Đặc biệt, 90% dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản đều nằm trong bán kính 5km quanh khu phố cổ - theo một nghiên cứu mới.

Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam và thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong sáu tháng đầu năm nay, số vốn đầu tư đăng ký vào địa bàn Hà Nội xấp xỉ 1,165 tỷ USD, tăng 6% so với năm ngoái và đứng thứ tư cả nước về số vốn đăng ký. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vốn FDI vào một địa phương, không chỉ là mức độ phát triển kinh tế của địa phương đó mà còn ở cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân công...

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Habitat International, được thực hiện bởi hai nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne và Đại học RMIT (Úc), đã chỉ ra rằng FDI có mối liên hệ với mạng lưới đường phố tại Hà Nội. Nghiên cứu sử dụng hai bộ dữ liệu - bộ dữ liệu về FDI của Cục Đầu tư nước ngoài, bao gồm hồ sơ của tất cả các dự án FDI trong giai đoạn 1988–2017 và bộ dữ liệu về các tuyến phố Hà Nội, về mặt địa lý bao phủ 266 phường và khoảng 25 km x 30 km - để phân tích mối tương quan giữa phân bổ FDI và mạng lưới đường phố.




Vốn FDI vào Hà Nội phân bố theo phường. Ảnh: công bố của nhóm nghiên cứu

Kết quả từ nghiên cứu chỉ ra, vốn FDI phân bổ không đều giữa các khu vực. Trong số 529 phường ở Hà Nội, có 320 phường không có dự án FDI nào; trong khi 10 phường dẫn đầu chỉ nằm trong một khu vực chiếm 1,2% tổng diện tích của thành phố và chiếm hơn một nửa tổng vốn FDI. Phần lớn các dự án FDI nằm trong bán kính khoảng 10km quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Đặc biệt, 90% dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản đều nằm trong bán kính 5km quanh khu phố cổ.

Ngoài khu vực phố cổ, hầu hết các cụm FDI đều kết nối với các tuyến đường thuận tiện cho việc di chuyển, cụ thể là đường vành đai 3, quốc lộ 32 và quốc lộ 08, quốc lộ AH13.

Lý giải điều này, nghiên cứu chỉ ra rằng những địa điểm nhận được lượng FDI lớn đều có giá trị lựa chọn toàn cầu cao (global choice value). Giá trị lựa chọn toàn cầu là một tham số của các tuyến đường ngắn nhất kết nối trung tâm chính với rìa của một thành phố, đồng thời kết nối các khu đô thị nằm giữa trung tâm chính và vùng rìa.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho biết, vốn FDI vào Hà Nội chủ yếu tập trung ở hai lĩnh vực bất động sản (hơn 30%) và sản xuất (29%). Các dự án FDI bất động sản thường lựa chọn những vị trí đắc địa, có những tuyến đường thuận tiện để người dân tiếp cận và sử dụng sau khi dự án hoàn thành. Trong khi đó, các dự án sản xuất đòi hỏi luồng logistic thông suốt để đảm bảo vận chuyển nguyên liệu đầu vào và phân phối hàng hóa. Khu phố cổ được kết nối với nhiều quận ngoại vi qua nhiều tuyến đường hướng tâm, nhờ vậy, nhận được nhiều sự quan tâm của các chủ đầu tư bất động sản. Trong khi đó, khả năng kết nối hạn chế về phía bắc và phía đông của Hà Nôi do có các con sông.
Nhìn chung, tại Hà Nội, các cụm FDI có xu hướng kết nối với nhau bằng những tuyến đường huyết mạch dành cho tô tô và các phương tiện giao thông khác; tuy nhiên, những tuyến đường thuận tiện cho người đi bộ lại không nhận được nhiều sự quan tâm từ các chủ đầu tư FDI. Do vậy, việc đầu tư vào mạng lưới giao thông sẽ góp phần chuyển hướng và phân cấp dòng vốn FDI tới nhiều khu vực, mang đến sự phát triển cân bằng cho thành phố.

Nguồn:

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0197397524001528#sec6