Không ai muốn quay trở lại bóng tối lờ mờ được chiếu sáng bởi dầu cá voi, hay di chuyển trên những chiếc xe ngựa chậm chạp và tốn kém. Nhưng cũng không ai có thể phủ định rằng, năng lượng phát triển và việc tận dụng nó quá đà đã khiến tương lai của nhân loại bị đe dọa vì biến đổi khí hậu.

“Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân” (“Energy: A Human History”, 2018) là một trong những tác phẩm gây tiếng vang của Richard Rhodes – tác giả nổi tiếng với dòng sách lịch sử-phi hư cấu về chủ đề năng lượng.
“Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân” (“Energy: A Human History”, 2018) là một trong những tác phẩm gây tiếng vang của Richard Rhodes – tác giả nổi tiếng với dòng sách lịch sử-phi hư cấu về chủ đề năng lượng.

Năng lượng không chỉ là thứ khiến đầu máy xe lửa chạy trên đường ray, là lực đẩy để phóng tên lửa vào vũ trụ, nó còn làm đòn bẩy cho những phát minh sáng chế vĩ đại nhằm cải thiện và chuyển hóa cuộc sống con người. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt cuốn sách “Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân” của Richard Rhodes, vị tác giả nổi tiếng đã từng đoạt giải thưởng Pulitzer.

Có lẽ chúng ta đã quá quen với ánh đèn điện, với những cây xăng tiện lợi và những viên pin khổng lồ có thể giúp ô tô chạy liên tục hàng trăm kilômet, mà quên mất đi rằng để đến được ngày hôm nay, nhân loại đã trải qua một hành trình dài đầy những lần thử nghiệm và sai sót. Không ai muốn quay trở lại bóng tối lờ mờ được chiếu sáng bởi dầu cá voi, hay di chuyển trên những chiếc xe ngựa chậm chạp và tốn kém. Nhưng cũng không ai có thể phủ định rằng, năng lượng phát triển và việc tận dụng nó quá đà đã khiến tương lai của nhân loại bị đe dọa vì biến đổi khí hậu. Rhodes ý thức rất rõ về điều này, vì vậy khi viết về mỗi giai đoạn phát triển của năng lượng, ông đều không quên nêu lên những vấn đề lớn đối với môi trường mà nó mang lại.

Mở đầu cuốn sách, viết về quá trình chuyển đổi từ gỗ sang than làm nguồn nguyên liệu chính của người dân nước Anh, tác giả không quên nhắc lại những than phiền về môi trường tưởng chừng chỉ có ở thời hiện đại ngày nay do việc đốt than mang lại. Người dân London phải hứng chịu khí than như thể không khí từ địa ngục, mang đầy sự chết chóc. Thành phố ngập chìm trong ô nhiễm theo lời của John Evelyn, một trong những nhà sáng lập Hiệp hội Hoàng gia London, rằng “một đám mây than biển [khói], giống như địa ngục trần gian trên Trái đất... thứ khói bệnh đó... ăn mòn cả sắt, và làm hỏng đồ đạc... cuối cùng kết liễu lá phổi của cư dân”.

Câu chuyện về Evelyn và nỗ lực thay đổi chất lượng môi trường của London là một trong hằng hà sa số những câu chuyện mà tác giả góp nhặt trong cuốn sách để nhấn mạnh, mỗi khi một năng lượng mới được khám phá, nó vừa cải thiện, vừa tấn công chất lượng cuộc sống của con người.

400 năm lịch sử phát triển của năng lượng gắn với vô vàn cái tên của những kĩ sư, nhà khoa học và nhà sáng chế được giới thiệu rất đầy đủ trong cuốn sách - từ những cái tên quen thuộc như Benjamin Franklin, James Watt hay Michael Faraday, cho đến những cái tên ít được biến tới hơn như Thomas Newcomen hay Danis Papin. Kết quả là cuốn sách chứa đầy lịch sử không chỉ về gỗ, than, dầu hay điện, mà còn là về những bộ não thiên tài và sự sáng tạo vô biên của con người. Nhưng, theo tác giả, những phát minh quan trọng về năng lượng không phải là thành quả của một cá nhân xuất chúng, hay bất ngờ xảy ra trong một sớm một chiều mà là một quá trình dài, và chậm chạp từng bước.

Rhodes đã biến câu chuyện kỹ thuật thành một tác phẩm lịch sử xoay quanh ba trụ cột: sự ra đời của đầu máy hơi nước xuất phát từ những nhu cầu cho việc khai thác than; sự phát triển của điện năng; và hành trình tìm ra dầu và khí tự nhiên và sự phát triển của năng lượng hạt nhân.

Cách triển khai các câu chuyện của ông tương đối thu hút và đều có xu hướng theo một quy luật nhất định: khi một vấn đề được giải quyết, thì một vấn đề khác sẽ lại xuất hiện. Ví dụ, khi các động cơ đốt trong sử dụng xăng hóa giải bài toán về động cơ cho các phương tiện di chuyển, thì nó lại đặt ra những vấn đề về tiếng gõ khiến những nhà khoa học như Charles F. Kettering hay Thomas Midgely Jr. phải cất công tìm hiểu và giải quyết.

Dù cuốn sách rất thú vị, chỉ một phần hết sức không đáng kể của nó đề cập tới những nguồn năng lượng hiện đại hơn như gió, mặt trời hay hạt nhân. Bất chấp hạn chế đó, cuốn sách vẫn có dáng dấp một cuốn sách về lịch sử năng lượng tương đối đầy đủ, được nghiên cứu cẩn thận và tổng hợp một cách khoa học, hấp dẫn. Tác giả đã dẫn dắt câu chuyện đan xen giữa thách thức và cải tiến, để vừa nhắc nhở chúng ta về những hạn chế về môi trường mà việc khai thác năng lượng mang lại, vừa khẳng định niềm tin rằng con người, với trí tuệ và khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ, sẽ tìm ra cách để cân bằng và duy trì cuộc sống bền vững trong tương lai xa.