Khoảnh khắc mà hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin bước ra khỏi khoang tàu đổ bộ Eagle và đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt trăng đã trở thành một sự kiện truyền hình lớn nhất của thế kỷ 20.
Ước tính 650 triệu người khắp thế giới đã chứng kiến hình ảnh của Apollo 11 qua làn sóng truyền hình trực tiếp, khi Armstrong thốt lên câu nói nổi tiếng: “Một bước chân nhỏ của một con người, một bước nhảy vọt của cả nhân loại”…
Đó là một câu chuyện được kể đi kể lại. Nhưng giữa bối cảnh của Chiến tranh Lạnh, đã có một phần thế giới không được chứng kiến khoảnh khắc đặc biệt đó của lịch sử, phần vì chính trị, phần vì chiến tranh. Họ đã biết bằng cách nào?
Ở Liên Xô và Đông Âu
Liên Xô đã thực sự tham gia một cuộc đua với Hoa Kỳ trong việc trở thành nước đầu tiên đưa người lên Mặt trăng. Thành công trong việc vượt qua Hoa Kỳ ở một loạt các hạng mục: vệ tinh đầu tiên bay vào vũ trụ (Sputnik-1, 1957), đưa sinh vật đầu tiên vào vũ trụ, con người đầu tiên (nhà du hành vũ trụ Gagarin trên tàu Phương Đông-1 năm 1961), người phụ nữ đầu tiên (Valentina Tereshkova trên tàu Phương Đông-6 năm 1963), chuyến đi bộ đầu tiên trong không gian,… Những thành công liên tiếp làm nức lòng nhân dân các nước XHCN. “Mục tiêu trước mắt của những cuộc du hành vũ trụ: Mặt trăng và sao Hỏa”, là khẩu hiệu chung của dư luận và cả chương trình vũ trụ bấy giờ. Năm 1966, Luna-9 trở thành tàu không người lái đầu tiên đáp thành công xuống bề mặt Mặt trăng.
Thế nhưng, việc đưa con người lên Mặt trăng trở thành cú vấp đầu tiên với chương trình không gian Xô-viết. Thất bại liên tiếp của 4 lần thử nghiệm tên lửa đẩy N-1 trong năm 1969 có thể đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng là những đòn giáng mạnh khiến Liên Xô không thể thực hiện được mục tiêu. Trong khi đó, Mỹ đã thành công với tên lửa đẩy Saturn V, và cuối cùng đưa được phi hành đoàn Apollo 11 lên Mặt trăng vào tháng 7/1969.
Trái với nhận định phổ biến từ phương Tây, sự kiện Apollo 11 được công bố một cách rộng rãi trên truyền thông các nước XHCN. Các báo chí từ Đông Đức, Hungary đến Liên Xô đều đưa tin về sự kiện này. Trong đó, riêng Ba Lan là nước duy nhất bắt sóng truyền hình trực tiếp cảnh Neil Armstrong bước xuống Mặt trăng cho khán giả trong nước.
Từ Liên Xô, tin tức về Apollo 11 được đăng tải có giới hạn. Sáng hôm sau, ngày 22/7, báo Sự thật (Pravda) – nhật báo của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô – đăng tải trên trang nhất phỏng vấn Viện sĩ A.P. Vinogradov về sự kiện: “Chúng tôi đánh giá rất cao chuyến bay của tàu vũ trụ Mỹ “Apollo-11” của hai nhà du hành Neil Armstrong và Edwin Aldrin lần đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt trăng,” đi kèm một bài tường thuật chạy 3 cột ở trang 5. Bản tin truyền hình về Apollo 11 được phát sóng trong ngày 24/7, đi kèm với những lời chúc mừng của các lãnh đạo và nhà khoa học Liên Xô.
Báo chí Liên Xô khi đó không quá đi sâu vào sự kiện và phản ứng chung của dư luận là trung lập. Các sách báo đương thời về vũ trụ cũng thường tập trung đến các thành tựu vũ trụ của Liên Xô, trong khi tránh nhắc đến việc đặt chân lên Mặt trăng. Đặc biệt là sự kiện Apollo 11 không bao giờ được mô tả như chiến thắng của Mỹ trong cuộc chạy đua lên vũ trụ.
“Cũng giống như cảm xúc của nhiều người Mỹ khi Gagarin bay vào quỹ đạo, nhiều người cố lờ chuyện này đi, một số thì thấy tức giận. Nhưng tôi không nghĩ là có một hiệu ứng tâm lý tập thể ở đây.” Sergei Khrushchev, con trai Nikita Khrushchev giải thích với Scientific American. “Đó không phải là bí mật, nhưng nó cũng không được công khai quá. Người Nga cũng có nhiều vấn đề cuộc sống phải lo toan, nên tự họ cũng không quan tâm lắm đến việc ai bay lên Mặt trăng nữa.”
“Nhưng nếu ta còn nhớ thì [khi đó] người Mỹ hễ nói về người đầu tiên vào vũ trụ, ấy là họ nói về “người Mỹ đầu tiên” [chứ không phải Gagarin]. Người Nga cũng có cùng cảm xúc đấy mà thôi.”
Thái độ của một số người cũng thay đổi dần theo thời gian. Đến những năm cuối của Liên Xô, một số phê phán công khai với việc hạ thấp tầm quan trọng của sự kiện Apollo 11 xuất hiện: Yaroslav Golovanov, nhà báo khoa học có tiếng đương thời đã viết trên tạp chí Ogonek Chủ nhật năm 1989 nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện: “Trong tối ngày 21/7/1969, khi cả thế giới nín thở theo dõi con người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, đài truyền hình Trung ương nước ta lại chiếu “Qua con mắt âm nhạc.”
“Chúng ta thể hiện sự thiếu tôn trọng với chính bản thân mình hơn là với các nhà du hành vũ trụ kia và quốc gia đã gửi họ lên đó,” Golovanov phê phán: “Người ta chỉ biết đến Apollo qua lời kể, và ai cũng bất ngờ khi bạn nói rằng đã từng có đến 12 người đi lên Mặt trăng.”
Ở Việt Nam
Vì lý do chiến tranh mà sự kiện Apollo 11 đã không được truyền tải đến miền Bắc Việt Nam, trong khi đó nó trở thành một sự kiện truyền thông đặc biệt tại miền Nam. Từ thời điểm phi hành đoàn Apollo 11 cất cánh đến khi trở về Trái đất, các tin tức được đăng tải dồn dập trên sóng truyền thanh ở Sài Gòn, với các báo lớn bằng tiếng Anh và tiếng Việt đồng loạt đăng tải lên trang nhất.
Rick Fredericksen, một cựu binh Mỹ chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ hồi đó mình nằm nghe chương trình tường thuật qua radio của AFVN (Đài Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam) trong đêm ở nhà khách quân đội tại Sài Gòn. Chương trình chạy suốt 10 ngày liền và hôm nào cũng có cái gì đó thú vị diễn ra.”
Khi đó, Fredericksen làm việc cho ban thời sự của AFVN. Được thành lập từ năm 1962, đài phát sóng các chương trình truyền thanh – từ năm 1966 là cả truyền hình phục vụ lính Mỹ và đồng minh ở miền Nam Việt Nam. AFVN tự sản xuất một phần các chương trình tin tức và giải trí, cũng như phát lại các chương trình từ Mỹ chuyển sang, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin tức của Apollo 11 từ Mỹ về Việt Nam.
Bởi vì khi đó không có vệ tinh cho phép tiếp sóng truyền hình trực tiếp, các bản tin và ghi hình của Apollo 11 phải được thu lại trước từ Hawaii và gửi bằng máy bay về Sài Gòn, đều đặn 2 tiếng một lần. Trong ngày Apollo 11 đổ bộ xuống Mặt trăng, chậm trễ trong liên lạc khiến cho phần thu băng đầu tiên về Việt Nam muộn 3 tiếng đồng hồ, trong khi các phần thu còn lại được đưa từ Philippines sang 5 tiếng sau đó.
Larry Green, nhân viên phát thanh của AFVN, mô tả chương trình trực tiếp tại Đài Sài Gòn do Trung sĩ Bob MacArthur dẫn bởi lúc đó: “Bởi vì chậm trễ nên anh Bob đã phải ứng khẩu hàng giờ liền. Anh ấy nói đủ thứ từ lịch sử hàng không đến lịch sử chương trình vũ trụ trong khi không hề có tài liệu hay kịch bản nào. Tới khi có băng về thì anh ta đã lạc hết cả giọng.”
Apollo 11 đổ bộ thành công xuống Mặt trăng vào lúc 3 giờ 17 phút sáng giờ Hà Nội (4 giờ 17 giờ Sài Gòn), và câu nói nổi tiếng của Armstrong khi đặt bước chân đầu tiên lên Mặt trăng đến với khán giả Việt Nam qua sóng phát thanh vào khoảng 11 giờ trưa ngày 21/7. Thái độ của chính quyền Sài Gòn rất rõ ràng: điện mừng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được gửi đến cho Tổng thống Mỹ Nixon trong cùng ngày, với “lời chúc mừng nồng nhiệt nhất với thành tựu vĩ đại của các phi hành gia Apollo 11 đặt chân lên Mặt trăng và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh khoa học của mình”.
Các đài phát thanh và truyền hình khu vực (Cần Thơ, Tuy Hòa, đến Huế…) phát sóng chậm hơn do phải đợi thu băng từ Sài Gòn. Ngoại trừ đài Tuy Hòa được tiếp sóng radio trực tiếp từ Mỹ truyền sang – thì các địa điểm xa như Quảng Trị chỉ nhận được phim thu lại 1 ngày sau khi phát sóng. Rất nhiều lời kể của binh sĩ Mỹ lúc đó bày tỏ niềm hoan hỉ đặc biệt: “Đó là một khoảnh khắc có phần siêu thực,” Thomas Griggs, một lính liên lạc đóng tại Sài Gòn kể lại: “Phần tuyệt vời nhất là được thấy những bước chân đầu tiên trên Mặt trăng, thật không tưởng (…) Tôi dường như bị hút hồn.”
Chương trình phát sóng sự kiện Apollo 11 của AFVN gây được ấn tượng lớn với người dân ở miền Nam lúc bấy giờ. Người dân tại các đô thị như Sài Gòn có sở hữu tivi đều có thể theo dõi chương trình, và một trong số đó là cậu bé 10 tuổi Lê Điền: “Ngày tôi xem các phi hành gia đi ra đi vào tàu vũ trụ trên TV (…) tôi đã biết rằng mình muốn làm việc cho NASA”. Sau khi cùng gia đình sang Mỹ sau năm 1975, ông học ngành vật liệu tại Đại học Alabama và sau này trở thành một trong những kỹ sư người Việt đầu tiên tại NASA khi đó. Lê Điền (Jonathan Lee) là kỹ sư đã phát triển hợp kim nhôm-silicon, là vật liệu có độ chịu lực cao nhưng lại rất nhẹ và giá thành thấp được sử dụng cho động cơ từ ô tô đến máy bay.
Trong hoàn cảnh của chiến tranh Lạnh, sự kiện Apollo 11 được quảng bá không chỉ là một thành tựu khoa học, mà dưới vai trò một chiến thắng tuyên truyền của Mỹ và đồng minh với khối XHCN. Sự kiện cũng là đòn bẩy tinh thần lớn với binh sĩ Mỹ đang chiến đấu trên chiến trường Việt Nam khi đó. Tình hình chiến sự đã nhấn chìm mọi cơ hội để sự kiện được thông tin kịp thời tại miền Bắc. Phải đến sau những năm 70, thành tựu của Apollo 11 đã được đăng tải rộng rãi và được tôn vinh như một dấu mốc lịch sử của nhân loại.
Tháng 6 vừa rồi, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phối hợp tổ chức một chuỗi các sự kiện khoa học với sự tham gia của Charles Bolden, nguyên giám đốc NASA. Gần 1000 sinh viên và học sinh phủ kín khán phòng hội trường Đại học Quốc gia TP.HCM là bằng chứng cho ngọn lửa giấc mơ chinh phục vũ trụ khơi lên từ Apollo 11 ngày nào vẫn chưa bao giờ tắt trong lòng người Việt Nam.
Tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các ông Rick Fredericksen, Jim White, và Bob Young đã giúp cung cấp thông tin và hình ảnh cho câu chuyện này.
Tư liệu tham khảo
Rick Fredericksen, “Apollo 11: As Seen From Vietnam”, Old Asia Hands Blog, June 13 2019. http://oldasiahands.blogspot.com/2019/06/apollo-11-as-seen-from-vietnam.html
“Vietnamese youth with bleak future now holds key to a brighter energy future with NASA invention” NASA News Release, July 30, 2002. https://web.archive.org/web/20090413160223/https://www.msfc.nasa.gov/news/news/releases/2002/02-189.html
Thomas Griggs, “Moon over Saigon revisited”, T.E.Griggs Blog, July 20, 2014. https://www.tegriggs.com/blog/moon-over-saigon-revisited
Saswato R. Das, “The Moon Landing through Soviet Eyes: A Q&A with Sergei Khrushchev, son of former premier Nikita Khrushchev”, Scientific American, July 16 2009. https://www.scientificamerican.com/article/apollo-moon-khrushchev/
https://history.stackexchange.com/questions/15023/what-was-the-internal-soviet-reaction-to-the-moon-landing
Gerald Nadler, “Soviet regrets TV blackout of U.S. moon shot”, UPI Archives, July 10 1989. https://www.upi.com/Archives/1989/07/10/Soviet-regrets-TV-blackout-of-US-moon-shot/9705616046400/
“Ngày hội vũ trụ 2019 tại TP. Hồ Chí Minh cùng với Phi hành gia Charles Bolden”, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, 19/6/2019. https://vnsc.org.vn/vi/tin-tuc-su-kien/ngay-hoi-vu-tru-2019-tai-tp-ho-chi-minh-cung-voi-phi-hanh-gia-charles-bolden/