Chiều ngày thứ Ba, 16/7/2019, trên báo Mỹ cho biết, Ngân hàng Trung ương Anh quốc quyết định cho ra tờ giấy bạc mệnh giá 50 bảng Anh với ảnh của nhà toán học Alan Turing và sẽ được lưu hành vào cuối năm, 2021.
Đây là tin mừng cho giới khoa học, toán học và giới đồng tính và là sự tiếp nối của một chuỗi xin lỗi đối với Alan Turing, là tin vui nhất 65 năm sau ngày mất của ông.
Ý tưởng Alan Turing lên tiền giấy Anh là vô vọng trong những thập niên qua, nhưng giờ đây trở thành sự thật. Công lý được trả lại cho ông. Alan Turing đang hồi sinh mạnh mẽ. Quyết định trên của Ngân hàng Trung ương Anh là một sự khẳng định hùng hồn tên tuổi Alan Turing và những đóng góp to lớn của ông, cũng như khẳng định sự bình đẳng của con người ở lãnh vực trước đây còn đầy bóng tối. Đó là chiến thắng của lý tính. Hiện nay còn có 72 quốc gia trong đó các quan hệ đồng tính bị xem là bất hợp pháp (36 trong đó là thành viên của Khối thịnh vượng chung) và 11 quốc gia trong đó những người có quan hệ đồng tính bị xử tử. Sự vinh danh Alan Turing gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến toàn thế giới: con người phải được bình đẳng, thêm một lần nữa, và phải được đối xử với sự tôn trọng như nhau (Tờ The Guardian Anh).
“Alan Turing là một nhà toán học xuất sắc mà công trình của ông đã có một ảnh hưởng hết sức to lớn lên cách sống của chúng ta ngày nay”, Thống đốc ngân hàng Anh Mark Carney nói.
“Là người cha đẻ của ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, cũng như vị anh hùng chiến tranh, những đóng góp của Alan Turing là rất rộng và mở đường. Turing là một người khổng lồ mà nhiều người đứng trên vai”, Carney tiếp tục.
Sự công nhận Alan Turing trên đồng tiền giấy đồng thời cũng nhắc nhở cho mọi người, rằng quốc gia và thế giới có thể mất mát nhiều thiên tài và tài năng, nếu quốc gia hành xử kỳ thị đối với con người, về tôn giáo, chính trị, ý thức hệ, về giới tính, hay về bất cứ lý do gì. Nếu để cho những “ý thức hệ thù hằn” chiến thắng, như một nhà báo BBC viết, chúng ta sẽ mất những người con như Turing.
Alan Turing thiên tài nhưng chỉ vì đồng tính mà bị một kết cục bi thảm từ tay của những người đại diện nước Anh mà ông đã góp phần “cứu sống”, và từ quốc gia đã kết tội ông “làm bại hoại thuần phong mỹ tục”, “gross indecency” năm 1952, đã trừng phạt ông, sử dụng biện pháp “thiến bằng hóa chất”, dẫn đến cái chết đau thương của ông ở tuổi 41, tuổi còn nhiều đóng góp hứa hẹn cho thế giới. |
Nguyễn Xuân Xanh