Các nhà khoa học đã tìm thấy các loại protein từ sữa mắc lại bên trong mảng bám răng của người cổ đại từ 3.500 năm trước.

Ngày nay, sữa vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của người Tây Tạng. Ảnh: Li Tang
Việc sản xuất bơ sữa đã trở thành một phần văn hoá lịch sử của Cao nguyên Tây Tạng cho đến ngày nay. Ảnh: Li Tang

Được xem là Cực thứ ba của Trái đất, Cao nguyên Tây Tạng tập trung một lượng lớn sông băng bao phủ khoảng 100.000 km2 bề mặt hành tinh. Nó sở hữu những rặng núi cao nhất, như đỉnh Everest thuộc dãy Himalaya. Khung cảnh nơi đây lạnh giá, khắc nghiệt, tưởng chừng như không ai có thể tồn tại được.

Tuy nhiên, loài Homo sapiens đã cư ngụ tại vùng đất này trong hàng ngàn năm. Cao nguyên Tây Tạng đã chứng kiến ​​sự ra đời của các xã hội nông nghiệp, và sự thịnh, suy của các tôn giáo, vương quốc hay thậm chí cả đế chế.

Con người đã xoay sở như thế nào để không chỉ tồn tại, mà còn có thể phát triển trong khu vực với độ cao khủng khiếp đến nhường này, vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Họ biết được một phần câu trả lời nằm trong gen của người Tây Tạng và khả năng thích nghi độc đáo giúp người dân hít thở hiệu quả hơn, tránh các rủi ro chết người do tình trạng giảm oxy máu động mạch, xảy ra khi cơ thể hay một phần cơ thể thiếu lượng oxy cần thiết để lưu thông trong các mô.

Bên cạnh tình trạng thiếu oxy, việc tìm đủ lượng thực phẩm cần thiết trong môi trường khô hạn, lạnh giá và bất ổn của cao nguyên, cũng là thách thức lớn.

Nghiên cứu của TS. Li Tang (Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck) và các cộng sự tại Trung tâm nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người (Đại học Griffith), Viện Y học Tiến hóa (Đại học Zurich) nhằm mục đích xem xét kỹ hơn về chế độ ăn uống xa xưa của người Tây Tạng. Cụ thể, họ đã phân tích các mảng bám trên răng người cổ đại, nơi chứa đựng vô vàn thông tin thú vị. Kết quả, nhóm đã phát hiện ra một loại thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tiến trình cư ngụ và mở rộng địa bàn sống của con người trên khắp Cao nguyên Tây Tạng: sữa.

Nghiên cứu mới đây đã được công bố trên tạp chí Science Advances.

Lợi ích của cao răng

Trên răng của người cổ đại thường tích tụ những lớp mảng bám dày – còn gọi là cao răng. Thông qua một phương pháp mới mang tên palaeoproteomics (nghiên cứu hệ protein cổ đại), các nhà khoa học có thể tìm ra các loại protein thực phẩm mắc lại bên trong mảng bám.

“Nghiên cứu của chúng tôi đã phân tích tất cả các bộ xương người hiện có trên cao nguyên: tổng cộng 40 cá nhân, có niên đại từ 3.500 đến 1.200 năm trước, từ 15 địa điểm rải rác xa nhau”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Một trong những cá nhân chúng tôi nghiên cứu là một phụ nữ, tuổi 40-55, được chôn cất tại địa điểm Ounie. Của cô ấy là di tích ở độ cao cao nhất (4654 masl) được nghiên cứu, có niên đại khoảng 601-758 CN. Li Tang và Zujun Chen , Tác giả cung cấp
Một trong những bộ răng được nghiên cứu thuộc về một phụ nữ, tuổi 40-55. Ảnh: Li Tang và Zujun Chen

Kết quả rất thú vị. Bên trong răng của hầu hết người cổ đại chứa nhiều mảnh protein trong các sản phẩm làm từ sữa. Giải trình tự protein cho thấy sữa có nguồn gốc từ gia súc như cừu, dê và có thể là bò yak.

Trong thời hiện đại, hầu hết người dân trong cộng đồng Tây Tạng tiêu thụ các sản phẩm từ sữa, bất kể là người lớn hay trẻ em, người giàu hay người nghèo. Nghiên cứu cho thấy tổ tiên của người dân nơi đây đã tiêu thụ sữa từ rất sớm. “Trên thực tế, chúng tôi phát hiện sữa đã được tiêu thụ từ 3.500 năm trước - sớm hơn 2.000 năm so với ghi chép trong các tài liệu lịch sử, chẳng hạn như bộ bách khoa toàn thư Tongdian vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Mốc thời gian về việc tiêu thụ sữa trong nghiên cứu tương ứng với thời điểm con người bắt đầu thuần hoá gia súc trên Cao nguyên Tây Tạng. Điều này cho thấy hoạt động chăn nuôi gia súc và tiêu thụ sữa và chăn nuôi gia súc song hành cùng nhau ở khu vực này.

Lựa chọn bắt buộc

Kết quả của các nhà khoa học còn cho thấy một mô hình thú vị khác: tất cả các peptide sữa mà họ xác định được đều đến từ người cổ đại sống ở những nơi có độ cao cao nhất của cao nguyên. Đây là những khu vực khắc nghiệt nhất, rất khó để trồng trọt.

“Ở các thung lũng phía Nam và Đông Nam, nơi có sẵn đất canh tác, chúng tôi không thu được bất kỳ protein sữa nào từ cao răng của người xưa", nhóm tiết lộ.

Có vẻ như sữa là một phần quan trọng đối với đời sống của con người ở những khu vực sương giá nơi cây trồng không thể tồn tại, chiếm đến 99% diện tích Cao nguyên Tây Tạng.

Ở những vùng trũng, người dân sinh sống bằng cách trồng trọt. Nhưng trên hầu hết cao nguyên, con người sinh sống chủ yếu theo kiểu du mục, dựa vào việc chăn thả gia súc.

Mặc dù sữa ngày nay đã trở thành trung tâm của ẩm thực và văn hóa Tây Tạng, nhưng kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy ban đầu người xưa miễn cưỡng tiêu thụ nó vì không còn cách nào khác. Sữa giúp người dân ở những môi trường khắc nghiệt nhất của Cao nguyên Tây Tạng hấp thụ dinh dưỡng và protein; bên cạnh đó, sữa là loại thực phẩm có thể tái tạo – bởi vì không cần phải giết động vật để lấy sữa..



Nguồn: