Cuốn sách của David Graeber bàn đến những lỗ hổng trong thiết chế xã hội hiện đại khiến những công việc vô nghĩa sinh sôi.

David Graeber (1961-2020) là một nhà nhân học, đồng thời là nhà hoạt động xã hội. Sinh ra trong gia đình trí thức cánh tả, mối quan tâm chính của ông là những chủ đề quen thuộc trong nhóm trí thức cánh tả như kinh tế chính trị, lao động, nữ quyền... Ông tham gia vào nhiều phong trào xã hội, tiêu biểu là “Phong trào Công lý toàn cầu” (Global Justice Movement) – điều mà ông cho là nguyên nhân khiến Đại học Yale kết thúc hợp đồng với ông vào năm 2005 và sau đó ông không thể xin được việc ở bất kỳ đại học nào khác trên nước Mỹ. Ông chuyển sang London, ngồi ghế Giáo sư tại Trường Kinh tế và Khoa học chính trị Luân Đôn vào năm 2013.

Cũng năm này, ông đăng bài báo “Về hiện tượng của các công việc vô nghĩa” (On the phenomenon of bullshit jobs) trên tạp chí Strike!. Ngay lập tức, bài báo gây xôn xao các diễn đàn của giới cổ cồn trắng và được dịch và đăng lại trên các tạp chí của ít nhất 12 nước trên thế giới. Trong bài báo, David Graeber nêu giả thuyết công việc vô nghĩa - công việc mà theo cảm nhận chủ quan của người lao động là không mang lại tác động gì cho xã hội - đang xuất hiện tràn lan trong giới cổ cồn trắng, trong khi những công việc mang lại ý nghĩa cho xã hội bị trả lương quá thấp. Từ bài báo, rất nhiều câu chuyện được gửi về tác giả, thậm chí đã có cuộc khảo sát diện rộng về tỷ lệ người lao động tin rằng công việc của họ là vô nghĩa được thực hiện ở Anh và Hà Lan. Cuốn sách Đời ngắn lắm, đừng làm việc vô nghĩa (nguyên tác: Bullshit jobs - a theory) là công trình nghiên cứu tiếp tục bóc tách các vấn đề xã hội ẩn dưới hiện tượng này.

Bullshit jobs - a theory được xuất bản lần đầu năm 2018 và được dịch sang tiếng Việt năm 2021 dưới tiêu đề Đời ngắn lắm, đừng làm việc vô nghĩa. Ảnh: SGB

Xuất phát từ lập luận về giá trị xã hội không thể đo bằng công thức khách quan mà phải dùng cảm nhận chủ quan cá nhân, David Graeber tin rằng các cá nhân hoàn toàn biết được sản phẩm mình làm ra có ý nghĩa hay không. Cũng dựa vào lập luận trên, ông đưa ra định nghĩa làm tiền đề xuyên suốt tác phẩm: “Công việc vô nghĩa là hình thức việc làm được trả lương, và nó hoàn toàn vô nghĩa, không cần thiết và có tính độc hại mà đến cả người làm công việc đó cũng không thể biện minh cho sự tồn tại của nó, mặc dù họ cảm thấy phải giả vờ rằng đó không phải là công việc vô nghĩa, như một phần điều kiện làm việc” (trang 44). Ông phân biệt rõ công việc vô nghĩa với công việc tồi tệ - dù công việc tồi tệ được trả lương thấp, điều kiện làm việc khốn khổ, ví dụ như công nhân dọn vệ sinh trong trường đại học, thì đó vẫn có thể là công việc có ý nghĩa.

Trong những phần quan trọng tiếp theo của cuốn sách, David Graeber lý giải tại sao con người không hạnh phúc khi làm công việc vô nghĩa, mặc dù nhiều loại công việc vô nghĩa nhưng nhàn hạ, “không làm mà vẫn có ăn”. Theo ông, niềm tin phổ biến cho rằng hình mẫu con người “được thúc đẩy bằng lợi ích kinh tế” là nhận định thiếu sót; các thí nghiệm tâm lý học đã chỉ ra, con người còn được thúc đẩy làm việc khi thấy mình là nguyên nhân của sự thay đổi. Khi con người làm công việc vô nghĩa, nó là cú đánh vào nền tảng của sự cảm nhận tầm quan trọng của cái tôi, khiến con người cảm thấy bị giày vò và sụp đổ.

Khi bàn rộng ra đến những lỗ hổng trong thiết chế xã hội hiện tại khiến những công việc vô nghĩa sinh sôi, David Graeber cho rằng các công việc trong khu vực công và tư không được sinh ra theo giả định “trả ít tiền lương nhất để thu lợi nhiều nhất” mà được sinh ra dựa trên “bộ máy phong kiến […] áp chồng lên chủ nghĩa tư bản lỗi thời và hoà trộn với nhau theo nhiều cách khác nhau” (trang 273) tạo ra các công việc vô nghĩa mang chức năng của phong kiến nhưng lại ở trong xã hội hiện đại như nhóm làm nền, nhóm tay sai, nhóm vá víu, nhóm làm màu, nhóm vẽ chuyện. Trong khi những công việc vô nghĩa như vậy được trả lương đủ sống, thì những công việc có ý nghĩa bị trả mức lương thấp. Một trong những lý do đó là giả định liên quan đến niềm tin tôn giáo: “công việc cao quý nhất không nên được bù đắp, vì nó sẽ làm ô uế một thứ có giá trị tuyệt đối như vậy (tiền lương cho mọi công việc cao quý đều nằm trên thiên đàng chứ không phải nơi nào khác)” (trang 322). Do vậy khi làm việc, nhất là công việc có ích cho xã hội, thì càng không nên đòi hỏi lợi ích tiền bạc. Theo David Graeber, giả định này chỉ đúng khi nó được áp dụng với mọi loại công việc, nhưng trong thực tế những người làm việc vì tiền lại được tăng lương vì họ làm việc vì tiền. Đó là một nghịch lý đạo đức.

Tất cả những việc đang diễn ra này khiến mâu thuẫn trong xã hội trầm trọng hơn: người giàu ghét người nghèo vì họ nghĩ rằng người nghèo là những kẻ lười biếng, người làm việc vô nghĩa ghét người làm việc có ý nghĩa, người làm việc có ý nghĩa bị trả lương thấp, còn người vừa làm việc có ý nghĩa vừa được trả lương xứng đáng (chủ yếu là giới trí thức) thường bị ghét nhất trong xã hội. Các nhà chính trị Tân tự do kiểm soát bộ máy là người hưởng lợi nhất, vì sự oán ghét nhau này gạt mối quan tâm của xã hội ra khỏi vấn đề giai cấp.

Để giải quyết vấn đề, David Graeber đưa ra gợi ý từ cách tiếp cận nhân học: ông tìm đến một phong trào đã có sẵn trong cộng đồng, đó là phong trào Thu nhập cơ bản chung (Universal Basic Income). Lập luận chính của những người tham gia phong trào này là thiết lập một bộ máy tiền lương toàn cầu nhằm tách công việc ra khỏi sinh kế. David Graeber đánh máy lại toàn bộ cuộc trò chuyện của ông với những người tham gia phong trào và đưa vào phần cuối của cuốn sách để người đọc tự cảm nhận xem lý lẽ của họ có thể áp dụng đến đâu với trường hợp của mình.

Cuốn sách của David Graeber bàn đến những vấn đề sâu sắc của nền kinh tế và chính trị nhưng lại được viết bằng lối văn xuôi dễ hiểu, đan cài nhiều câu chuyện có thật của độc giả gửi về. Lối viết ấy khiến độc giả đại chúng cảm thấy được đồng cảm, đồng thời các độc giả chuyên ngành được truyền cảm hứng để tìm hiểu thêm về lối vận hành của thị trường lao động hiện nay.