Scott Anderson đã khéo léo tái dựng một giai đoạn đầy khốc liệt như một bản lề của trật tự hậu đế chế Ottoman, với nhiều suy ngẫm cho độc giả.

Trong những nhân vật nổi bật nhất góp phần tạo dựng nên một Trung Cận Đông hiện đại, không thể không kể đến Đại tá Thomas Edward Lawrence (1888-1935) với biệt danh “Lawrence xứ Ả-Rập”. Ngày nay, đây vẫn là một trong những cái tên đầy tranh cãi, được xướng lên trong những lời ca ngợi lẫn nguyền rủa, được thánh hóa cũng như bị bêu riếu.

Nhiều cuốn sách và nổi tiếng hơn cả là bộ phim Lawrence xứ Ả-Rập (1962) kể lại tiểu sử của ông và về giai đoạn ông khởi xướng và hỗ trợ cho cái được gọi là Cuộc nổi dậy Ả-Rập (Arab Revolt, 1916-1918). Mới đây, cuốn sách đầu tiên về T.E.Lawrence với tựa đề Lawrence xứ Ả-Rập - Chiến tranh, Thủ đoạn, Sự điên rồ của Đế quốc và Quá trình hình thành Trung Đông hiện đại đã được xuất bản ở Việt Nam.

Cuốn sách của Scott Anderson được xuất bản lần đầu vào năm 2013. Ảnh: Omega+
Cuốn sách của Scott Anderson được xuất bản lần đầu vào năm 2013. Ảnh: Omega+

Tác giả của nó - Scott Anderson - là phóng viên chiến trường chứ không phải sử gia. Tuy nhiên, sự khác biệt này không phải là vấn đề nghiêm trọng: Anderson không biến cuốn sách thành một bản phác thảo các sự kiện hay đơn giản chỉ tường thuật lại các tư liệu mình đã đọc. Thay vào đó, cuốn sách thường thức này đã gần đạt đến tầm chuyên khảo của một học giả hơn là một nhà sử học nghiệp dư. Mười tám chương và 800 trang sách được nghiên cứu kỹ và được chú thích, trích dẫn cẩn thận, nghiêm túc bằng các nguồn tài liệu sơ cấp có giá trị cao. Với lợi thế là phóng viên, cách viết của tác giả phần nào kịch tính, khiến người đọc dường như đang theo dõi những thước phim sử thi hơn là những thông tin và sự kiện khô khan.

Cuốn sách của Anderson được viết dựa trên bối cảnh mặt trận Trung Cận Đông trong Thế chiến I (1914-1918), khi các đế quốc Anh-Pháp và cả Hoa Kỳ (phe Hiệp ước) đối đầu với Đế chế Ottoman, đồng minh của Đức trong phe Liên minh. Nhằm ngăn chặn sức mạnh và khả năng thống nhất nguồn lực của đế chế Ottoman, cũng như bảo vệ hệ thống hàng hải băng qua Suez và đi dọc theo Hồng Hải, người Anh và Pháp đã tài trợ cho các bộ lạc Ả-Rập vốn thần phục đế chế Ottoman nổi dậy. Đó chính là Cuộc nổi dậy Ả-Rập nổi tiếng trong lịch sử, sự kiện đã đưa khu vực này trở lại chính trường quốc tế sau nhiều thế kỷ bị lãng quên. Sau chiến tranh, điều khoản của thỏa thuận Sykes–Picot (1916) đã phân chia lãnh thổ đế chế Ottoman, xé nát các đường biên giữa các tỉnh trước đây thành các quốc gia và thuộc địa của hai đế chế Anh và Pháp thắng trận. Những đồng minh Ả-Rập cũ mà Lawrence gây dựng cho người Anh đã bị phản bội. Những lời hứa về quyền độc lập và tự trị bị bỏ rơi, cùng sự hụt hẫng và mất niềm tin đó đã đẩy Trung Cận Đông vào lò lửa chiến tranh kéo dài đến tận ngày nay.

Dù nhan đề sách nêu tên Lawrence xứ Ả-Rập, trên thực tế, sách được cấu trúc theo góc nhìn của bốn nhân vật Tây phương đã góp phần định hình trật tự Trung Cận Đông hiện đại: (1) Curt Prüfer, học giả và phái viên người Đức muốn kích động một cuộc thánh chiến trên quy mô toàn cầu chống lại các đế quốc phe Hiệp ước; (2) Aaron Aaronsohn, người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đang phục vụ đế chế Ottoman và bí mật xây dựng mạng lưới gián điệp ở Palestine; (3) William Yale, phái viên của công ty dầu Standard Oil được cử đến đàm phán với đế chế Ottoman; và cuối cùng (4) nhân vật trung tâm và huyền thoại đại chúng - Đại tá Thomas Edward Lawrence. Các toan tính, tham vọng và lợi ích của mỗi cá nhân và thế lực họ đại diện biến cuốn sách trở thành một tấn bi kịch mở đầu những gì đang diễn ra tại Trung Đông hôm nay.

Một số ý kiến cho rằng cách tiếp cận của Anderson mang hướng dĩ Âu vi trung bởi bốn nhân vật trung tâm này là người phương Tây. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cách tiếp cận của tác giả là hoàn toàn hợp lý. Chính tiêu đề cuốn sách đã làm rõ mục tiêu của tác giả: chỉ ra sự dính líu của các đế quốc thực dân phương Tây đối với sự định hình Trung Đông hiện đại. Do đó, việc lựa chọn bốn nhân vật đến từ cả hai phe Liên minh và Hiệp ước sẽ cho cái nhìn đa chiều về toan tính của riêng mỗi người. Thiếu sót ở đây là dù đã khẳng định rõ vai trò của Aaronsohn và Lawrence, cách tác giả mô tả nhân vật Prüfer và Yale có lẽ vẫn chưa được thuyết phục. Mặt khác, để tăng tính đa chiều, tác giả có thể làm rõ hơn về một số nhân vật Ả-Rập hoặc Ottoman khác như Djemal Pasha, Sayyid Hussein bin Ali al Hashim hay Emir Faisal al Hashim…

Một trong những thành công quan trọng nhất của Anderson nằm ở việc đặt T.E. Lawrence vào trong bối cảnh thời đại qua việc phân tích các tác phẩm của ông, nhất là cuốn Seven Pillars of Wisdom. Tác giả chỉ ra một thực tế đau đớn rằng lúc Lawrence thực sự trở thành “Lawrence xứ Ả-Rập”, thì nỗ lực của viên đại tá người Anh lại không được mấy người quan tâm ngoài những câu chuyện và huyền thoại về ông. Bản thân lòng trung thành đầy mâu thuẫn của Lawrence cũng được tái hiện. Mắc kẹt giữa hai mục tiêu: phụng sự đế chế Anh và phụng sự niềm tin về một quốc gia Ả-Rập độc lập thống nhất, Lawrence như đi trên một lằn ranh giữa kẻ phản bội nước Anh và anh hùng lập quốc của người Ả-Rập.

Nhưng tác phẩm của Anderson không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu sử hay góc nhìn của một vài nhân vật phương Tây về thời kỳ lịch sử đó. Thay vào đó, Anderson đã khéo léo tái dựng một giai đoạn đầy khốc liệt như một bản lề của trật tự hậu đế chế Ottoman, với nhiều suy ngẫm cho độc giả.

Đầu tiên, Anderson cho rằng cuộc nổi dậy Ả-Rập không chỉ là một cuộc nổi dậy đòi độc lập đơn thuần của người Ả-Rập, mà còn là phản ứng của Anh và Pháp chống lại tham vọng kích động thánh chiến của người Đức và Ottoman.

Thứ hai, tác giả nhấn mạnh vai trò của mặt trận Trung Đông hay Ả-Rập chỉ là một mặt trận phụ không quan trọng khi Anh, Pháp, Đức và Nga chạm trán khốc liệt ở châu Âu năm 1914-15. Mãi đến khi cả hai bên tiến vào chiến tranh hầm hào bất phân thắng bại, nhu cầu mở mặt trận khác mới thúc đẩy sự chú ý của hai bên đối với các cư dân Ả-Rập và Trung Cận Đông.

Tóm lại, cuốn sách của Anderson là một nghiên cứu hấp dẫn đối với những độc giả mong muốn tìm hiểu sâu về lịch sử Trung Cận Đông hiện đại. Anderson đã nỗ lực duy trì tính trung lập trong nhãn quan khi tiếp cận một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất của lịch sử thế giới. Ông lên án sự can thiệp trắng trợn, xấu xa và ngạo mạn của Anh và Pháp tại Cận Đông; nhưng cũng không quên nhắc đến những thảm kịch do đế chế Ottoman gây ra với người Armenia trong chiến tranh. Tác giả dường như tập trung chỉ trích các chính thể nhiều hơn là các cá nhân xoay quanh chúng.

Cuối cùng, cuốn sách không bào chữa cho những sai lầm mà các cá nhân liên quan đã gây ra trong Thế chiến I và những giai đoạn tiếp theo – mà thay vào đó, nó cho thấy những bi kịch Trung Cận Đông phải gánh chịu từ những quyết định và hành động trên. Đó là khi những “lằn ranh trên cát” được vạch ra và biên giới hiện đại được hình thành bởi ý chí của một số ít người vốn coi đây như một trò chơi quyền lực.

Đối với bản dịch tiếng Việt, chúng tôi có một băn khoăn về việc dịch giả sử dụng thuật ngữ Türkiye khi chỉ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bản gốc, tác giả giải thích việc liên tục sử dụng thay thế nhau giữa đế chế Ottoman (Ottoman Empire) và Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Cho đến hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là tên gọi phổ biến và được sử dụng chính thức ở Việt Nam trong các bản tin chính luận, thời sự và ngoại giao. Do đó, chúng tôi cho rằng điều này không cần thiết bởi sẽ khiến cho độc giả khó hình dung tại sao lại sử dụng Türkiye.