Năm 2018, một bảo tàng trưng bày những món ăn kinh dị nhất thế giới đã được mở cửa tại Malmo – thành phố lớn thứ ba của Thụy Điển – trong ba tháng.
Khách tới thăm sẽ được chiêm ngưỡng các món ăn nổi tiếng (có thể khá ngon) nhưng đáng sợ của nhiều nền văn hóa như thịt cá mập lên men, ngẩu pín bò, cá trích lên men, pho mát giòi, ấu trùng kiến, ... Trước khi vào cửa, họ sẽ được nhân viên bảo tàng cung cấp túi nôn.
Nhà sáng lập Samuel West, vốn nổi tiếng với một dự án khác là Bảo tàng của Những thất bại, cho biết: “Tôi muốn mọi người hãy hoài nghi mọi thứ mà chúng ta cho là kinh dị. Chúng ta thường có thói quen nhìn nhận thứ mà mình không quen thuộc là kinh dị, dù cho đó là gì”.
Món đầu cửu luộc của người Ba Tư (Iran ngày nay) và một số nước Đông Âu.
Bộ ngẩu pín bò được trưng bày trong bảo tàng các món ăn kinh dị. Casu marzu, loại pho mát truyền thống của vùng Sardinia (Ý) có chứa giòi sống.
Thế giới có nhiều món ăn thoạt nhìn đã thấy hấp dẫn, nhưng số khác lại cần thời gian trải nghiệm thì mới được ưa thích. Bảo tàng của West trưng bày khoảng 80 món ăn như vậy, phần lớn bắt nguồn từ châu Á, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Đáng ngạc nhiên là Mỹ đóng góp nhiều đại diện hơn Trung Quốc và Nam Mỹ, châu Phi, Úc; trong đó có món thịt hộp Spam (làm từ thịt lợn, giăm bông, muối, đường, bột khoai) và bánh Twinkies (một loại snack), bia không cồn hương vị rễ cây (root beer), salad Jell-O với mì ống, bánh Pop-Tarts,... Nhưng món ăn thực sự gây cảm giác kinh hãi là Rocky Moustain Oyster (tinh hoàn bò chiên giòn).
Không thể phủ nhận hương vị khá ngon của nhiều món được trưng bày tại bảo tàng, tuy nhiên việc chế biến chúng lại gây ra sự đau khổ tột cùng cho các con vật bị giết thịt. Trong đó phải kể tới món gan ngỗng (foie gras) của Pháp – một thứ đặc sản cho người sành ăn, làm từ gan của con ngỗng đã được vỗ béo bằng cách tống cho nó ăn thật nhiều ngô qua đường ống; não khỉ (người Trung Quốc, nhất là tầng lớp quyền quý thường thích ăn món này và dùng khi con vật còn sống), rượu chuột ( cũng của Trung Quốc),...
Hay Ortolan, một món ăn khác của Pháp cũng đặc biệt ghê rợn. Ortolan là một loài chim nhỏ, đạt chiều dài thân khi trưởng thành vào khoảng 6 inch (15 cm). Chúng thường bị săn bắt vào mùa thu trên đường di trú đến châu Phi để tránh rét. Sau đó, người ta tống chúng vào lồng tối và cho ăn đẫy ngũ cốc để trọng lượng tăng gấp đôi. Khi chế biến, con chim (vẫn đang sống) bị dìm trong thùng rượu mạnh tới chết rồi tẩm ướp gia vị, nấu chín và phục vụ thực khách. Theo phong tục, người ăn món này sẽ che mặt bằng một chiếc khăn lớn – điều mà theo một số người là để che giấu nỗi hổ thẹn trước Chúa; số khác lại nói đó chỉ đơn giản là để che không cho mùi thơm (của rượu) bay ra khỏi miệng.
Trứng thế kỷ của người Trung Quốc, được làm từ trứng (vịt, gà) thối và để lên men trong vài tháng
Súp dơi nấu với hoa quả tại một số vùng thuộc Indonesia, Thái Lan, đảo Guam và các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương.
Menudo, món súp truyền thống của người Mexico, được nấu từ dạ dày bò, nước dùng và ớt đỏ.
Hầu hết các món ăn được trưng bày trong bảo tàng đều là đồ thật và tươi, ngoại trừ những thứ cực kỳ khó kiếm hoặc việc chế biến quá tàn nhẫn đối với động vật (được thay thế bằng mô hình nhựa, ảnh chụp,...) Món nào đã lên mùi thì được cất giữ trong lọ thủy tinh chuyên dụng trong y tế. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động quá tốn kém (khoảng một nửa số món ăn cần được chế biến mới mỗi ngày) nên bảo tàng phải đóng cửa vào tháng 1/2019.
“Mục đích chính của tôi với dự án này, không gì hơn là để cho vui, gây thú vị và khuyến khích các tương tác,” Samuel West cho biết. Nhưng ông cũng kỳ vọng sẽ thách thức quan niệm của mọi người về những thứ ăn được và không ăn được. “Châu chấu, cào cào khác gì thịt ba chỉ? Cũng như vậy, việc ăn chuột bạch có gì kinh dị hơn thịt bò?”, West nói.
Năm 2017, Samuel thành lập Bảo tàng của Những thất bại, trưng bày một sản phẩm “yểu mệnh” của Coke, một loại tương cà chua của Heinz, một “board game” theo chủ đề mang thương hiệu Donald Trump, một máy chụp hình kỹ thuật số khổng lồ do Kodak giới thiệu vào năm 1995,… Vốn là một nhà nghiên cứu về đổi mới sáng tạo tại Đại học Lund danh tiếng của Thụy Điển, West cảm thấy “bội thực với những câu chuyện thành công”. Ông nói: “Chúng ta đều biết rằng 80 - 90% các dự án sáng tạo gặp thất bại và bạn không đọc về chúng, không nhìn thấy chúng và mọi người không nói đến chúng. Mục đích của bảo tàng là để thấy rằng quá trình sáng tạo, đổi mới cần trải qua thất bại”. Lấy cảm hứng từ một câu danh ngôn của Leo Tolstoy (Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mọi gia đình bất hạnh thì bất hạnh theo cách riêng của họ), West đã sáng tạo câu khẩu hiệu cho bảo tàng này: “Tất cả sáng kiến thành công đều giống nhau; mọi sáng kiến thất bại cũng có cách thất bại ngoạn mục và thú vị của riêng nó”. |
Theo Amusing Planet