Ong có xu hướng tránh xa trung tâm của tổ khi tổ ong bị bọ ve xâm nhập.

Không phải duy nhất loài người áp dụng giãn cách xã hội khi gặp dịch bệnh, nghiên cứu mới cho thấy ong mật cũng sử dụng chiến lược này. Các nhà khoa học phát hiện, khi một tổ ong mật bị xâm nhập bởi bọ ve Varroa - loài ký sinh giết chết ong mật và làm đàn ong suy tàn, những con ong phản ứng bằng cách giảm tương tác.

Từ các đoạn video quay bên trong tổ ong ở Sardinia, Ý, nhóm nghiên cứu phát hiện những con ong thợ (thường là ong lớn tuổi) bị nhiễm bọ ve Varroa sẽ tránh xa trung tâm của tổ - nơi cư trú của ong non và ong chúa.

Đàn ong mật

Theo Alessandro Cini, đồng tác giả của nghiên cứu tại University College London, cách làm này giúp hạn chế tình trạng nhiễm bọ ve ở mức có thể kiểm soát, hạn chế thiệt hại cho đàn ong.

“Ong thợ là con đường để bọ ve Varroa lây nhiễm vào tổ ong, vì vậy, ong thợ càng tránh xa các cá thể non thì bọ ve càng khó lây lan trong đàn,” Cini nói.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, khi tổ bị nhiễm bọ ve Varroa, những con non ở vị trí trung tâm của tổ sẽ tăng cường chải vuốt lẫn nhau, nhưng hạn chế chải vuốt cho ong thợ. Có thể chúng muốn tập trung bảo vệ phần quan trọng của đàn ong, theo Cini.

Sau đó, trong phòng thí nghiệm, nhóm lây nhiễm bọ ve cho một số nhóm ong non và so sánh chúng với các nhóm không bị nhiễm. Một lần nữa, có sự khác biệt trong hành vi chải vuốt: những con ong bị nhiễm bọ được chải vuốt nhiều hơn, và được chia nhiều thức ăn hơn những cá thể không bị nhiễm bọ.

Cini nói, nghiên cứu cho thấy hành vi xã hội, và "khả năng thay đổi hành vi để thích ứng với các điều kiện khác nhau", là yếu tố quan trọng giúp các loài sống sót.

Nguồn: