Tại Tây phương, khi nghệ thuật vươn đến sự hoàn mỹ và hài hòa cao độ trong thời kỳ Phục Hưng, thì trung tâm của nó nằm tại Rome, thành phố của các Giáo hoàng, các nhà thờ, cung điện, và các bức họa.
Người xưa tin rằng, mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà thiên thượng truyền xuống cho nhân loại, mỗi nền văn minh đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của chư Thần. Trong loạt bài viết tìm hiểu về nghệ thuật Phục Hưng, báo Trí Thức VN muốn giới thiệu tới độc giả nền văn hóa phương Tây ở thời kỳ đỉnh cao của nó – Thời kỳ Phục Hưng.
Bức “Vitruvian Man” (Tạm dịch: Tỉ lệ cơ thể người theo Vitruvius) là một tác phẩm của Leonardo da Vinci thực hiện vào khoảng những năm 1490, hiện đang được lưu giữ tại phòng trưng bày Gallerie dell’Accademia ở Venice, Ý. Dù đây không phải là một bức họa to lớn với màu sắc tỉ mỉ, mà chỉ là một hình vẽ nằm trong một trang viết tay thể hiện các nghiên cứu củaLeonardo đối với cơ thể con người, nhưng “Vitruvian Man” lại hết sức nổi tiếng.
Bức họa vẽ một người đàn ông trong 2 tư thế khác nhau, một tư thế có tay và chân nội tiếp trong hình tròn, một tư thế nội tiếp trong hình vuông. Nó dựa trên ý tưởng về tỉ lệ hoàn mỹ của cơ thể người theo kiến trúc sư Vitruvius, một người La Mã sống trước Leonardo da Vinci 15 thế kỷ.
Và một điều thú vị là, ít ai biết rằng tác phẩm nói về sự hoàn mỹ củaLeonardo da Vinci cũng không… hoàn hảo!
Hành trình đi tìm sự hoàn hảo
Hành trình đi tìm tỉ lệ hoàn mỹ đã có từ rất lâu trong hội họa, và đặc biệt vào thời kỳ Phục Hưng, khi mà các nghệ sĩ khao khát vươn đến sự hoàn hảo trong hội họa, điêu khắc, và kiến trúc, thì vấn đề này lại càng được chú ý.
Ngày nay, lý thuyết về tỉ lệ vàng được biết đến rộng rãi trong toán học, và người ta thật sự ngạc nhiên thán phục khi biết được rằng các học giả thời xưa đã tìm ra tỉ lệ hoàn mỹ đó và áp dụng vào các công trình từ kiến trúc cho tới hội họa. Từ kim tự tháp Giza tới đền Parthenon ở Hy Lạp; từ bức Chúa trời tạo ra Adam của Michelangelo trên mái vòm nhà nguyện Sistine đến bức Học viện Athens trong căn phòng ký duyệt của các Giáo hoàng; thậm chí khuôn mặt và cơ thể con người cũng tuân theo tỉ lệ này.
Bức “Vitruvian Man” của Leonardo da Vinci cũng góp một phần trong hành trình tìm kiếm tỉ lệ hoàn mỹ đó. Nhưng như tựa đề của bức tranh có chỉ ra, Leonardo da Vinci không phải là người đầu tiên mô tả tỉ lệ này. Đi trước ông còn có kiến trúc sư Vitruvius, và rất nhiều người khác nữa.
Marcus Vitruvius Pollio sống ở Rome vào khoảng thế kỉ thứ nhất trước Công Nguyên. Ông là một kiến trúc sư, kĩ sư và tác giả của tác phẩm De Architectura (Tạm dịch: Kiến trúc), bộ sách mang tính định hướng rất quan trọng trong thời kì Phục Hưng. Tất cả các nghệ thuật gia lớn của thời kỳ này, bao gồm cả Michelangelo và Leonardo đều đã đọc và cố gắng áp dụng các lí thuyết của Vitruvius.
Trong De Architectura, Vitruvius đã tập hợp các kiến thức mà ông thu thập được ở vào thời kỳ sơ khai đó, để rồi 15 thế kỷ sau, vào năm 1486, bộ sách được Fray Giovanni Sulpicio de Veroli cho tái bản ở Rome. Vào thời kỳ đó, các kiến trúc sư và nghệ sĩ đều đang khao khát tri thức cổ điển, vì thế De Architectura đột nhiên mang tới cho họ một kho tàng về kiến trúc cổ điển – kho tàng duy nhất còn tồn tại vào lúc bấy giờ.
Tỉ lệ hoàn mỹ của De Architectura
Trong cuốn thứ 3 của De Architectura, Vitruvius viết:
Rốn là trung tâm của cơ thể con người, nếu một người nằm xuống với đầu hướng thẳng lên trên, tay và chân sải rộng, với tâm là rốn, ta có thể vẽ một hình tròn chạm tới các ngón tay và chân. Cơ thể con người không chỉ có thể nội tiếp bởi hình tròn, ta còn có thể cho nó nội tiếp một hình vuông.
Bằng việc so sánh khoảng cách giữa bàn chân và đỉnh đầu với khoảng cách giữa hai tay khi sải ngang, ta có thể thấy chúng bằng nhau; và do đó các đường thẳng vuông góc với nhau đi qua các điểm này sẽ tạo nên một hình vuông.
Vitruvius cũng đưa ra các tỉ lệ và tương quan giữa các phần của cơ thể, ví dụ:
Chiều dài bàn chân bằng 1/6 chiều dài của phần thân. Chiều dài cẳng tay là 1/4. Chiều ngang của ngực là 1/4…
Vitruvius cũng viết rằng, một công trình kiến trúc muốn đẹp thì phải có tỉ lệ và sự đối xứng. Chúng có thể được tìm thấy thông qua giới tự nhiên. Nhưng không có một ví dụ tự nhiên nào hoàn mỹ như vẻ đẹp của tỉ lệ cơ thể con người. Chính vì thế, các tác gia sau này thường có xu hướng vẽ con người theo tỉ lệ mà Vitruvius nêu ra.
Tác phẩm của Leonardo da Vinci cũng không hoàn mỹ
Như trên đã nói, nhờ có Vitruvius mà các tác gia Phục Hưng đã có một công cụ mạnh mẽ để thiết kế các nhà thờ, các cung điện và các bức họa.
Tuy nhiên tỉ lệ mà Vitruvius đưa ra còn khiến người thời đó gặp một khó khăn lớn – các tác gia cố gắng vẽ con người nội tiếp trong một hình tròn hoặc hình vuông, và không chỉ vậy, họ còn nâng cao yêu cầu lên một bậc: phải vẽ sao cho diện tích của hai hình này càng ít lệch nhau càng tốt.
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng “giải” được bài toán này thông qua việc khai căn và máy tính. Nhưng ở vào thời kỳ Phục Hưng, người ta không có một công cụ như vậy. Bức “Vitruvian Man” của Leonardo da Vinci cũng chỉ là một lời giải gần đúng mà thôi.
Số Phi (con số của tỉ lệ vàng) là một số vô tỉ, điều đó có nghĩa là người ta sẽ không xác định được nó chỉ thông qua thước và compa. Và cho dù ở vào ngày nay, máy tính có thể “giải” được bài toán, nhưng nó cũng chỉ có thể cho ra hình vẽ ở một kết quả “cực kỳ chính xác”, chứ không thể cho ra hình vẽ hoàn toàn chính xác được.
Rất nhiều tác gia Phục Hưng khác đã tìm cách giải bài toán “Vitruvian Man”: Fra Giovanni Giocondo; Cesare Cesariano; Francisco Giorgi; Taccola; Francisco di Giorgio; Giacomo Andrea Da Ferrara; v.v. Nhưng có lẽ “Vitruvian Man” của Leonardo da Vinci là lời giải nổi tiếng nhất.