Mất nguồn tài trợ khổng lồ
Sau khi kết quả trưng cầu dân ý quyết định Anh sẽ rời EU (Brexit - viết tắt 2 từ Britain và Exit), rất nhiều nhà khoa học nước này đã bày tỏ sự thất vọng lớn. “Kết quả này rất xấu cho nước Anh và đặc biệt là giới khoa học Anh. Khoa học khởi sắc trong môi trường tập hợp nhiều con người thông minh, giảm thiểu rào cản và mở rộng tự do trao đổi, hợp tác. Các nhà khoa học Anh sẽ phải làm việc chăm chỉ để chống lại chủ nghĩa biệt lập của Brexit nếu muốn nền khoa học tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới” - Paul Nurse - Giám đốc Viện Francis Crick nói.
Tháng 3/2016, tạp chí Nature đã khảo sát 666 nhà khoa học sống ở Anh về Brexit. Kết quả là 83% cho biết họ muốn Anh ở lại EU, 78% cho rằng việc rời EU sẽ rất có hại cho nền khoa học và chỉ 9% tin việc ra đi là có lợi.
Vì sao các nhà khoa học bi quan về Brexit? Nguyên nhân đầu tiên là tài chính. Anh nhận tài trợ khổng lồ từ EU cho nghiên cứu khoa học. Nước này chỉ đóng 5,4 tỷ bảng cho ngân sách nghiên cứu hằng năm tại EU, nhưng nhận lại đến 8,8 tỷ bảng. Khi rời EU, giới nghiên cứu Anh sẽ mất khả năng tiếp cận những nguồn kinh phí lớn, bao gồm cả Horizon 2020 - chương trình tài trợ quy mô lớn cho các dự án khoa học đầy tham vọng. Hiện các tổ chức nghiên cứu tại Anh nhận khoảng 16% tổng số kinh phí từ EU.
Sắp tới, một số lĩnh vực nghiên cứu của Anh sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề như khoa học lâm nghiệp vốn đang nhận 53% tổng số kinh phí từ các quỹ tài trợ của EU, sinh học tiến hóa (nhận 67%), công nghệ nano (nhận 62%).
Mất lợi ích lớn từ biên giới mởViệc thực thi Brexit sẽ khiến Anh gần như bị cô lập, không tận dụng được lợi ích mà một cộng đồng khoa học mở mang lại.
Phần lớn người Anh ủng hộ rời EU là do lo ngại tình trạng nhập cư gia tăng gần đây. Tuy nhiên, biên giới mở châu Âu vốn được xem là điều tuyệt vời cho các nhà khoa học trẻ khi công dân các nước thành viên có thể sống ở bất kỳ quốc gia nào thuộc khối. Các tổ chức nghiên cứu Anh có khoảng 15% số nhân viên đến từ các nước EU.
“Một điểm mạnh của Anh là tính quốc tế tự nhiên. Chúng ta cần tiếp tục chào đón các nhà nghiên cứu và sinh viên nước ngoài. Bất cứ thất bại nào trong việc duy trì sự trao đổi tự do giữa Anh và cộng đồng quốc tế - bao gồm EU - có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền khoa học Anh” - ông Ramakrishnan nói.
Cựu Bộ trưởng Khoa học Anh Paul Drayson nói: “Những người làm việc trong cộng đồng khoa học lớn lên với tư tưởng phối hợp những hiểu biết khoa học vĩ đại. Thế nên ý tưởng một quốc gia tự nguyện rút khỏi châu Âu dường như là lời nguyền cho các nhà khoa học”.
Nguy cơ chảy máu chất xám
Giới khoa học Anh đang lo ngại nhiều nhà nghiên cứu sẽ rời đất nước khi Brexit được thực thi do mất nguồn tài trợ, mất sự tự do di chuyển trong lãnh thổ EU hoặc đơn giản là không cảm thấy được chào đón tại Anh.
“Mối quan tâm chính của tôi là nguy cơ tổn hại danh tiếng của nước Anh như một điểm đến hàng đầu cho các nhà nghiên cứu. Họ luôn đặt lên hàng đầu vấn đề tự do di chuyển và nếu điều này thay đổi, chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn trong việc tuyển dụng những học giả sáng giá nhất thế giới” - Myles Allen - Đại học Oxford - cho biết.
Các chuyên gia khác cho rằng, Brexit sẽ khiến nước Anh trở nên kém hấp dẫn với giới khoa học và nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc hay Đức, Thụy Sỹ… sẽ tận dụng cơ hội này để lôi kéo một lượng lớn “chất xám” ra khỏi đảo quốc sương mù.
“Brexit đặt Đức ở một vị trí tuyệt vời. Giờ đây, họ có thể tận dụng điều này trong việc thu hút các nhà khoa học” - Daniel Hook - một giám đốc điều hành - cho biết.
Trong khi đó, Stephen Curry - Giáo sư sinh học cấu trúc tại trường Imperial College London - tiết lộ, các đồng nghiệp EU của ông đã cảm thấy “ngày càng không được hoan nghênh”, nhiều người chuẩn bị sẵn tâm thế rời khỏi Anh. “Có rất nhiều nơi tốt để đi như Hàn Quốc hay một số quốc gia châu Âu khác” - ông Curry cho biết.