Khán giả yêu thích chàng điệp viên ngọt ngào trong loạt series phim ăn khách – chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Ian Fleming, một phần cũng bởi anh ấy đã góp phần làm dịu bớt mối lo về năng lực của con người trong một thế giới ngày càng bị công nghệ hóa.
Phiêu lưu mạo hiểm, súng đạn, phụ nữ đẹp và công nghệ đỉnh cao … là những thứ gắn với thương hiệu 007. Fleming đã biến anh thành một mẫu người hùng hiện đại, bậc thầy có khả năng làm chủ công nghệ với các thiết bị tối tân nhất do MI6 (Cơ quan tình báo bí mật của Nữ hoàng) phát triển, như chiếc đồng hồ tạo ra từ trường, xe Aston Martins gắn tên lửa và giấu súng trong thân … Trong vô số điệp vụ của mình, Bond đã không ít lần vướng vào những cuộc đấu không thể tránh với máy móc.
Sinh vào đầu thế kỷ 20, Fleming thuộc thế hệ những người đam mê công nghệ và lạc quan tin vào chủ nghĩa hiện đại, rằng các công nghệ mới tuyệt vời sẽ làm thay đổi tương lai. Bản thân ông cũng rất yêu thích xe hơi thể thao, máy ảnh, súng, đồ lặn và du lịch bằng đường hàng không, cho nên đã phần nào gửi gắm những điều đó vào đứa con tinh thần của mình – nhân vật 007, bằng trí tưởng tượng bay bổng, nhưng cũng lại vô cùng chân thực. Như Fleming mô tả, Bond là biểu tượng của mẫu quý ông thời máy bay phản lực, và là chuyên gia về công nghệ gián điệp. Còn đối với các nhà sản xuất phim, nhận thấy cơ hội bán hàng rất lớn cho đông đảo khán giả, họ đã cho lấp đầy mỗi tập phim bằng ý tưởng về những công nghệ tiên phong và đầy tính điện ảnh. Theo năm tháng, Bond đã giới thiệu đến khán giả những sáng tạo kỳ diệu như tia laser, GPS và sinh trắc học trước khi chúng trở nên phổ biến trong thế giới thực – như lời nhà sản xuất tuyên bố, rằng Bond đại diện cho khoa học thực tế chứ không phải viễn tưởng.
Các nhân vật phản diện với mưu đồ thống trị hoặc chi phối thế giới – đối thủ của Bond, cũng phản ánh sự thay đổi của những mối đe dọa do công nghệ mang lại. Từng tham gia vào chiến dịch săn lùng các nhà khoa học Đức cuối Đệ nhị Thế chiến, Fleming hay bị ám ảnh bởi vũ khí hóa sinh – thứ mà ông cho là tàn bạo và đáng sợ không thua gì bom nguyên tử. Vì vậy, MI6 đã có hẳn một phòng chuyên nghiên cứu về chúng, và các loại chất độc có khả năng tiêu diệt toàn bộ động thực vật xung quanh cũng xuất hiện trong nhiều tập phim, như khí GB trong phần Goldfinger – được chính nhân vật Auric khẳng định là công cụ hủy diệt hiệu quả hơn cả bom hydro.
Thế giới quan của Fleming cũng chịu nhiều biến động kể từ khi ông bắt đầu viết James Bond vào thập niên 1950, khi sự nhiệt tình của ông với công nghệ dần bị lụi tàn bởi những thay đổi mang tính cách mạng trong hoạt động gián điệp. Sáng tác của ông, vì thế dường như chỉ là sự hoài niệm về một điệp viên kiểu mẫu đang dần biến mất. Người đàn ông mạnh mẽ với những điệp vụ tưởng như bất khả thi của Fleming đang bị thay thế bởi các kỹ thuật biên nghe lén (điện thoại hoặc qua phân tích hình ảnh vệ tinh) làm việc thầm lặng.
Nỗi sợ của công chúng về những vũ khí hủy diệt hàng loạt mới, đặc biệt là hạt nhân, cũng được Fleming nhân rộng, với mô típ theo kiểu: một nhóm tội phạm có tổ chức đã đánh cắp một trái bom nguyên tử ở Anh để tống tiền thế giới. Nhiều bộ phim do hãng Eon thực hiện đã tập trung khai thác đề tài này, với những cái tên như Goldfinger, Thunderball, You Only Live Twice, The Spy Who Loved Me, Moonraker, Octopussy, Tomorrow Never Dies, The World is not Enough, … Trong đó, đoàn làm phim đã phải cố gắng theo kịp sự tiến bộ của công nghệ chế tạo bom, từ những quả có cánh thông thường trong Thunderball đến ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) Polaris trong The Spy Who Loved Me. Cỗ máy cồng kềnh trong Goldfinger cũng tiến hóa thành những thiết bị nhỏ gọn song không kém phần nguy hiểm trong Octopussy và The World is Not Enough, cho phép kẻ phá hoại nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại có thể chỉ là một người đàn ông nhỏ bé xách theo chiếc vali nặng – như trong Moonraker.
Một số hình mẫu phản diện do Fleming hư cấu từ thời trẻ, như Phó Mãn Châu – người truyền cảm hứng cho tiến sỹ Julius No, hay những doanh nhân tinh quái như Karl Stromberg trong The Spy Who Loved Me, cũng trở nên không còn phù hợp nữa. Vì thế, nhiều bộ phim chuyển sang phản ánh sự mất niềm tin vào các doanh nghiệp lớn trong thập niên 1960, như nhân vật Dominic Greene của Quantum of Solace là một ví dụ điển hình – kẻ xấu mang tư tưởng phân biệt chủng tộc và núp bóng doanh nhân thành đạt, thân thiện. Ngoài ra, thế hệ côn đồ Đức Quốc xã của những tiểu thuyết đầu tiên cũng dần được thay bằng các nhà tư bản công nghiệp châu Âu (tinh khôn hơn) của thập niên 1970, trùm ma túy (Mỹ Latin) trong những năm 1980, tập đoàn tội phạm và tin tặc Nga hồi thập niên 1990.
Sự bùng nổ của dòng phim Bond diễn ra gần như cùng lúc với cuộc chạy đua lên vũ trụ trong thập niên 1960, khiến 007 cũng phải di chuyển vào quỹ đạo trên phi thuyền hoặc tàu con thoi, trong cuộc chiến chống lại kẻ thù (gốc gác Liên Xô hoặc cựu phát xít). Tài tử Roger Moore, trong vai Bond đã phải đối mặt với những công nghệ quân sự mới nhất, như trên các hệ thống nhắm bắn mục tiêu bằng máy tính và vũ khí hạt nhân xách tay của thập niên 1980, rồi sau đó là mặt tối của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Tập phim A View to a Kill được phát hành vào năm 1985 – một năm sau khi Apple ra mắt máy tính Mac, phản ánh sự trỗi dậy và tầm ảnh hưởng của công nghệ mạch tích hợp; cơn sốt trên thị trường đã gây ra một thảm họa tại thung lũng Silicon.
Sang thập niên 1990, cùng với sự thành công của Pierce Brosnan, 007 đã chiến đấu chống lại những kẻ xấu mới trong một thế giới kết nối hơn. Trong Tomorrow Never Dies, nhân vật phản diện không tới từ phương Đông (ám chỉ Liên Xô), mà là một ông trùm truyền thông người Anh: Elliot Carver, kẻ muốn thao túng thế giới với phương châm “ngôn từ chính là thứ vũ khí khủng khiếp nhất” – hình mẫu được truyền cảm hứng từ Robert Maxwell hay Rupert Murdoch.
Nhưng cho dù mối đe dọa lớn đến đâu và tương lai nguy hiểm như thế nào, Fleming vẫn để Bond xử lý một cách tài tình, dựa vào sự khéo léo và ngẫu hứng cá nhân để giành chiến thắng sau cùng. Đã nhiều lần Bond chính là người cứu thế giới khỏi thảm họa bằng những thao tác đơn giản đến không ngờ. Như trong The Spy Who Loved Me, anh chỉ cần vặn tua vít để tháo rời đầu đạn hạt nhân của tên lửa Polaris; hay chỉ cần vài giây kiểm tra hướng dẫn sử dụng phần mềm để lập trình lại hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã được chất lên bệ phóng. Qua Bond, tác giả muốn gửi gắm thông điệp rằng: kể cả sắp tận thế thì sự xuất hiện của một người hùng (cùng với một phụ nữ hấp dẫn) sẽ lại đưa tất cả trở về trạng thái bình thường.