Một nghiên cứu mới của Nhật Bản hé lộ cơ chế đằng sau những tác động tưởng chừng trái ngược của ký ức sợ hãi: không thể quên nhưng cũng khó nhớ lại.

Sau một sự kiện chấn thương, chẳng hạn như bị chó cắn thì khi chỉ nhác thấy bóng bất kỳ con chó nào bạn đã đủ sợ hãi, nhưng bạn có thể không nhớ chính xác diễn biến của sự việc ban đầu.

Trước đây, các nhà khoa học chưa rõ bộ não ưu tiên ký ức liên tưởng hơn ký ức tình tiết trong các sự kiện chấn thương như thế nào.

Để làm sáng tỏ điều này, một nhóm nhà khoa học Nhật từ Phòng thí nghiệm khoa học máy tính Sony, Phòng thí nghiệm khoa học thần kinh tính toán ATR và Đại học Tokyo đã thực hiện thí nghiệm theo dõi hoạt động của não của người tham gia được cho trải nghiệm những sự kiện đe dọa mô phỏng, như tai nạn xe hơi, bằng thiết bị chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) và các thuật toán học máy.

Hiểu biết mới về quá trình xử lý ký ức sợ hãi có thể giúp chúng ta tìm ra cách điều trị hiệu quả hơn cho những người bị sang chấn tâm lý. Nguồn:beppemicalleftrigona.com

Kết quả, họ phát hiện, ký ức sợ hãi ban đầu hình thành các mối liên hệ rộng, nhưng sau đó, chúng chuyển thành ký ức theo từng giai đoạn, gắn với các mốc thời gian cụ thể. Quá trình này lần lượt diễn ra ở vùng hồi hải mã (liên quan đến khả năng ghi nhớ) và vỏ não trước trán lưng bên (liên quan quan trọng đến khả năng kiểm soát nhận thức).

Cụ thể, ngay lập tức sau khi sự kiện gây sợ hãi xảy ra, hồi hải mã sẽ dựa vào trí nhớ liên kết để khái quát hóa nỗi sợ, bất kể sự kiện diễn ra theo trình tự nào.

Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, vùng vỏ não trước trán bên sẽ tích hợp chuỗi sự kiện vào ký ức sợ hãi, thu hẹp phạm vi của nỗi sợ. Nói cách khác, chúng chuyển thành ký ức tình tiết gắn liền với các mốc thời gian cụ thể.

Quá trình tái cân bằng giữa các vùng não này có thể giải thích nguyên do vì sao một số người phát triển sang chấn tâm lý, còn một số người thì không.

Nghiên cứu chỉ ra những người có mức độ lo lắng cao độ, có nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương cao hơn, có thể gặp khó khăn trong việc tích hợp ký ức tình tiếtthông qua vùng vỏ não trước trán bên. Điều này dẫn tới sự áp đảo của ký ức liên tưởng và gây ra nỗi sợ dai dẳng.

Phát hiện mới có thể thay đổi cách hiểu của chúng ta về chấn thương tâm lý và quá trình xử lý ký ức sợ hãi. Nó cũng mở đường cho các biện pháp can thiệp sang chấn tâm lý bằng cách nhắm vào khả năng tích hợp ký ức tình tiết sau chấn thương.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications.

Nguồn: