Một nghiên cứu mới cho thấy cơn bão địa từ gây ra hiện tượng cực quang có thể là nguyên nhân khiến tàu Titanic đâm vào một tảng băng trôi lớn và chìm xuống Đại Tây Dương.

Tàu RMS Titanic khởi hành từ Southampton vào ngày 10/ 4/1912. Ảnh: Space
Tàu RMS Titanic khởi hành từ Southampton vào ngày 10/ 4/1912. Ảnh: Space

Vụ chìm tàu RMS Titanic đã trở thành chủ đề của nhiều cuốn sách, bài báo và phim ảnh. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Weather của Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia (Anh) vào tháng 8/2020, nhà khí tượng học người Mỹ Mila Zinkova cho rằng một cơn bão địa từ gây ra hiện tượng Bắc cực quang [hay ánh sáng phương Bắc] có thể đã làm gián đoạn hệ thống định vị và liên lạc của con tàu cũng như cản trở các nỗ lực cứu hộ, góp phần gây ra một trong những tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Tàu Titanic gặp nạn trong chuyến đi đầu tiên của nó từ Southampton (Anh) đến New York (Mỹ) vào ngày 15/4/1912. Đây là con tàu chở khách lớn nhất, và nổi tiếng nhất thế giới thời bấy giờ. Nó được chế tạo tại xưởng đóng tàu Harland and Wolff nổi tiếng ở Belfast, Ireland. Năm ngày sau khi tàu khởi hành, nó đâm vào một tảng băng trôi lớn khiến phần thân tàu bị vỡ. Tàu chìm hoàn toàn sau khoảng hai tiếng rưỡi, khiến 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn bị chết đuối.

Cuộc điều tra chính thức về vụ chìm tàu Titanic kết luận, nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn là do sự điều hành thiếu sáng suốt của thuyền trưởng cũng như thiết kế không hợp lý của con tàu. “Ngoài ra, hầu hết những người viết về Titanic trước đây đều không biết hiện tượng cực quang đã xuất hiện vào đêm hôm đó”, Zinkova cho biết.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cực quang hình thành khi các dòng hạt mang năng lượng có nguồn gốc từ bão Mặt trời va chạm với bầu khí quyển Trái đất. Chúng sẽ di chuyển theo đường sức từ của Trái đất tới vùng Cực, sau đó tương tác với các chất khí có trong khí quyển để tạo thành nhiều dải sáng liên tục chuyển động và thay đổi. Cực quang gồm nhiều màu sắc bao gồm: xanh lục, đỏ, tím, xanh lam.

Cực quang phát sáng rực rỡ trên bầu trời phía Bắc Đại Tây Dương vào đêm tàu Titanic bị chìm. James Bisset, thuyền phó thứ hai của RMS Carpathia [con tàu giải cứu những người sống sót trên tàu Titanic], đã viết trong nhật ký của mình vào đêm xảy ra tai nạn: “Thời tiết êm đềm, biển êm, không có gió. Bầu trời quang mây và các vì sao đang chiếu sáng. Không có Mặt trăng, nhưng cực quang sáng lấp lánh giống như ánh trăng chiếu lên từ chân trời phía Bắc”.

Trong đoạn nhật ký Bisset viết 5 giờ sau đó, ông nói rằng mình vẫn có thể nhìn thấy những chùm sáng màu xanh lục của cực quang khi tàu RMS Carpathia tiến lại gần các xuồng cứu sinh của tàu Titanic.

Những người sống sót trên tàu Titanic cũng mô tả việc nhìn thấy ánh sáng phương Bắc từ xuồng cứu sinh của họ vào khoảng 3 giờ sáng theo giờ địa phương. “cực quang rực rỡ uốn cong theo hình rẻ quạt trên bầu trời phía Bắc với những vệt sáng hướng tới sao Bắc đẩu”, Lawrence Beesley, một nhân chứng sống sót, cho biết.

Vào thời điểm các hạt tích điện phát ra từ Mặt trời đang tạo ra một màn trình diễn ánh sáng tuyệt đẹp, chúng cũng có thể làm lệch hướng la bàn của tàu Titanic ở một mức độ nhỏ. “Chỉ cần lệch 0,5 độ là đủ để khiến con tàu rời khỏi lộ trình ban đầu, di chuyển về phía một tảng băng trôi khổng lồ trên Đại Tây Dương”, Zinkova nói. “Lỗi không đáng kể này có thể tạo ra sự khác biệt giữa việc va chạm với tảng băng và tránh nó”.

Bão Mặt trời cũng có thể làm gián đoạn việc truyền tín hiệu không dây giữa tàu Titanic và một số tàu khác trong vùng biển lân cận. “Tín hiệu vô tuyến vào đêm hôm đó rất kỳ lạ, làm ảnh hưởng đến các cuộc gọi yêu cầu cứu nạn của tàu Titanic”, những người điều khiển tàu viễn dương RMS Baltic báo cáo. RMS Baltic là một trong những con tàu đáp lại lời kêu cứu của Titanic, nhưng tàu RMS Carpathia đã kịp đến trước, theo Thư viện Armstrong Browning tại Đại học Baylor ở Waco, Texas (Mỹ).

“Tàu hơi nước SS La Provence không nhận được tin nhắn SOS từ tàu Titanic, mặc dù nó đã nghe thấy chương trình phát sóng từ các tàu gần đó”, Tạp chí Hakai đưa tin. “Trong khi một con tàu khác nhận được tin nhắn từ tàu Titanic đang gặp nạn, thì thủy thủ đoàn của tàu Titanic không nhận được tín hiệu phản hồi mà nó gửi lại”.

“Báo cáo chính thức về vụ chìm tàu Titanic nói rằng những người đam mê radio nghiệp dư đã vô tình làm nhiễu sóng, thay vì đề cập đến tác động của thời tiết không gian. Có lẽ vào thời điểm đó, các nhà khoa học chưa có kiến thức đầy đủ về những ảnh hưởng mà các cơn bão địa từ có thể gây ra đối với tầng điện ly và tín hiệu liên lạc không dây”, Zinkova viết trong nghiên cứu. “Trên thực tế do ảnh hưởng của bão Mặt trời, tàu Titanic không thể gửi tín hiệu kêu cứu một cách thuận lợi và điều này đã làm trì hoãn sự xuất hiện của các tàu cứu hộ, dẫn đến cái chết của rất nhiều người”.

Trớ trêu thay, cơn bão Mặt trời góp phần làm đắm tàu Titanic lại giúp ích cho các nỗ lực cứu hộ. “Tàu RMS Carpathia dễ dàng đi thẳng đến các xuồng cứu sinh đang trôi dạt của Titanic. Bởi vì ánh sáng cực quang rực rỡ trên bầu trời cho phép những người cứu hộ nhìn thấy vị trí của 705 nạn nhân sống sót trên mặt biển”, Zinkova cho biết.

Dù con tàu Titanic đã chìm hơn 100 năm trước, nhưng câu chuyện về chuyến đi định mệnh và cái kết bi thảm của nó vẫn tiếp tục gây tò mò và thu hút sự chú ý của nhiều người cho đến ngày nay. Các đồ vật có liên quan đến vụ chìm tàu thường được trả giá cao trong những buổi đấu giá. Ví dụ, một người đã trả giá 88.000 USD để mua tờ thực đơn bữa trưa trên tàu vào năm 2015. Một cây gậy tích hợp đèn chiếu sáng bằng pin của một hành khách sống sót được bán với giá 62.500 USD trong năm 2019.

Trong khi danh tiếng của con tàu dường như không bị mai một, thì phần thân tàu nằm dưới đáy biển đang tan rã nhanh chóng. Tháng 8/2019, nhà thám hiểm Victor Vescovo cùng đồng nghiệp sử dụng một chiếc tàu ngầm tiên tiến để lặn xuống độ sâu 3.810 m dưới bề mặt Đại Tây Dương, tới nơi chứa xác tàu Titanic ở ngoài khơi bờ biển Newfoundland, Canada. Họ phát hiện xác tàu nổi tiếng đã xuống cấp đáng kể trong 14 năm qua, đặc biệt là mạn bên phải của khu vực chỉ huy, hay phòng của thuyền trưởng.

Nguyên nhân khiến xác tàu Titanic bị phá hủy một cách nhanh chóng là do sự ăn mòn của muối, tác động của dòng hải lưu mạnh dưới biển sâu và vi khuẩn ăn kim loại Halomonas titanicae. Loại vi khuẩn này tạo ra những lớp rỉ sét trên thân tàu, nhìn giống nhũ đá trong hang động. Các chuyên gia dự đoán, chúng sẽ “ăn hết” con tàu vào năm 2030.