Đối với nhiều người yêu sách, thiết bị đọc ebook chính là phát minh tuyệt vời nhất kể từ sau máy in ép gỗ của Gutenberg.
Nếu máy in đã biến sách trở thành một sản phẩm đại chúng thì máy đọc ebook lại chuyển hóa cũng một nội dung như sách in sang định dạng lưu trữ nhỏ gọn để người đọc có thể dễ dàng mang đi khắp nơi. Ngày nay, chúng ta thường xem đó là chuyện hiển nhiên, nhưng đối với người ở thế kỷ XVI thì ý tưởng này quả thật vô cùng kỳ diệu.
Agostino Ramelli (1531 – 1600) là một nhà phát minh kiêm kỹ sư quân sự xuất sắc người Ý. Thời trẻ, Ramelli được giáo dục bài bản về toán học, vật lý, kỹ thuật, quân sự, … và phục vụ hầu tước xứ Marignano. Ông đặc biệt yêu thích và rất giỏi trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến máy móc cơ khí. Danh tiếng vang xa, Ramelli được mời tới Pháp để làm việc dưới trướng Công tước xứ Anjou – sau trở thành Vua Henry III (1551 – 1589). Ông đã chế tạo một loại mìn chôn dưới đất có sức công phá cực mạnh, góp phần tạo nên chiến thắng trong trận vây hãm thành La Rochelle (1573), nên ngày càng được chủ tín nhiệm.
Bên cạnh vũ khí, Ramelli có cả một kho ý tưởng kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề thường nhật như xay ngũ cốc, di chuyển vật nặng, đào kênh, đảm bảo trị an cho thành phố, … Năm 1588, ông đã đúc kết gần 200 ý tưởng tâm đắc nhất trong cuốn sách Le diverse et artificiose machine del Capitano Agostino Ramelli (Tạm dịch: Những cỗ máy đa dạng và tài tình của kỹ sư trưởng Agostino Ramelli), bao gồm 195 bản khắc kèm mô tả chi tiết về cơ chế hoạt động của chúng bằng cả tiếng Ý lẫn tiếng Pháp. Ramelli đã dành gần một nửa cuốn sách nói về các phương pháp dẫn nước sử dụng máy bơm, guồng, giếng, … bên cạnh nhiều thiết kế như cần cẩu, cầu, đài phun nước, quan tài, đinh vít, động cơ hỗ trợ vượt chướng ngại, … Trong số đó, bánh xe sách (bookwheel) được đánh giá là thiết kế thuộc loại độc đáo nhất.
Đây là nỗ lực của ông nhằm giải quyết khó khăn mà người đọc thường gặp phải khi cần tham khảo nhiều cuốn sách cùng lúc. Các ấn bản in thời đó thường khá cồng kềnh và nặng, khiến việc đọc chéo gần như là bất khả thi. Muốn vậy, người đọc phải đặt sách lên một chiếc bàn lớn và dùng chân lật – điều cực kỳ bất tiện đối với những ai “không đủ kiên nhẫn” hoặc bị bệnh gút dày vò. Bánh xe sách của Ramelli có ngoại hình trông khá giống với chiếc đu quay mà chúng ta hay bắt gặp trong công viên giải trí, chỉ khác là chỗ của người điều khiển được thay bằng bàn đọc nghiêng. Nó sở hữu một hệ thống bánh răng phức tạp – gọi là ngoại luân xa, thường chỉ thấy trên đồng hồ thiên văn – giúp cố định góc giữa các bậc (nơi đặt sách) khi bánh xe quay. Người đọc chỉ cần điều khiển cần (bằng tay hoặc chân) để xoay bánh xe và đưa cuốn sách cần tham khảo tới vị trí thuận tiện.
Theo lý giải của kiến trúc sư Witold Rybczynski, Ramelli hoàn toàn không cần phải làm như vậy để duy trì trạng thái cân bằng bởi trọng lực đã có tác động tương tự vòng quay. Thực ra ông chỉ muốn khoe khả năng toán học, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đối với các ứng dụng kỹ thuật, cho nên mới vẽ ra một thiết kế phức tạp tới mức không cần thiết. Trong lời tựa cuốn Le diverse et artificiose machine, Ramelli đã không hề giấu giếm: “Bàn về sự xuất sắc của toán học, có thể thấy nó cần thiết ra sao trong việc học các môn khai phóng”.
Ramelli đã không thực sự chế tạo nhiều cỗ máy, song những ý tưởng và bản vẽ của ông lại có ảnh hưởng khá lớn tới ngành cơ khí sau này. Trong cuốn Theatrum machinarum novum (Tạm dịch: Nhà hát của những cỗ máy mới) xuất bản năm 1661, kiến trúc sư và kỹ sư Georg Andreas Böckler (1617 – 1687) người Đức đã sao chép khoảng 18 thiết kế của Ramelli. Ngoài ra, ảnh hưởng của ông còn có thể được bắt gặp trong các tác phẩm nổi tiếng do nhà phát minh Grollier de Servière (1596 – 1689) hay Jacob Leupold (1674 – 1727) viết, chẳng hạn Recueil d’ouvrages curieux de mathematique et de mecanique (Tạm dịch: Tuyển tập những công trình toán và cơ học kỳ thú, Servière, 1719); Theatrum machinarum (Tạm dịch: Rạp hát ly tâm, Leupold, 1724-1739).
Còn về bánh xe sách, phải nhiều năm sau đó (thế kỷ XVII – XVIII), những thiết bị đầu tiên dựa trên ý tưởng của Ramelli mới được chế tạo và phổ biến khắp châu Âu. Mười bốn chiếc trong số đó hiện vẫn còn tồn tại.
Câu chuyện về Agostino Ramelli là một ví dụ nữa cho thấy sức sáng tạo vượt trội của phương Tây thời Phục Hưng (1420 - 1600). Giống như thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại - Leonardo da Vinci (1452 - 1519), Ramelli cũng là người ấp ủ nhiều ý tưởng kỹ thuật để giải quyết các vấn đề của đời sống thường nhật, song để sống và có tiền nuôi dưỡng chúng, ông phải phục vụ dưới chướng các lãnh chúa - nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí tức tiếp tay cho sự giết chóc. Điều này cũng nói lên tính hai mặt của một vấn đề, về sự mâu thuẫn cùng mối liên hệ không thể tách rời giữa những ứng dụng quân sự và dân sự (tức lưỡng dụng) - thứ giúp Mỹ, châu Âu, Nhật Bản xây dựng được nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghiệp hùng mạnh. |