Khi tiến hành đổ bộ lên bãi biển Normandie (miền Bắc Pháp) ngày 6/6/1944 – cuộc đột kích táo bạo nhằm vào lãnh thổ do Đức Quốc xã tạm chiếm nhằm làm thay đổi cục diện của Thế chiến II, quân đội Đồng Minh đã sử dụng một công nghệ độc đáo và chưa từng được kiểm chứng trước đó: cầu cảng di động nhân tạo.
Để thực hiện cuộc tấn công lớn nhất trong lịch sử bằng đường biển, các lực lượng Mỹ, Anh và Canada cần đưa ít nhất 150 ngàn binh sĩ, nhân lực cùng nhiều trang thiết bị lên bờ vào đúng ngày mở màn chiến dịch. Ngoài ra, giành lại bờ biển nước Pháp mới chỉ là thử thách đầu tiên trong kế hoạch, bởi sau đó Đồng Minh sẽ còn phải tiếp tục chiến đấu những cánh đồng, khu phố, … tiến tới giải phóng Paris và truy quét tàn quân Phát xít đến tận Berlin – nơi họ sẽ hội ngộ với Hồng quân Liên Xô, cũng đang mở một mặt trận khác ở phía Đông, để cuối cùng hoàn toàn đánh bại Hitler.
Tuy nhiên, khi bị Đại tướng Dwight Eisenhower (sau trở thành Tổng thống Mỹ, nhiệm kỳ 1953 – 1961) và các phụ tá của ông này thúc ép tiến hành một cuộc đột kích vào tận hang ổ Đức Quốc xã ở Pháp, Thủ tướng Anh Winston Churchill lúc đầu đã tỏ ra có đôi chút do dự và ngờ vực, về khả năng thành công của chiến dịch.
Một sứ mệnh quân sự lớn như D-Day sẽ phải cần tới hơn 1 triệu binh sĩ – được trang bị vũ khí, đạn dược, quần áo và lương thực đầy đủ – cùng với hàng trăm ngàn phương tiện, lều trại và nhân viên y tế đi kèm. Đó thực sự là một thách thức về mặt hậu cần khi phải vận chuyển lực lượng lớn như vậy vào bờ bằng tàu, trong điều kiện sóng to gió lớn, dòng chảy dữ dội và thủy triều lên xuống thất thường.
Không mấy người có nhiều kinh nghiệm hơn Churchill về vấn đề này, khi ông buộc phải nhớ lại thất bại cay đắng của liên quân Anh – Pháp trong Chiến dịch hàng hải Gallipoli (nhằm chiếm đóng thủ đô Constantinople của Đế chế Ottoman theo phe Liên minh Trung tâm) thời Thế chiến I, và sợ rằng những người lính Đồng Minh rồi cũng sẽ bị mắc kẹt trên các bãi biển để trở thành mục tiêu đồ sát của kẻ thù Đức Quốc xã – đang mai phục sẵn trên những vách đá và đỉnh núi quanh Normandy.
Dẫu vậy, do không thể có lựa chọn khác, Churchill đã triệu tập một nhóm kỹ sư, nhà khoa học, sĩ quan quân đội, … và yêu cầu họ thiết kế một giải pháp cho nhiệm vụ tập trung quân trên biển, để đưa chiến dịch đến với thành công. Một ý tưởng tài tình đã được đề xuất: lắp đặt 2 cầu cảng nhân tạo làm nơi neo đậu an toàn cho các tàu của Đồng Minh trước cuộc hành quân.
Theo mô tả của GS. Colin Flint (Đại học Utah, Mũ) trong cuốn Geopolitical Constructs (các công trình địa chính trị), mỗi cảng di động như vậy (gọi là Harberry Harbour – tên mã của dự án) có cấu tạo bao gồm nhiều bức tường chắn sóng nhân tạo – làm từ xác của những con tàu chìm và hốc bê tông khổng lồ. Đằng sau lớp tường chắn sóng hình vòng tròn là cả một hệ thống trụ cầu nổi tinh vi, neo xuống tận đáy biển. Tất cả các cấu phần này được kéo di chuyển hết quãng đường 30 dặm (gần 50 km) qua eo biển Manche (nối miền Nam nước Anh với Bắc Pháp), sau đó cố định vị trí tại khoảng cách một dặm (1,6 km) ngoài khơi Tây Bắc Pháp ngay trước ngày D-Day. Mặc dù một vài máy bay trinh sát của Đức Quốc xã đã phát hiện thấy những buồng bê tông – chứa đầy không khí, lúc nổi lên rồi lại chìm xuống, nhưng theo suy luận của GS Colin, có thể họ đã không thể hình dung ra những khối container khổng lồ đó được dùng vào việc gì.
Sau khi hoàn tất, mỗi cầu cảng Mulberry như vậy đã cung cấp cho quân Đồng Minh khoảng 1 dặm vuông yên tĩnh (do tránh được sóng lớn) để chuẩn bị đổ bộ. Ngay trong tuần đầu tiên, gần 200 tàu chở quân neo tại Mulberry đã vận chuyển được 12 sư đoàn – tương đương 180 ngàn lính – tiến thẳng vào cứ điểm của kẻ thù; khoảng 10 ngàn trong số đó đã tử trận hoặc bị thương do trúng mìn, đạn súng máy ngụy trang hay pháo từ các hầm ngầm bê tông. Ngày 19/06/1944, một cơn bão khủng khiếp đã phá hỏng một cảng Mulberry do lực lượng Mỹ sử dụng; nhưng may mắn là công trình còn lại của người Anh vẫn có thể tiếp tục phục vụ Đồng Minh thêm 10 tháng nữa, trước khi tất cả các hải cảng của Pháp được giải phóng khỏi sự kiểm soát của quân Đức.
Trước đó (năm 1943), trong chuyến công du tới Washington DC để bàn về chiến lược chiến tranh với Tổng thống Franklin Roosevelt, Churchill đã bị thiết kế Mulberry thuyết phục khi đang ở trong bồn tắm của khách sạn Queen Mary. Giáo sư John Bernal – cố vấn khoa học của Churchill khi ấy, đã thả những chiếc thuyền giấy vào bồn tắm của thủ tướng, sau đó khuấy nước lên để mô phỏng sóng, rồi sử dụng bọt biển nhằm chứng minh cho hiệu quả của lớp tường chắn. Nhờ vậy mà Churchill – người hay có thói quen tư duy khi ngâm mình lâu trong bồn tắm, đã tìm thấy câu trả lời cho thử thách khó khăn mà ông từng đặt ra trong một bản ghi nhớ năm 1942. “Chúng ta cần thứ có khả năng nổi lên và chìm xuống cùng với thủy triều, bên cạnh kiểm soát tốt vấn đề neo giữ. Hãy mang đến cho tôi giải pháp tốt nhất”. – Churchill viết.
Sau chiến thắng D-Day, quân Đồng Minh đã cử một số kỹ sư thực hiện dự án Mulberry Harbour tới chiến trường Tây Nam Thái Bình Dương, bởi họ tin rằng các cảng di động tương tự sẽ rất cần thiết và hữu dụng cho kế hoạch chiếm đóng Nhật Bản. Tuy nhiên, hai trái bom hạt nhân do Mỹ ném xuống Hiroshima (6/8/1945) và Nagasaki (9/8/1945) đã khiến phương án trên trở nên dư thừa; và sau này cũng chẳng con ai áp dụng kỹ thuật này nữa.
Sự kiện quân đội Đồng Minh đổ bộ vào các bãi biển vùng Normandie ngày 6/6/1944 (D-Day) là một trong những cột mốc quan trọng nhất của Thế chiến II – cuộc tấn công từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử, và đôi khi còn được gọi là “Trận chiến vì nước Pháp”. Hơn 150 ngàn binh lính Anh, Mỹ, Canada, cùng với quân kháng chiến Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, theo các chiến hạm lớn nhỏ xuất phát từ miền Nam Anh Quốc, đã đồng loạt tiến vào đất Pháp – lúc bấy giờ đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Sau nhiều ngày giao tranh, Đồng Minh đã đẩy lui được quân Đức khỏi các căn cứ tại Normandie, tiếp tục giải phóng Paris, nước Pháp cùng toàn bộ châu Âu để kết thúc cuộc chiến với sự đầu hàng của phe Phát xít. Tuy nhiên, để có được chiến thắng vang dội này, Đồng Minh cũng đã phải hứng chịu rất nhiều thiệt hại nặng nề; do đó D-Day còn được xem là một biểu tượng của sự anh dũng và tinh thần quả cảm. |