Từ một startup chuyên sản xuất điện thoại thông minh với giá cả phải chăng, Xiaomi giờ đây đã gây dựng nên một đế chế dẫn đầu xu hướng hàng điện tử tiêu dùng.
Nhắc đến Xiaomi, rất nhiều người Việt Nam sẽ ngay lập tức nhận ra đây là một thương hiệu điện thoại thông minh, một số người sẽ nhớ thêm rằng Xiaomi còn bán vòng đeo tay thông minh và một số thiết bị điện tử tiêu dùng nhỏ như bộ sạc di động. Năm ngoái, công ty cũng đánh một dấu mốc lớn khi công bố thành lập công ty xe điện segway của riêng mình.
Ông Lei Jun, nhà sáng lập Xiaomi. Ảnh: The Indian Express
Không nhiều người biết rằng bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, Xiaomi còn là một nhà đầu tư lớn. Điều làm nên sự khác biệt giữa nó và các tập đoàn khác như Tencent và Alibaba là Xiaomi vận hành giống như một vườn ươm. Các công ty trong danh mục đầu tư của Xiaomi thường hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo sản phẩm sẽ phù hợp với tổng thể danh mục của tập đoàn, điều này đã đưa Xiaomi trở thành một trong những thương hiệu IoT lớn nhất trên thế giới.
Nhà sáng lập Xiaomi, Lei Jun (Lôi Quân), đã nghiên cứu cách thức các thương hiệu thành công như Apple xây dựng đế chế của mình. Theo đó, chiếc điện thoại Xiaomi sẽ làm trung tâm của hệ sinh thái thiết bị gia dụng và các thiết bị điện tử khác, người dùng chỉ cần dùng một chiếc điện thoại nhỏ là có thể điều khiển được các thiết bị thông dụng — tai nghe, chuột máy tính, đèn, bộ định tuyến Wi-Fi, nồi cơm điện, v.v. Sự thuận tiện là động lực để khách hàng mua thêm nhiều sản phẩm tích hợp, kết nối với điện thoại Xiaomi.
Suốt tám năm qua, chiếc lược này cùng với nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm đã giúp định hình hoạt động kinh doanh của Xiaomi, biến thương hiệu này không chỉ là một startup điện thoại thông minh với giá phải chăng mà còn là một tập đoàn điện tử tiêu dùng lớn mạnh.
Một lối đi riêng
Đầu những năm 2010, khi bắt đầu gây dựng Xiaomi, ông Lei Jun đã có chủ trương không lệ thuộc vào các đại lý trong việc tìm nguồn cung ứng bên ngoài - thay vào đó, nhân viên của ông tự mình liên hệ với nhà cung cấp. Điều này giúp ông tự tin định giá điện thoại của Xiaomi ở mức phải chăng - nếu không muốn nói là rẻ hơn nhiều so với các thiết bị hàng đầu của Motorola, Nokia và Samsung, dù chất lượng tương đương.
Từ lúc ấy, ông Lei đã có kế hoạch đa dạng hóa dòng sản phẩm của công ty với những thiết bị điện tử khác nhau. Ông ấp ủ một tham vọng rằng ngày nào đó, Xiaomi sẽ có những khách hàng trung thành tin tưởng vào hệ sinh thái sản phẩm của công ty. Cuối năm 2013, ông đã thực sự ‘xắn tay áo’ bắt đầu hiện thực hóa kế hoạch này. Ông dự định sẽ để Xiaomi đầu tư vào 100 nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng và phát triển mạng IoT toàn diện - với điện thoại Xiaomi ở trung tâm.
Cụ thể, ông tập trung vào những thương hiệu hoạt động trong các “lĩnh vực lẻ tẻ”, nôm na là những mặt hàng điện tử tiêu dùng mà không có bất kỳ thương hiệu nào chiếm quá 10% thị phần, có thể kể đến các sản phẩm như pin sạc dự phòng, đèn, đồng hồ thông minh và các thiết bị nhà bếp nhỏ.
Vào đầu những năm 2010, những mặt hàng này có giá thành quá cao hoặc chất lượng quá kém. Đây là cơ hội để Xiaomi tận dụng điểm mạnh của mình: định hình các dòng sản phẩm điện tử tiêu dùng chất lượng với giá cả phải chăng.
Ban điều hành Xiaomi đã ‘lùng sục’ các mối quan hệ cá nhân của mình để kêu gọi các nhân tài về đầu quân cho công ty, phụ trách các nhóm phát triển sản phẩm mới. Một số người trong số này vốn đang làm việc tại Xiaomi một số khác là bạn học của ông Lei Jun và những nhà đồng sáng lập khác.
Các giám đốc sản phẩm đã ngồi lại thảo luận, giúp phân bổ nguồn lực sản xuất, và đến từng cơ sở để tham quan, học hỏi. Đồng thời, Xiaomi đã cử các chuyên gia đến từng công ty để trau dồi kỹ năng R&D, tiếp thị thương mại điện tử cho các nhân viên. Tất cả những động thái này đã hình thành nên sự thống nhất trong tầm nhìn hoạt động và văn hóa doanh nghiệp.
Dẫn đầu xu hướng
Những nỗ lực trên đã giúp Xiaomi thu được quả ngọt. Những “sản phẩm Mi” - tên gọi của các thiết bị điện tử do các công ty con của Xiaomi sản xuất, bán rất chạy. Pin sạc dự phòng Mi Power Bank, sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái của Xiaomi, nổi bật với thiết kế gọn gàng, chất lượng tốt và rẻ hơn 75% so với các mặt hàng tương tự của những thương hiệu khác. Sản phẩm ra mắt vào năm 2013, và tính đến cuối năm 2015, hơn 46,9 triệu pin Mi Power Bank đã được bán ra - tương đương khoảng 64.000 sản phẩm mỗi ngày. Vòng đeo tay thông minh Mi Band ra mắt vào mùa hè năm 2014. Tính đến cuối năm 2015, công ty đã bán ra 18,5 triệu chiếc với mức giá rẻ hơn 75% so với các sản phẩm trong cùng phân khúc của đối thủ.
Sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng cho thấy công ty đã đi đúng hướng. Thừa thắng xông lên, Xiaomi sau đó tiếp tục áp dụng chiến lược này cho các dòng sản phẩm mới của mình, như đồ gia dụng. Chẳng bao lâu sau, Xiaomi đã tạo nên thêm nhiều cột mốc hơn nữa. Công ty tung ra sản phẩm đồng hồ đeo tay thông minh (Huami), phích cắm điện thông minh (Chuangmi) và máy lọc không khí (Zhimi). Những đối thủ sừng sỏ như Haier, Midea và Huawei đã cố gắng bắt chước cách Xiaomi hình thành hệ sinh thái sản phẩm của mình, nhưng cho đến nay chưa đối thủ nào áp dụng được thành công chiến lược đó.
Xiaomi vẫn chưa dừng lại, họ tiếp tục lấn sang thị trường xe cân bằng segway - một chiếc xe hai bánh chạy bằng điện có tay cầm ở giữa. Khi nhà sáng lập Ninebot, ông Wang Ye tìm đến Xiaomi vào năm 2015, xe segway vẫn chưa có tại Trung Quốc. Tổng giám đốc hệ sinh thái Xiaomi, ông Liu De, đã yêu cầu ông Wang định giá mỗi chiếc segway ở mức 2.000 NDT, tương đương 315 USD lúc bấy giờ. Con số này chỉ gần bằng 20% giá của chiếc xe ở thị trường nước ngoài!
Vào thời điểm đó, Wang hồ nghi về mức giá này, nhưng ông không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, bằng cách tận dụng chuỗi cung ứng của Xiaomi và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, Ninebot đã thực sự bán ra chiếc xe segway của mình với mức giá 1.999 NDT.
Người dân Trung Quốc vẫn chưa biết về loại xe này, và sự ra đời của sản phẩm segway Ninebot đã lập tức trở thành cú hit. Vào ngày 15/10/2015, Lei Jun đã biểu diễn lái thiết bị tự cân bằng trên sân khấu tại sự kiện ra mắt hằng năm của Xiaomi, khiến khán giả vô cùng phấn khích. Chỉ riêng trong hôm đó Ninebot đã bán được 20.000 chiếc segway. Doanh số bán hàng trong 12 tháng tiếp theo cao gấp đôi so với kỳ vọng của ông Wang. Nhiều công ty khác cũng học hỏi sản xuất sản phẩm tương tự. Các nhà cung cấp cho hay nhu cầu đối với linh kiện đã tăng 2.000% so với trước khi segway Ninebot ra mắt.
Tiêu chuẩn Xiaomi
Thành công ban đầu của hệ sinh thái Xiaomi phụ thuộc vào tầm nhìn và sự quyết đoán của các giám đốc sản phẩm công ty. Ông Wang Ye mô tả họ là “một nhóm các nhà thiết kế và kỹ sư lý tưởng trong ngành công nghiệp.”
Ngay từ đầu, Xiaomi đã đặt ra ba quy tắc cho các thương hiệu điện tử tiêu dùng IoT trong hệ sinh thái của mình: đặt công nghệ làm cốt lõi của thiết kế, cung cấp các sản phẩm với giá cả phải chăng và tạo ra thiết bị điện tử hấp dẫn nhất.
Một số giảm đốc sản phẩm phụ trách đảm bảo mọi công ty trong mạng lưới đều phải đạt tiêu chuẩn mà Xiaomi đề ra. Liu De, tổng giám đốc, là người quyết định nên đưa sản phẩm nào vào hệ sinh thái. Li Ningning đã nâng cao quy trình thiết kế thông qua việc đánh giá tỉ mỉ chi tiết về từng sản phẩm. Hai giám đốc điều hành Liu Xingyu và Sun Peng thì đánh giá mọi sản phẩm qua ‘lăng kính’ kết nối với điện thoại của Xiaomi. Mỗi người trong số họ có thể ngừng phát triển một sản phẩm nếu họ phát hiện ra những thiếu sót không thể khắc phục được. Đổi lại, điều này đã định hình cách Xiaomi đưa ra các quyết định đầu tư.
Đặc biệt, Li Ningning ‘khét tiếng’ là người chuyên đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe. Cô sẽ xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố của sản phẩm mẫu, thẳng thắn phê bình, đôi khi yêu cầu hàng trăm vòng chỉnh sửa - tiêu tốn hàng triệu NDT.
Đôi khi Lei Jun cũng trực tiếp xem xét sản phẩm và yêu cầu thiết kế lại. Ông phụ trách những công việc mang tính chiến lược hơn, như xem xét hoạt động kinh doanh của từng công ty do Xiaomi ươm tạo. Sau đó, nhân viên của ông sẽ định hình phong cách thiết kế và thậm chí cả mẫu hóa đơn của các thương hiệu này.
Những hoạt động trên thoạt nghe có vẻ quá tỉ mỉ, nhưng nó giúp đảm bảo tất cả các thiết bị điện tử tiêu dùng đều có kiểu dáng đồng nhất, dễ dàng nhận diện thương hiệu - mặc dù chúng được sản xuất và thiết kế bởi các nhóm khác nhau. Wang Ye kể lại rằng lần đầu tiên khi anh gửi bản mẫu segway cho Xiaomi, các giám đốc sản phẩm đã lập tức mổ xẻ và nhận ra anh không thêm hướng dẫn sử dụng vào. Sau đó, Wang đã phải xây dựng một hướng dẫn chi tiết và yêu cầu người dùng phải đọc đầy đủ nếu muốn sử dụng nó.
Khát khao theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo đã giúp Xiaomi tồn tại và không ngừng phát triển. Rất nhiều sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng, nhưng cũng rất nhiều ý tưởng khác phải gác lại. Suy cho cùng, tất cả những nỗ lực này đã giúp ông Lei Jun hiện thực hóa được ước muốn của mình vào ngày đầu thành lập công ty: có được lượng khách hàng trung thành tin tưởng vào những sản phẩm mà Xiaomi tạo ra - và rõ ràng, ông đã thành công.