Giới học giả lo ngại Vương quốc Anh sẽ sớm chịu hậu quả do chảy máu chất xám và mất các nguồn tài trợ khổng lồ từ EU sau Brexit.
Đa số người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý mới đây. Nhiều người bất ngờ và hối tiếc với quyết định của chính mình bởi khi bỏ phiếu Brexit (từ ghép giữa “Britain” và “exit”) họ đã không lường trước hậu quả. Ngoài tài chính, kinh tế thìcác chương trình nghiên cứu khoa học của nước này cũng đang đối mặt với nhiều thay đổi.
Một cuộc khảo sát trước đó tiết lộ rằng các nhà khoa học là những người phản đối kịch liệt nhất chuyện Anh rời EU. Trong số 907 nhà khoa học hoạt động ở Anh, 83 phần trăm ủng hộ việc Anh ở lại EU.
Hồi tháng Ba, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Stephen Hawking cùng 150 nghiên cứu sinh khác thuộc Hội Hoàng gia đã viết một lá thư cho rằng rời EU sẽ là một “thảm họa đối với khoa học và các trường đại học” nước này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Good Morning Anh ITV, Hawking nêu ra nhiều lí do giải thích tại sao ở lại EU là điều tốt cho lợi ích nền kinh tế, an ninh và khoa học Anh. Ông đưa ra quan điểm cho rằng là thành viên EU sẽ thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa các quốc gia thông qua việc chuyển giao sinh viên, đem lại một loạt ý tưởng từ nhiều nền tảng khác nhau. Và EU còn tài trợ để nuôi dưỡng và phát huy những tương tác này.
"Rời bỏ (EU) là chúng ta phải tự làm tất cả, chống lại cả thế giới", Hawking nói. Khi kết quả Brexit công bố, giới nghiên cứu lo sốt vó vì sự ảnh hưởng mà ngành khoa học phải gánh chịu.
Cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU có thể dẫn đến chảy máu chất xám nghiêm trọng. Các nhà khoa học sẽ chọn cách ra đi vì kinh phí cho khoa học Anh sẽ không còn như trước do Anh phải tự lo khi mất đi các nguồn tài trợ. Lý do thứ hai khiến giới học giả tìm đến vùng đất khác là bởi Brexit làm các nhà khoa học đến từ EU mất địa vị tại nước này, họ cảm thấy không còn được chào đón.
Myles Allen, một chuyên gia từ Đại học Oxford, cho biết mối bận tâm chính của ông là khả năng bị thiệt hại về danh tiếng của Vương quốc Anh - trước Brexit luôn được coi như một điểm đến lý tưởng cho các nhà nghiên cứu hàng đầu.
Ông nói điều những người nghiên cứu khoa học quan tâm nhất là khả năng di chuyển và tuyển dụng. Nếu sự thay đổi Brexit tác động đến khả năng tuyển dụng học thuật “tốt nhất và tươi sáng nhất” của Vương quốc Anh, ông tin rằng đất nước đang gặp vấn đề.
Trong khi đó, tài trợ châu Âu trong các trường đại học nghiên cứu hàng năm ở Anh khoảng hơn 1 tỉ bảng Anh (1,37 tỉ USD) sẽ không còn sau Brexit. Tài trợ nghiên cứu từ EU hiện cung cấp 16% kinh phí cho các trường đại học Anh (23% kinh phí cho các nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học Cambridge là từ các nước EU khác), hơn 40% quỹ nghiên cứu ung thư trong nước cũng là từ bầu sữa EU đứng trước nguy cơ khó bù đắp do chính phủ Anh phải tự lo 100% tài chính khoa học.
Vì thế, ngoài chảy máu chất xám, các chuyên gia còn lo ngại Brexit sẽ ảnh hưởng đến cả việc học tập sau đại học.
Dù những người vận động cho việc “rời bỏ” đã cố gắng trấn an giới nghiên cứu của EU, khẳng định họ vẫn sẽ được hoan nghênh và nói rằng sự độc lập khỏi EU có thể cho phép Anh tự do hơn trong hợp tác quốc tế thì cũng không xua đi bầu không khí ảm đạm đang tồn tại, đe dọa sự vững bền của khoa học Anh.
Giám đốc Nghiên cứu Philip Jones của trường Đại học Nghiên cứu Khí hậu Đông Anglia ở Anh tỏ ra chán chường“Thật quá buồn”.
Giáo sư Simon Wessely của Đại học Hoàng gia London nói đùa rằng ông muốn "một chuyến bay một chiều đến Zurich" sau Brexit. Simon Wessely chia sẻ với The Independent rằng các học giả thật sự rất lo ngại khi Anh rời EU. Nhà khoa học này bày tỏ“Không cách nào để tôi có thể vờ đi sự chán nản và thất vọng”. Ông đã không tin rằng mọi người có thể bình chọn rời EU nếu như đặt khoa học và sức khỏe lên trên. Ông cho rằng hậu quả ở hai lĩnh vực sẽ trở nên nghiêm trọng trong năm tới.
Nhà di truyền học Sir Paul Nurse, cựu chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia và giám đốc Viện Crick Francis, cho biết cuộc trưng cầu dân ý là "một kết cục xấu cho khoa học Anh" và "tệ hại cho nước Anh".