Bướm Việt Nam được nghiên cứu từ những năm đầu của thế kỷ XX do các nhà côn trùng học nước ngoài thực hiện, tiêu biểu là Dubois et Vitalis năm 1919, Metaye năm 1957. Các nhà côn trùng học nước ngoài đóng góp nhiều nghiên cứu bướm Việt Nam phải kể đến hai nhà côn trùng học người Nga là Alexander L. Monastyrskii và Alexey L. Devyatkin. Ngoài ra, hàng trăm nhà côn trùng học nước ngoài và Việt Nam khác cũng nghiên cứu bướm Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 loài bướm, trong đó có nhiều loài mới cho khoa học và loài ghi nhận mới cho khu hệ côn trùng Việt Nam.
Nghiên cứu bướm Việt Nam chủ yếu được thực hiện ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, theo các khảo sát cho đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương và Vườn quốc gia Tam Đảo đều có hơn 300 loài bướm, Vườn quốc gia Phú Quốc và Vườn quốc gia Bidup-Núi Bà – mỗi nơi có hơn 200 loài. Số loài bướm được ghi nhận ở Vườn quốc gia Cát Bà không phải là nhiều, nhưng chắc chắn còn được bổ sung thêm.
Cuốn sách “Các loài bướm Vườn quốc gia Cát Bà là kết quả khảo sát, nghiên cứu đa dạng các loài bướm do chúng tôi thực hiện tại đây chủ yếu trong năm 2002, sau đó rải rác ở một số chuyến khảo sát được thực hiện cho đến nay. Kết quả khảo sát năm 2002 xác định danh sách 187 loài bướm, trong đó một số loài bướm được ghi nhận mới cho khu hệ côn trùng Việt Nam. Trước đó, kết quả khảo sát năm 1999 của Frontier Vietnam đã ghi nhận 142 loài bướm, trong đó có một loài mới cho khoa học.
Khảo sát bướm ở Vườn quốc gia Cát Bà được thực hiện ở nhiều sinh cảnh, từ cây bụi, trảng cỏ, rừng trồng đến rừng tự nhiên ở nhiều địa điểm khác nhau. Vườn quốc gia Cát Bà là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới, được thành lập năm 1986, với diện tích tự nhiên hơn 17 nghìn ha, trong đó diện tích phần đảo là gần 11 nghìn ha, còn lại là phần biển.
Với mong muốn cung cấp danh sách các loài bướm ở Vườn quốc gia Cát Bà bằng hình ảnh, các thông tin về đặc điểm nhận dạng, phân bố của loài, mức độ phổ biến của loài ở Cát Bà, trong cuốn sách đầu tiên này, chúng tôi giới thiệu danh sách và hình ảnh minh họa 158 loài bướm Vườn quốc gia Cát Bà, cùng với danh sách 42 loài (không có ảnh), tổng số loài bướm Cát Bà ghi nhận là 200 loài. Chúng tôi hy vọng hình ảnh minh hoạ các loài bướm Cát Bà sẽ được bổ sung thêm trong những lần xuất bản sau.
Có nhiều lý do tại sao côn trùng nói chung, bướm nói riêng cần được bảo tồn. Bướm là chỉ thị của một môi trường trong lành và hệ sinh thái lành mạnh, là một phần của sự sống trên Trái đất và là một thành phần quan trọng của sự đa dạng sinh học. Nhiều loài bướm rất đẹp, mang tính biểu tượng của thiên nhiên, có trong văn học cổ đại đến văn học hiện đại, từ thơ ca đến ca từ âm nhạc,...
Bướm có vòng đời hấp dẫn, được sử dụng ở nhiều quốc gia để dạy trẻ em về thế giới tự nhiên. Quá trình biến đổi từ trứng thành sâu, nhộng và bướm là một trong những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Bướm là nhóm sinh vật ‘mô hình’ cực kỳ quan trọng được sử dụng để điều tra và nghiên cứu về sinh học, tiến hóa, thích nghi, di truyền học,... Vườn động vật hoang dã, trong đó bướm là thành phần chủ chốt, luôn thu hút khách du lịch, tham quan. Giá trị của bướm thì rất nhiều; tuy vậy, nhiều loài đang bị đe doạ đến sự sinh tồn. Giống như các loài động vật khác, bướm có nhiều kẻ săn mồi tự nhiên như côn trùng, chim, nhện, bò sát và lưỡng cư,... nhưng nguy hiểm nhất vẫn là con người. Có nhiều loài bướm bị săn bắt và buôn bán, nhiều loài bị suy giảm quần thể do săn bắt quá mức. Các mối đe dọa lớn nhất đối với bướm là thay đổi và mất môi trường sống do khai thác rừng, chuyển đổi đất rừng, phát triển khu dân cư, thương mại và nông nghiệp - lâm nghiệp. Biến đổi khí hậu, sử dụng thuốc trừ sâu rộng rãi và các loài xâm lấn cũng đang đe dọa sự tồn tại của nhiều loài bướm, vì chúng tác động trực tiếp và gián tiếp đến các cây ký chủ bản địa.
Với cuốn sách Các loài bướm Vườn quốc gia Cát Bà, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần vào việc giới thiệu thế giới các loài bướm đến với những người yêu thích thiên nhiên, qua đó chung tay góp phần bảo vệ và gìn giữ sự nguyên vẹn của thiên nhiên và đa dang sinh học cho những thế hệ tiếp theo.
Một số sách về bướm Việt Nam
Bùi Hữu Mạnh (2008). Các loài bướm ngày Phú Quốc. Wildlife at risk, TP Hồ Chí Minh, 169 trang.
Đặng Thị Đáp, Vũ Văn Liên, Đặng Thị Hường, Nguyễn Thế Hoàng (2011). Các loài bướm ở Vườn quốc gia Tam Đảo. Nxb Hồng Đức, 463 trang. Ikeda K., Nishimura M. & Inagaki H. (1998). Butterflies of Cuc Phuong National Park in Northern Vietnam (1). Butterflies, 21: 13-26.
Lương Văn Hào, Đặng Thị Đáp, Trương Quang Bích, Đỗ Văn Lập (2004). Danh lục minh họa các loài bướm Vườn quốc gia Cúc Phương. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 97 trang. Monastyrskii A. L. (2005). Butterflies of Vietnam Nymphalidae: Satyrinae, Vol. 1. Cartographic Publishing House, Hanoi, 198pp, 35 Pls.
Monastyrskii A. L. (2011). Butterflies of Vietnam Nymphalidae: Danainae, Amathusiinae, Vol. 3. Vinadataxa Publishing House, Hanoi, 150pp, 31 Pls.
Monastyrkii A. L. & Deavyatkin A. L. (2002). Các loài bướm phổ biến ở Việt Nam. Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 63 trang.
Monastyrskii A. L. & Devyatkin A. L. (2015). Butterflies of Vietnam: An illustraed checklist. Vietnam Publishing House of Natural Resources, Environment and Cartography, Hanoi, 95pp, 17 Pls.
Vũ Văn Liên & Vũ Quang Côn (2020). Đa dạng loài bướm rừng (Lepidoptera: Rhopalocera) và sinh thái học của chúng ở rừng mưa nhiệt đới Việt Nam (trên nghiên cứu điển hình tại Vườn quốc gia Tam Đảo). Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 177 trang.
|