Facebook đã mất đi sự thân thuộc từng khiến chúng ta “nghiện ngập”. Nó đang trở thành một thứ khác biệt và quy mô hơn trước rất nhiều.
Điều tồi tệ nhất với Facebook đang diễn ra
Mạng xã hội ra đời trước Facebook nhưng chính Facebook đã phổ biến cụm từ này cho thế giới. Startup của Mark Zuckerberg truất ngôi MySpace năm 2008 và nay trở thành mạng xã hội đông dân nhất hành tinh. Tuy nhiên, đang có dấu hiệu cho thấy Facebook có thể đã đạt đỉnh. Với tư cách một nơi mà mọi người tìm đến để kết nối bạn bè, người thân, nó đang suy yếu dần.
Người ta vẫn sử dụng Facebook nhiều hơn bao giờ hết. Ở lần thông báo mới nhất, công ty cho biết đang có 1,6 tỷ người dùng với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày. Song, con số đáng quan tâm là số người thực sự đang dùng nó. Theo dữ liệu tuyệt mật mà The Information thu thập được, Facebook đang chứng kiến sự sụt giảm trong “chia sẻ gốc”, tức là các bài đăng về bản thân họ và cuộc sống cá nhân, ngược với các bài báo, đường dẫn. Nguồn tin của hãng tin tài chính Bloomberg lại tiết lộ nội bộ Facebook đổ lỗi xu hướng đó cho “xung đột bối cảnh”, một thuật ngữ của Danah Boyd miêu tả mạng xã hội xóa nhòa ranh giới giữa giao tiếp đám đông và riêng tư.
Dù gốc rễ là gì, hiện tượng này là có thật. Đăng ảnh con cái hay kỳ nghỉ, cập nhật trạng thái, cảm xúc, gửi tin nhắn cho người thương, đây là các tương tác giữa các cá nhân, là loại bạn thường chia sẻ với những người gần gũi. Nhưng khi Facebook ngày một phát triển và tỉ lệ thuận với danh sách bạn bè, dường như bạn đang chia sẻ với cả thế giới. Có nhiều cách để khoanh vùng đối tượng của một bài đăng qua cài đặt bảo mật nhưng chúng khá rắc rối khi áp dụng. Bên cạnh đó, phần mềm riêng của Facebook có khả năng theo dõi mọi thứ bạn làm trên trang để tạo ra hồ sơ hoàn chỉnh phục vụ cho mục đích kinh doanh quảng cáo. Khi cân nhắc tất cả những yếu tố trên, thứ khiến chúng ta ngạc nhiên là tại sao mất một thời gian lâu như vậy sự sụt giảm mới đến với Facebook.
Facebook được cho là đã thành lập một “đội đặc nhiệm” nhằm xử lý tình trạng này. Họ thử nghiệm thuật toán mới để mang đến các cập nhật trạng thái cá nhân hơn. Họ thêm “reaction” bên cạnh nút “like” để khuyến khích mọi người chia sẻ và phản hồi với các bài đăng có nội dung buồn. Zuckerberg còn quảng cáo Facebook Live, tính năng phát video trực tiếp, như một cách thức mới mẻ để kết nối nhiều người hơn. Nó như một nỗ lực nhằm tìm lại cảm giác “thô ráp” “bản năng” mà Facebook đã mất từ lâu. Công ty sở hữu nguồn lực đáng gờm và khi đặt toàn bộ tâm trí vào gì đó, họ thường thành công.
Cơ hội đảo ngược sự đi lùi trong “chia sẻ gốc” cũng giống như kỳ vọng vào sự quay trở lại của MySpace. Bạn có thể thay đổi thuật toán để hiển thị các câu chuyện hay hơn, đáp ứng khẩu vị tốt hơn hay thậm chí làm họ buồn hay vui nhưng không có gì chắc chắn bạn sẽ lấy lại được niềm tin của họ.
Tất cả những điều trên nghe như Facebook đang rơi vào bóng tối hay ít nhất đã đặt chân vào con đường của sự biến mất. Mạng xã hội còn nghĩa lý gì khi mọi người đều sợ chia sẻ? Như một bài báo có tựa trên Inc, “Điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với Facebook đang diễn ra”.
Facebook đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất
Song, nếu quan sát kỹ những gì Facebook đang làm 3 năm qua, bạn sẽ thấy công ty đã âm thầm nhưng ráo riết chuẩn bị cho sự thay đổi. Facebook biến hóa theo 2 cách khác nhau: đầu tiên, với tư cách một nền tảng, nó phát triển thành thứ lớn hơn cả mạng xã hội – ít riêng tư hơn nhưng không giảm sự hữu dụng; thứ hai, với tư cách một công ty, nó đặt cược vào tương lai của công nghệ đến điểm mà không thể gọi Facebook là “mạng xã hội” được nữa, cũng như không ai gọi Google là website tìm kiếm nữa.
Vậy chính xác Facebook đã trở thành gì? Câu trả lời khá rõ ràng khi bạn nhìn vào cách mà mọi người sử dụng nó. Facebook chính là một cổng kết nối với thế giới trực tuyến được cá nhân hóa. Nó cung cấp tin tức (40% người trưởng thành Mỹ cho biết họ dùng Facebook cho mục đích này), giải trí, game bên cạnh cập nhật từ gia đình, bạn bè. Là nguồn traffic “khủng” đối với các website, Facebook quyền lực đến mức thay đổi cả cách các công ty đưa tin, giới thiệu và phát hành nội dung. Kể từ khi Internet phổ biến, các công ty đua nhau xây dựng một cổng thông tin hoàn hảo, một trang chủ mà bất kỳ ai cũng muốn ghé qua để cập nhật thông tin nhanh nhất, người khác lại cố đưa ra ứng dụng tổng hợp tin tức từ khắp nơi, còn Facebook làm được cả hai và làm tốt, dù còn lâu mới đạt đến 100% hoàn hảo.
Không phải tình cờ mà hãng gặt hái thành quả này. Họ đã dành nhiều năm để ưu tiên “nội dung chất lượng” trên News Feed. Không chỉ hiển thị cập nhật từ bạn bè tốt hơn, Facebook còn mang đến những câu chuyện hấp dẫn từ các nhà xuất bản. Có lẽ đó là nhờ có các giám đốc, đặc biệt là Giám đốc sản phẩm Chris Cox, đã nhìn thấy trước Facebook không thể dựa dẫm mãi mãi vào cập nhật trạng thái. Trong khi đó, nó còn bổ sung các chủ đề nóng lên trang chủ, khuyến khích các hãng tin xuất bản bài trực tiếp lên nền tảng và quảng bá trình phát video gốc cũng như tính năng phát video trực tiếp với hi vọng lôi kéo các ngôi sao YouTube, người nổi tiếng, tòa soạn tạo ra nội dung hay hơn. Nó muốn đưa ngày càng nhiều loại người dùng Internet vào bên trong bức tường của mình.
Bước đi tiếp theo của Facebook sẽ là “đại tu” ứng dụng di động. Công ty xác nhận đang thử nghiệm giao diện di động mới, cho phép người dùng sắp xếp Feed theo chủ đề. Một trong các ý tưởng là chia News Feed thành các danh mục như “Tin tức chính trị”, “Thể thao”, “Giải trí”, mô phỏng các mục trên báo hàng ngày. Feed vẫn được xếp dựa theo những gì mà bạn bè đang like, chia sẻ, bình luận và bao gồm cập nhật riêng tư. Tuy nhiên, sự tái cấu trúc làm trải nghiệm đọc thú vị hơn, thay vì chỉ bó hẹp trong kết nối xã hội. Nói ngắn gọn, Facebook đang chuyển mình từ cuốn sổ liên lạc sang trang tin tức.
Như thế, người dùng sẽ đi đâu? Nền tảng nào sẽ nhân cơ hội qua mặt Facebook? Không phải Twitter, nền tảng tiểu blog còn kém riêng tư và an toàn hơn Facebook. Trung tâm của xã hội trực tuyến phải là các ứng dụng nhắn tin, chia sẻ hình ảnh, video, tập trung chủ yếu vào tạo môi trường thân thuộc hơn cho tương tác cá nhân. Hai nền tảng ảnh và video phổ biến nhất tại Mỹ là Instagram và Snapchat, trong khi hai ứng dụng nhắn tin được ưa chuộng nhất (không tính iMessage) là WhatsApp và Messenger. Trong số này, WhatsApp, Instagram và Messenger đều của Facebook. Facebook đang cố hết sức có thể để mua lại Snapchat hoặc bắt chước tính năng lõi của nó trong các ứng dụng na ná như Poke.
Theo thời gian, thương vụ thâu tóm Instagram với giá 1 tỷ USD năm 2012 đã chứng minh sự quý giá của nó. Điều tương tự cũng đúng với thương vụ 22 tỷ USD mua WhatsApp vào thời điểm năm 2014. Tiếp theo, Facebook chi thêm 2 tỷ USD mua Oculus VR bởi Zuckerberg khẳng định thực tế ảo một ngày nào đó sẽ trở thành “nền tảng xã hội nhất từng có”. Nếu xem Facebook như công ty có tham vọng thống trị thế giới giải trí trực tuyến, bước đi vào thị trường thực tế ảo hoàn toàn tự nhiên.
Cùng lúc này, công ty đang biến Messenger thành nền tảng viễn tưởng, mở cửa cho lập trình viên phát triển các chatbot thông minh, tạo ra trợ lý ảo có tên M. Nếu thực tế ảo không phải công nghệ lớn tiếp theo, đó có thể là trí thông minh nhân tạo.
Chắc chắn, Facebook vẫn đang là một mạng xã hội. Dù nhiều người dùng chủ yếu chỉ chia sẻ và quan tâm đến các bài báo, ảnh và video từ đâu đó, vẫn còn lượng lớn dùng trang web để tương tác. Facebook không cố ép họ phải làm điều gì khác. Tuy nhiên, trong thời đại của Snapchat, Instagram và WhatsApp, không sai khi nói Facebook không còn là mạng xã hội nữa. Bằng tầm nhìn xa trông rộng, công ty đã định hình để phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên “hậu Facebook”.