Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TC-ĐL-CL) Trần Văn Vinh cho biết như vậy ngay sau khi Việt Nam và Ấn Độ ký kết hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp.
Giúp doanh nghiệp chủ động hơn
Thưa ông, Tổng cục TC-ĐL-CL và Bộ Tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối công cộng Ấn Độ vừa ký kết hợp tác về tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp. Ông có thể chia sẻ nội dung cơ bản của việc ký kết này?
Bản ghi nhớ giữa Tổng cục TC-ĐL-CL và Ấn Độ là văn bản hợp tác giữa hai cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia nhằm trao đổi chuyên môn, tăng cường năng lực của hai cơ quan và góp phần thuận lợi hóa thương mại giữa hai nước. Các hoạt động hợp tác chủ yếu thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm, chuyên môn và đào tạo.
Ông Trần Văn Vinh và ngài Parvathaneni Harish - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - ký kết hợp tác. Ảnh: TQ
Cụ thể, về tiêu chuẩn hóa, hai bên sẽ chia sẻ thông tin, tài liệu về chính sách, chiến lược, cơ cấu tổ chức về tiêu chuẩn hóa, quy định và quy trình xây dựng tiêu chuẩn, góp ý về các tiêu chuẩn quốc tế tại các giai đoạn xây dựng, trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật về các vấn đề/lĩnh vực tiêu chuẩn hóa do các bên thống nhất.
Về đánh giá sự phù hợp, hai bên sẽ nghiên cứu cơ cấu tổ chức của mỗi bên, các quy định và cơ sở hạ tầng về đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm được quản lý ở mức độ phù hợp, nhằm có những thỏa thuận hợp tác về việc thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp; trao đổi kinh nghiệm, thông tin và quy trình đánh giá sự phù hợp, kể cả việc chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý và thử nghiệm.
Các bên sẽ trao đổi thông tin liên quan đến việc thu thập, lưu trữ, truy vấn, áp dụng và phổ biến các thông tin khoa học, kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp. Mỗi bên sẽ đào tạo nhân sự của bên kia trong hai lĩnh vực này, trên cơ sở có đi có lại và trong các lĩnh vực khác mà các bên cùng quan tâm.
Trong bối cảnh hội nhập, việc ký kết hợp tác kỹ thuật trong hai lĩnh vực này có ý nghĩa như thế nào, nhất là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thưa ông?
Bản ghi nhớ này là cơ sở để hai bên trao đổi thông tin, tìm hiểu tiêu chuẩn và các quy trình đánh giá sự phù hợp, bao gồm thử nghiệm và chứng nhận đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, qua đó cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của hai nước để họ chủ động đáp ứng yêu cầu của mỗi quốc gia. Đây là một biện pháp hữu hiệu giúp thuận lợi hóa trong thương mại.
Người tiêu dùng có thêm lựa chọn
Hiện việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng về đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm của Việt Nam đã được chuẩn bị ra sao để hàng hóa có thể vào thị trường các nước nói chung, vào Ấn Độ nói riêng, thưa ông?
Tùy từng sản phẩm nhập khẩu mà Ấn Độ có yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận). Do đó, để đưa được hàng hóa Việt Nam vào Ấn Độ nói riêng và các nước nói chung, doanh nghiệp Việt cần chủ động nghiên cứu các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm, phương thức đánh giá sự phù hợp, chính sách liên quan đến hàng hóa mình xuất khẩu.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp để lựa chọn, chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp có năng lực thực hiện thử nghiệm, chứng nhận đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Khi Việt Nam và Ấn Độ hợp tác về tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp, người dân được lợi gì?
Sự hợp tác này sẽ giúp doanh nghiệp Việt giảm thời gian và chi phí nhập khẩu khi đã thực hiện cơ chế thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; giảm hàng rào kỹ thuật trong thương mại và đảm bảo hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được lựa chọn hàng hóa sản xuất tại Ấn Độ và người tiêu dùng Ấn Độ cũng được lựa chọn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với giá thấp hơn do chi phí thử nghiệm, chứng nhận được giảm thiểu khi đã có cơ chế thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!