Những nghiên cứu trên các loại nhạc cụ thuộc bộ dây từ thế kỷ 17 cho thấy Antonio Stradivari thời trẻ có thể đã học nghề với người thợ tài danh Amati.
Vào thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, Stradivari sớm nổi danh vì đã tạo ra các nhạc cụ thuộc bộ dây cực kỳ khéo léo với âm thanh vượt trội. Chỉ khoảng 600 kiệt tác của Stradivari còn tồn tại đến ngày nay, tất cả đều được giới sưu tập và nghệ sĩ biểu diễn đánh giá cao. Một cây vĩ cầm Stradivarius có thể được bán đấu giá tới 20 triệu USD .
Theo luật bất thành văn vào thời của ông, Stradivari hẳn đã phải nâng cao tay nghề bằng cách học việc ở xưởng của một người thợ lớn tuổi. Đó có thể là Nicola Amati (1596 - 1684), lúc bấy giờ cũng đang sống ở Cremona, miền Bắc nước Ý.
Vào đầu thế kỷ 16, gia đình của Andrea Amati đã nổi tiếng với nghề làm đàn vĩ cầm. Nicola Amati thuộc thế hệ thứ ba của gia đình và xưởng của ông ở Cremona nhanh chóng thu hút người từ các vùng khác của Ý lẫn các nước trên thế giới đến xin học việc. Nhiều tài liệu ghi lại tên những người theo học Amati, nhưng cái tên Stradivari không nằm trong số đó. Có ý kiến cho rằng sự vắng mặt này có thể vì Stradivari là người đồng hương Cremona, và do đó không cần phải lưu lại nhà Amati khi học trong xưởng của ông.
Bằng chứng duy nhất về mối liên hệ giữa hai người lại không mấy thuyết phục: Một cây vĩ cầm do Stradivari sản xuất có nhãn ghi “Antonius Stradiuarius Cremonensis Alumnus Nicolaij Amati, Faciebat Anno 1666.” Kevin Kelly, nhà sản xuất vĩ cầm ở Boston, người từng tiếp xúc với hàng chục nhạc cụ Stradivarius, cho biết dòng này có thể ngụ ý rằng Stradivari là học trò của Amati, nhưng nó lại chỉ xuất hiện duy nhất một lần và chưa ai tìm thấy thêm nhãn nào ghi dòng tương tự. Thêm vào đó, nhiều người nghi ngờ rằng dòng chữ này có thể được chèn vào chỉ để nâng tầm cây vĩ cầm do một người thợ trẻ tuổi hãy còn vô danh làm ra.
Với mong muốn làm sáng tỏ bí ẩn này, TS Mauro Bernabei, chuyên gia về tuổi thọ cây tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Ý ở San Michele all'Adige, và nhóm của ông đã đến thăm Bảo tàng San Pietro a Majella, Naples, và phân tích gỗ của một cây đàn hạc nhỏ do Stradivari sản xuất vào năm 1681. Cây đàn được trang trí vô cùng tinh xảo. Theo một số nhà nghiên cứu, chính Giacomo Bertesi (1643–1710), nhà điêu khắc tài năng nhất ở Cremona và sống cùng thời với Stradivari, đã trang trí cây đàn hạc này. Nhóm nghiên cứu đã đo chính xác chiều rộng của 157 vòng cây có thể nhìn thấy trên miếng gỗ tăng âm làm từ gỗ cây vân sam của nhạc cụ.
Sau đó, họ tiếp tục so sánh kết quả của họ từ đàn hạc Stradivari với các vòng năm trên gỗ được đo từ các nhạc cụ dây khác. Trong số hơn 600 hồ sơ dữ liệu của các cây đàn được mang ra đối chiếu, nhóm nghiên cứu chú ý đến một cây vì mức độ tương đồng đáng kinh ngạc: miếng gỗ tăng âm từ cây vân sam của cây đàn cello do Nicola Amati làm ra vào năm 1679! “Tất cả các số liệu đều trùng khớp", TS Bernabei bày tỏ sự kinh ngạc, “Như thể ai đó đã chia một thân cây thành hai phần khác nhau.”
TS Bernabei và các đồng nghiệp cho rằng đàn hạc Stradivari và đàn cello Amati được làm từ cùng một thân cây, nếu đúng như vậy, đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy Stradivari quả thật đã đến học việc tại xưởng của Amati.
Kelly không phản bác kết luận này, nhưng cho rằng đó không phải khả năng duy nhất. Thay vào đó, Amati và Stradivari có thể chỉ đơn giản là mua gỗ từ cùng một người. Những nghệ nhân làm đàn ở Cremona thế kỷ 17-18 giao lưu trong một cộng đồng nhỏ. “Về cơ bản họ đều sống trên cùng một con phố.”
Nguồn: