một bức tượng của con bò mà ông yêu quý tại thị trấn Nueva Gerona. Khi sự hưng phấn mất dần, mối quan tâm lại quay trở về với thực trạng khan hiếm sữa tại Cuba – vốn đang ngày càng trầm trọng. Sữa trở thành một món hàng xa xỉ ở Cuba, thường chỉ được cấp cho trẻ nhỏ từ 0 đến 7 tuổi, phụ nữ mang thai và người ốm yếu. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm giúp cải thiện tình hình song chưa mấy thành công, bao gồm cả một dự án nhân bản giống bò cao sản từ nguồn gene của Blanca vào năm 2002. Trong bối cảnh khan hiếm thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, người nuôi bò Cuba chỉ có thể sản xuất được loại sữa ít béo với năng suất rất thấp. Coppelia, tiệm kem nổi tiếng nhất nước do Castro ủy nhiệm, thường phục vụ người mua những muỗng kem rỗng (do sữa kém chất lượng). Giấc mơ của nhà lãnh đạo quá cố vì thế vẫn còn mãi phảng phất trong tâm trí người dân.

Theo Atlas Obscura,
The Sydney Morning Herald