Bên lề míttinh kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới, Báo Khoa học và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Phó Đức Sơn - Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.
Thưa ông, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với thế giới và vấn đề hài hoà tiêu chuẩn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu gửi thông điệp tới cộng đồng nhân Ngày Tiêu chuẩn thế giới, ông sẽ nói điều gì?
- Đúng là tiêu chuẩn, quy chuẩn là nền tảng để chúng ta có thể tham gia các cuộc chơi quốc tế. Về thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới đã được thông tin khá rõ ràng. Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới nơi mà bạn không thể sử dụng thẻ tín dụng của mình ở tất cả các máy rút tiền hay bạn phải đi lòng vòng qua các cửa hàng chỉ để tìm một chiếc bóng đèn có thể lắp vừa đui đèn. Một thế giới không có mã điện thoại, mã nước, mã tiền tệ và không có kết nối Internet. Làm thế nào để bạn biết được cuộc gọi đến từ đâu, hoặc làm sao để gọi đến một khu vực cụ thể? Nếu không có tiêu chuẩn, việc giao tiếp giữa con người, máy móc, linh kiện và sản phẩm sẽ vô cùng khó khăn.
Thực tế là các ký hiệu đồ họa thể hiện các thông tin quan trọng một cách nhanh chóng và rõ ràng về hướng dẫn giặt là quần áo, dấu hiệu sơ tán khẩn cấp, hoặc hướng dẫn cho thiết bị điện, không phụ thuộc vào việc chúng ta nói hay đọc bằng ngôn ngữ nào. Nhưng nếu mọi người sử dụng các ký hiệu khác nhau cho cùng một thông điệp thì sẽ không đúng mục đích của nó.
Công nghệ cũng cần tiêu chuẩn để có thể giao tiếp. Đã bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào máy tính của bạn có thể gửi văn bản đến máy in của một nhà sản xuất khác chưa? Tiêu chuẩn thiết lập các quy tắc và các thông số chung để các sản phẩm có thể phối hợp vận hành. Định dạng tệp tin chuẩn như MPEG và JPEG cho phép bạn chia sẻ video và hình ảnh với gia đình và bạn bè nhờ sử dụng công nghệ của các nhà cung cấp khác nhau.
Nếu như không có các đơn vị đo lường tiêu chuẩn thì việc mua bán sản phẩm và linh kiện của các nhà cung cấp nước ngoài sẽ rất khó khăn. Mọi người có thể hiểu về khái niệm "nhỏ", "trung bình" và "lớn" theo những nghĩa khác nhau.
Tiêu chuẩn không chỉ tạo thuận lợi cho thương mại, mà chúng còn giúp cho mọi người trên thế giới có thể làm việc cùng nhau dễ dàng hơn.
Tiêu chuẩn quốc tế được ví như chiếc chìa khóa của công nghệ. Tiêu chuẩn giúp cho các sản phẩm cùng phối hợp thông suốt và con người giao tiếp với nhau dễ dàng hơn. Khi áp dụng các tiêu chuẩn,mọi thứ chỉ việc hoạt động, nhưng nếu tiêu chuẩn không được sử dụng, chúng ta sẽ nhận thấy ngay điều đó. Trong một thế giới không có tiêu chuẩn, các hoạt động thường ngày mà chúng ta cho là hiển nhiên, như thực hiện một cuộc gọi, lướt web hay sử dụng thẻ tín dụng khi đi du lịch, sẽ phức tạp hơn nhiều và gần như không thể thực hiện được.
Từ thông điệp này cho thấy tiêu chuẩn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, song để hài hoà tiêu chuẩn quốc gia với quốc tế không phải việc đơn giản. Thêm nữa, với các doanh nghiệp (DN), để đáp ứng các tiêu chuẩn đó sẽ kéo theo nhiều yếu tố khác như về công nghệ, kỹ thuật… Vậy ông đánh giá như thế nào về sự đáp ứng này của các DN Việt Nam?
Đúng là hiện nay ở Việt Nam không phải DN nào cũng có thể đáp ứng ngay các tiêu chuẩn quốc tế. Đơn cử như Công ty nhựa Tiền Phong vừa chia sẻ, trước đây chưa hội nhập họ làm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và khi hội nhập đây, đây là vấn đề lớn đang được đặt ra. Tuy nhiên, các chi nhánh của họ trong TP. Hồ Chí Minh hội nhập tốt hơn, họ bắt nhịp với tiêu chuẩn quốc tế nhanh hơn, do đó đang có sự không ăn khớp nhau ngay trong chính DN. Hiện chi nhánh ngoài miền Bắc của công ty này đang phải thay đổi thực hiện theo quy chuẩn quốc tế; nếu không, sản phẩm đường ống của công ty ngoài miền Bắc sản xuất đưa vào miền Nam sẽ không lắp đặt được.
Theo nhìn nhận của ông, lĩnh vực nào hiện đang gặp khó trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, thưa ông?
Thực chất vấn đề này phải nhìn trên bình diện phát triển chung của Việt Nam. Chúng ta phát triển chậm hơn so với các nước nên dù sao đi nữa, việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của DN trong nước cũng cần một lộ trình nhất định.
Hiện có lĩnh vực điện, điện tử về cơ bản đã đáp ứng được tương đối các tiêu chuẩn, nhưng các lĩnh vực khác cũng còn rất nhiều việc phải làm. Điều này gây khó khăn cho DN và bản thân chúng tôi cũng đang cố gắng xây dựng các tiêu chuẩn để DN có thể đầu tư, cải thiện công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thực tế đặt ra.
Nếu các DN không nhanh chóng thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn này thì sẽ tự làm khó mình và sản phẩm không ra được thị trường quốc tế.
Trên thực tế, tiêu chuẩn là ngôn ngữ chung của thế giới nhưng không nhất thiết tất cả các sản phẩm phải ngay lập tức chạy theo tiêu chuẩn quốc tế, vì thực tế có những thị trường vẫn chấp nhận một tiêu chuẩn riêng. Vậy Việt Nam đặt ra lộ trình như thế nào cho việc hài hoà các tiêu chuẩn với thế giới, thưa ông?
Đúng như vậy, tuy nhiên, trong tương lai việc cố gắng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thì sản phẩm của mình sẽ được tin cậy hơn.
Về lộ trình - như Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng đã đưa ra trong tổng kết giai đoạn I (2010-2015) chương trình Quốc gia năng suất chất lượng, chúng ta đã có 45% tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2020, chúng ta phấn đấu đạt trên 65% tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.
Để đạt được yêu cầu này, về phía cơ quan quản lý sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Míttinh kỷ niệm ngày Tiêu chuẩn thế giới. Sáng 14/10, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Tiêu chuẩn thế giới.Đến dự và phát biểu, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định, trong hơn 50 năm qua, hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Cho đến nay, hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã cơ bản được hoàn thiện cả về số lượng, chất lượng và mang tính đồng bộ; hiện có khoảng 8.600 TCVN cho 98 lĩnh vực, với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 45%. Cho rằng thành tựu mà chúng ta đã đạt được là rất đáng kể nhưng Thứ trưởng Thanh cho rằng làm sao để duy trì chất lượng, cải tiến hoạt động, nâng cao hiệu quả để khẳng định vai trò và vị trí của tiêu chuẩn hoá trong nước, đồng thời tiến tới hội nhập ngày càng sâu, rộng với quốc tế, khu vực là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi nhiều nỗ lực và tâm huyết của những người làm công tác TCĐLCL. “Hy vọng rằng với những nỗ lực của tất cả chúng ta, công tác tiêu chuẩn hóa ở nước ta sẽ không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh. |