Thuốc súng là một phát sinh đóng vai trò quan trọng trong lịch sử1. Tuy nhiên, hoạt động chế tạo và cất giữ thuốc súng cũng rất dễ dẫn đến những tai nạn thảm khốc. Và một biến cố như vậy đã từng xảy ra tại Bắc Kinh vào đầu thế kỷ 17.

Hình vẽ mô tả cảnh vụ nổ Vương Cung Xưởng.
Hình vẽ mô tả cảnh vụ nổ Vương Cung Xưởng.

Vương Cung Xưởng là một cơ sở sản xuất và tích trữ vũ khí, đạn dược lớn nhất của triều đình nhà Minh, do Công Bộ quản lý. Do mang ý nghĩa quân sự chiến lược nên nơi này được canh phòng hết sức cẩn mật. Thật không may, đó cũng lại là một khu vực có mật độ dân cư rất cao.

Sáng ngày 30/5/1626, người dân Bắc Kinh bỗng nhận thấy một cột khói bốc lên từ phía Vương Cung Xưởng, kèm theo tiếng “ầm ầm” và các ngôi nhà chợt rung lắc mạnh. Tiếp đến là sự xuất hiện của một quầng sáng chói lòa cùng tiếng nổ lớn “xé toạc bầu trời” – tạo thành một đám mây khổng lồ hình nấm. Vụ nổ đã san phẳng mọi thứ trong một khu vực rộng khoảng 2km2 khiến cả vạn người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà và công trình xây dựng khác bị thiêu rụi. Áp lực quá lớn làm bật gốc vô số cây cổ thụ và thổi chúng bay ra xa, thậm chí cả một tượng sư tử đá nặng 2,5 tấn cũng cùng chịu chung số phận.

Không chỉ Bắc Kinh, chấn động từ vụ nổ còn có thể được cảm nhận bởi người dân Thông Châu (nằm cách Bắc Kinh 20km về phía Đông Nam), Xương Bình (40 km về phía Tây Bắc), Mật Vân (100 km về phía Đông Bắc). Hay hàng trăm ngôi nhà tại Kế Châu (cách Bắc Kinh hơn 100 km) cũng đột nhiên sụt lún vào đúng thời điểm xảy ra biến cố. Vụ nổ đã giết chết rất nhiều người, xé nát cơ thể họ thành từng mảnh bay tứ tung rồi nằm ngổn ngang trên mặt đất. Con trai duy nhất của Thiên Khải Đế (Minh Hy Tông, 1605 – 1627), khi ấy mới chỉ bảy tháng tuổi, cũng qua đời vì bị sốc bởi chấn động. Không ít quan lại cũng bị giết, thương tật hoặc mất tích, bao gồm cả Thượng thư Công Bộ – Đổng Khắc Uy – bị gãy cả hai tay và sau đó phải xin từ chức.

Các nhà nghiên cứu thường xếp biến cố Vương Cung Xưởng vào nhóm những vụ nổ phi quân sự (không phải do giao chiến) khủng khiếp nhất trong lịch sử, cùng với các sự kiện ở Beirut (2020), Thiên Tân (2015), Cảng Chicago (1944) hay Halifax (1917). Mặc dù rất khó để đưa ra một kết quả đo lường chính xác về lượng năng lượng giải phóng do vụ nổ, và những tuyên bố cho rằng nó có thể đạt cường độ tương đương với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima chắc chắn chỉ mang tính phóng đại, nhưng số người thiệt mạng trên thực tế là cực kỳ lớn bởi vụ nổ xảy ra ở ngay tại trung tâm của một thành phố đông dân nhất thế giới thời bấy giờ.

Tranh vẽ nhiều phủ đệ bị cháy do dư chấn vụ nổ Vương Cung Xưởng. Ảnh nguồn: Samim.io.
Tranh vẽ nhiều phủ đệ bị cháy do dư chấn vụ nổ Vương Cung Xưởng. Ảnh nguồn: Samim.io.

Việc xác nhận nguyên nhân dẫn đến thảm họa cũng lại là một thách thức lớn nữa, nếu không muốn nói là “bất khả thi”. Sức công phá quá lớn đã xóa sạch mọi dấu vết trên hiện trường, không để lại dù chỉ một manh mối nhỏ cho các nỗ lực điều tra. Ban đầu, chính quyền tin rằng đó là hành vi phá hoại của một thế lực thù địch nào đó; nhưng báo cáo điều tra chính thức lại kết luận vụ nổ đơn giản chỉ là một “sự cố”. Điều này càng cho thấy năng lực yếu kém của bộ máy dưới thời Thiên Khải Đế. Ngoài ra, biến cố còn xảy đến vào đúng vào thời điểm rối ren của triều Minh – được đặc trưng bởi nạn tham nhũng tràn lan, tình trạng tham quyền đoạt vị, thiên tai (lũ lụt, hạn hán) hoành hành khắp nơi kéo theo những cuộc nổi dậy của nông dân. Tuy nhiên, tất cả đều trở nên lu mờ trước Vương Cung Xưởng. Nhiều phe nhóm trong hàng ngũ quan lại, bao gồm cả những thế lực có liên hệ với phong trào Đông Lâm2, tin rằng một biến cố như vậy chính là thông điệp khiển trách của Trời trước sự vô năng của hoàng đế và là điềm báo về sự sụp đổ [không thể tránh khỏi] của triều đại.

Tàn tích từ vụ nổ Vương Cung Xưởng ở kinh thành Bắc Kinh năm 1626. Ảnh nguồn: Zi Media
Tàn tích từ vụ nổ Vương Cung Xưởng ở kinh thành Bắc Kinh năm 1626. Ảnh nguồn: Zi Media

Quả đúng như vậy, vụ nổ Vương Cung Xưởng đã góp phần đẩy nhà Minh nhanh chóng đi đến chỗ diệt vong. Năng lực sản xuất vũ khí, đạn dược bị suy giảm trầm trọng và không bao giờ có thể phục hồi. Hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả đã để lại gánh nặng nợ nần khổng lồ cho quốc khố vốn đang rất căng thẳng vì đủ thứ áp lực, bao gồm chi tiêu quân sự leo thang để chống lại sự nổi dậy của tộc Nữ Chân 3 ở Mãn Châu do Nỗ Nhĩ Cáp Xích (1559 – 1626) lãnh đạo; làn sóng phản đối các sắc thuế vô lý do triều đình áp đặt được phát động bởi giới trung lưu giàu có ở miền Nam. Nghiêm trọng hơn là dân chúng không còn tôn trọng và tin vào tính chính danh của Minh triều. Ngoài ra, vụ nổ kinh hoàng cũng cướp đi tính mạng người con trai duy nhất của Thiên Khải Đế khiến ông không còn người kế vị và qua đời không lâu sau đó. Năm 1644, đúng 18 năm sau thảm họa, nhà Minh dưới thời Sùng Trinh Đế (1611 – 1644, em trai của Minh Hy Tông) thất thủ và để giang sơn rơi vào tay người Mãn.

Chú thích:
1. Giấy, kỹ thuật in ấn, la bàn và thuốc súng thường được công nhận là “tứ đại phát minh” quan trọng của người Trung Quốc đã làm thay đổi thế giới.
2. Đông Lâm Đảng (東林黨) là một phong trào tư tưởng tồn tại vào cuối thời nhà Minh, đầu Thanh ở Trung Quốc. Đảng Đông Lâm được thành lập vào năm 1604, dưới thời Minh Thần Tông, chủ trương vận dụng luân lý Nho giáo truyền thống như một phương tiện để đánh giá đạo đức của các hành vi. Sau đó, Đông Lâm trở thành trung tâm của những người bất đồng chính kiến, khá đông trong số này đã tham gia vào bộ máy hành chính và lún sâu vào chủ nghĩa bè phái.
3. Người Nữ Chân là nhóm các dân tộc Tungus sinh sống chủ yếu ở khu vực Mãn Châu (Trung Quốc) và phía Bắc bán đảo Triều Tiên, nổi tiếng vì đã lập ra nhà Kim trong lịch sử Trung Quốc (tồn tại trong giai đoạn 1115 – 1234). Tới thế kỷ 17, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất các bộ tộc Nữ Chân và lập ra nhà Hậu Kim; sau đó, con trai ông là Hoàng Thái Cực (1592 – 1643) đã đổi tên dân tộc Nữ Chân thành Mãn Châu (tức người Mãn) và lập ra nhà Thanh.