Dù đó là nỗi buồn mang tính phổ quát, nhưng tại mỗi nền văn hoá, cách thể hiện cảm xúc lại khác nhau.
Nỗi tiếc thương khi một người thân qua đời là một loại cảm xúc phổ quát. Bằng cách quét các vùng não xử lý cảm xúc đau buồn, hoặc đo lường hormone căng thẳng cortisol được giải phóng khi chìm đắm trong niềm thương tiếc, các nghiên cứu về não bộ cho thấy không có sự phân biệt giữa chủng tộc, tuổi tác hay tôn giáo liên quan đến loại cảm xúc này. Con người thuộc mọi nền văn hóa đều đau buồn; tất cả chúng ta đều cảm thấy khổ sở, mất mát và tuyệt vọng. Chỉ là chúng ta thể hiện nỗi đau theo những cách khác nhau.
Dưới đây là một số ví dụ cho thấy nỗi đau buồn và thương tiếc được thể hiện khác nhau như thế nào tùy thuộc vào nền văn hóa nơi bạn sinh sống.
1. Chia sẻ một nỗi đau chung
Ở phương Tây hiện đại, nỗi đau buồn thường được đề cập ở phương diện cá nhân. Tuy nhiên, ở nhiều nền văn hoá khác - trong cộng đồng người bản địa, các bộ lạc - có thể nhìn thấy nỗi buồn mang tính tập thể một cách rõ ràng hơn.
Ví dụ, trong các gia đình theo đạo Hindu ở Ấn Độ, họ hàng và bạn bè cùng nhau hỗ trợ gia đình người mất tổ chức một nghi lễ phức tạp kéo dài 13 ngày.
Một trường hợp tiêu biểu cho văn hóa của người Mỹ bản địa, đó là các trưởng lão trong bộ lạc Lakota thường sử dụng cụm từ “mitakuye oyasin”, nghĩa là “tất cả chúng ta đều có quan hệ họ hàng”. Sự ra đi của bất cứ ai trong bộ tộc là nỗi đau của tất cả mọi người.
Ở Tây Tạng, thời gian để tang theo nghi lễ Phật giáo kéo dài 49 ngày. Trong thời gian này, gia đình tụ tập để làm tượng đất sét và cờ cầu nguyện, đây là lúc để mọi người cùng nhau bày tỏ nỗi tiếc thương.
Nỗi buồn mang tính tập thể cũng là nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, Gia đình sẽ bàn bạc, thống nhất để đưa ra quyết định tập thể. Có thể nhận ra điều này qua bộ phim The Farewell (2019), dựa trên cuộc đời thực của đạo diễn kiêm nhà văn Lulu Wong. Trong phim, một gia đình Trung Quốc phát hiện bà của họ chỉ còn có thể sống một thời gian ngắn; họ quyết định giấu bà, lên lịch tổ chức đám cưới để sum họp trước khi bà qua đời.
2. Thời gian đau buồn khác nhau
Sau khi mất đi người thân, những người ở lại thường có thể mất hai năm hoặc lâu hơn để ổn định cuộc sống trở lại. Một số nhà khoa học xem nỗi tiếc thương là một cách để thích nghi với mất mát, đồng thời hình thành mối liên kết bền vững với người đã ra đi. Nhưng một lần nữa, điều này không giống nhau giữa các nền văn hóa.
Ở Bali, Indonesia, tang lễ diễn ra ngắn ngủi và mọi người không nên rơi nước mắt. Nếu các thành viên trong gia đình khóc, nước mắt không được rơi trên thi thể vì điều này được cho là sẽ khiến người đó không thể nhẹ nhàng siêu thoát. Việc khóc quá lâu được cho là sẽ thu hút những linh hồn xấu xa và khiến linh hồn người chết bị ám ảnh bởi nỗi buồn khổ.
Ở Ai Cập, khóc lóc và thể hiện nỗi đau sau bảy năm vẫn được coi là điều bình thường – trong khi ở Mỹ, đây được coi là một chứng rối loạn. Thật vậy, ở phương Tây, nỗi thống khổ kéo dài hơn 12 tháng được gọi là “chứng rối loạn đau buồn kéo dài”.
3. Tiễn đưa linh cữu
Cách ứng xử với thi hài cũng khác nhau về mặt văn hóa. Ví dụ, giữa đám tang, người Toraja trên đảo Sulawesi, Indonesia, đối xử với người thân vừa qua đời của họ như thể người đó bị ốm chứ không phải là đã chết. Họ vẫn mang thức ăn đến và tâm tình với người đã khuất.
Châu Âu có phong tục riêng của mình. Ở Vương quốc Anh, cho đến giữa thế kỷ 20, dọc theo bờ biển Yorkshire, phụ nữ trong làng đảm nhiệm việc hạ huyệt. Bạn bè và gia đình đến tiễn biệt người đã khuất, bày tỏ lòng kính trọng và gợi lại những kỷ niệm về người đó. Phong tục này vẫn được thực hành ở một số quốc gia.
Tương tự, ở Ý, một chiếc quan tài giữ lạnh thi hài tạm thời được để tạm thời tại nhà để mọi người có thể mang hoa đến bày tỏ lòng thành kính ngay sau khi người đó qua đời.
Người Maori bản địa ở New Zealand thì thực hiện các nghi lễ cho người chết với nhiều bước khác nhau, và quy trình đó được gọi là “ tangihanga”. Đầu tiên là nghi lễ tiễn đưa linh cữu, sau đó sẽ có người khâm liệm thi thể, thường có sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Thi thể được đưa về nhà để gia đình có thời gian tưởng niệm, tổ chức tang lễ.
Tiếp theo là các nghi lễ công phu, bao gồm các điệu múa, bài hát và cuối cùng là bài phát biểu tiễn biệt. Các đồ tạo tác truyền thống bao gồm quần áo, vũ khí và đồ trang sức được trưng bày. Sau tang lễ, có một nghi thức dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc của người quá cố và tổ chức buổi họp mặt ăn uống, trước khi lễ khánh thành bia mộ diễn ra.
4. Thế giới bên kia
Ở Anh, một số người tin rằng những chiếc lông vũ màu trắng là một thông điệp từ thiên đường, mặc dù điều này thường bị coi là lối suy nghĩ ngây thơ, hoang đường. Nhưng ở nhiều cộng đồng châu Phi, mối liên hệ tâm linh giữa người sống với người đã khuất được coi là bình thường và rất thực tế.
Ở châu Phi cận Sahara, tín ngưỡng truyền thống cho rằng người chết trở thành linh hồn nhưng vẫn lẩn khuất trên trần gian. Linh hồn có thể xuất hiện trong giấc mơ dưới trong hình hài nhục thể của họ.
Nguồn: